Bảo vệ sự đa dạng sinh học là trách nhiệm của mọi người
10:18 - 25/08/2016
(MTNT)- Theo các chuyên gia, đa dạng sinh học (ĐDSH) và các hệ sinh thái tự nhiên là nền tảng cho sự sống và phát triển của con người. Tuy nhiên, hiện việc bảo tồn ĐDSH vẫn còn nhiều khó khăn.
Bảo vệ sự đa dạng sinh học là trách nhiệm của mọi người (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Việt Nam là một trong những quốc gia được công nhận có tính ĐDSH cao trên thế giới với nhiều kiểu rừng, đầm lầy, sông suối, rạn san hô... tạo nên môi trường sống cho khoảng 10% tổng số loài chim và thú hoang dã trên thế giới. Được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm ĐDSH phong phú nhất thế giới với nhiều loài động thực vật đặc hữu và những tri thức truyền thống quý giá về nguồn gen được lưu truyền qua bao thế hệ…
 
 
Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý ĐDSH nhưng tài nguyên ĐDSH của Việt Nam vẫn đang trên đà bị suy giảm và suy thoái dưới áp lực của gia tăng dân số, khai thác quá mức tài nguyên sinh vật và sự đánh đổi với ưu tiên phát triển kinh tế. Theo thống kê: Diện tích rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng tiếp tục tăng, diện tích rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn suy giảm, ô nhiễm môi trường, sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại… Những thay đổi này đã và đang gây ra những tác động không nhỏ tới việc suy giảm tài nguyên ĐDSH của quốc gia, cũng như gây ra những tác động tiêu cực đến ổn định sinh kế của nhiều cộng đồng dân cư sống nhờ vào thiên nhiên.
 
 
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt hiện nay, các hiện tượng thời tiết cực đoan (El Nino, La Nina) thường xuyên xảy ra không chỉ làm mất đi tính đa dạng sinh học mà còn làm suy thoái nghiêm trọng đến hệ sinh thái môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sự phát triển của con người trên trái đất. Theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), đa dạng sinh học là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất và đóng vai trò rất lớn đối trong đời sống con người nhưng chính con người lại khai thác quá mức nguồn tài nguyên này làm cho hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là diện tích rừng nhiệt đới bị thu hẹp một cách đáng báo động. Việc làm suy thoái các hệ sinh thái như mất rừng, đất ngập nước đã làm mất nơi cư trú và nhiều loài động, thực vật quý cũng đang bị suy thoái theo, một số loài đang có nguy cơ tuyệt chủng trong vài thập kỷ tới.
 
 
Trong khi đó, đe dọa và áp lực lên ĐDSH và an ninh sinh thái tiếp tục tăng lên do quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế dựa vào tiêu dùng, xung đột giữa con người và các loài hoang dã và biến đổi khí hậu. Các nhu cầu cạnh tranh lẫn nhau để giành đất cho đô thị hoá và phát triển cơ sở hạ tầng càng tăng thêm những áp lực ấy, và tình hình này càng trầm trọng hơn vì xâm phạm trái phép các loài động, thực vật hoang dã cũng như do thu hoạch quá mức gỗ và các sản phẩm rừng khác của các địa phương.
 
 
Tình trạng suy giảm đa dạng sinh học hiện nay phần lớn là kết quả của hoạt động của con người và đây chính là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển của nhân loại. Mặc dù có không ít nỗ lực được thực hiện trong suốt nhiều năm qua song sự mất mát đa dạng sinh học trên thế giới vẫn tiếp tục phá hủy môi trường sống, chủ yếu là tình trạng khai thác quá mức, ô nhiễm... Theo Liên hợp quốc, 1/3 trữ lượng cá của thế giới bị khai thác quá mức; ước tính có khoảng 30-35% mức độ của môi trường biển bị phá hủy…
 
 
Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam đã tích cực tham gia và thực hiện các Công ước quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học như: Công ước Đa dạng sinh học, Công ước Ramsar về bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng,...
 
 
Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều biện pháp, cùng với các chính sách kèm theo nhằm bảo vệ tốt hơn tài nguyên đa dạng sinh học của đất nước. Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua năm 2008 và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 đã tạo ra cơ sở về pháp lý và chính sách cần thiết cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học hướng tới các Mục tiêu Aichi về đa dạng sinh học.
 
 
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân: “Thời gian tới, đa dạng sinh học cần phải nhận được sự quan tâm, ủng hộ và sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội. Đặc biệt, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội trong các hoạt động xây dựng, tuyên truyền, giám sát thực thi pháp luật, sẽ góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, khuyến khích người dân và toàn xã hội tham gia bảo vệ các loài động vật hoang dã, không sử dụng, tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép”.
 
 
TS.Lê Thanh Bình, Ủy viên Hội đồng Cây di sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho rằng, vai trò của cộng đồng vô cùng quan trọng vì họ là người sống cùng đa dạng sinh học. Họ sử dụng đa dạng sinh học hằng ngày. Họ cũng là người gìn giữ hay phá hủy đa dạng sinh học. Để bảo vệ và phát triển rừng, nếu không dựa vào người dân mà chỉ có lực lượng kiểm lâm thì không thể nào bảo đảm rừng được nguyên vẹn.
 
 
Để phát huy vai trò cộng đồng trong bảo vệ đa dạng sinh học, trước hết chúng ta phải nâng cao nhận thức. Sinh kế của người dân dựa nhiều vào đa dạng sinh học nên những hoạt động của họ gây ảnh hưởng rất lớn tới đa dạng sinh học. Vì thế, chúng ta phải là người cung cấp cho họ kiến thức, giúp cho họ, tạo cho họ sinh kế bền vững. Từ đó, họ mới giúp chúng ta bảo vệ đa dạng sinh học.
 
 
Cuộc họp thứ 13 của Hội nghị các Bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (COP 13) sẽ được tổ chức tại Cancun (Mexico), từ ngày 4 – 17/12 tới đây, dự kiến sẽ tập trung vào việc lồng ghép đa dạng sinh học vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Đây cũng đồng thời là chủ đề được lựa chọn để kỷ niệm Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2016: “Lồng ghép đa dạng sinh học để duy trì quần thể và sinh kế”.

 
 

Thăng Long
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn