|
Hội viên, nông dân các cấp tích cực tham gia bảo vệ môi trường (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Tại Nam Định, Hội ND các huyện, thành phố tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong cán bộ, hội viên nông dân với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu, lồng ghép trong các hội nghị, sinh hoạt chi hội, tổ chức các cuộc thi… Nội dung tuyên truyền tập trung vào kiến thức bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng các công trình vệ sinh môi trường, biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai, mưa lũ và phòng chống dịch bệnh… Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của hội viên, nông dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Hàng năm, Hội ND các cấp tổ chức cho các hộ hội viên, nông dân đăng ký cam kết thực hiện 6 nội dung về bảo vệ môi trường. Mỗi cơ sở Hội có một việc làm cụ thể tham gia bảo vệ môi trường như: Nhận thu gom rác thải trong thôn xóm và khu dân cư; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật; trồng mới, bảo vệ và chăm sóc hàng cây nông dân; xây dựng tuyến đường không có rác thải.
Một số đơn vị triển khai tốt như: Mô hình "Hàng cây nông dân" của Hội ND huyện Trực Ninh; tuyến phố, ngõ xóm không có rác thải của Hội ND Thành phố; chỉnh trang khuôn viên gia đình xanh, sạch, đẹp, xây dựng gia đình nông thôn mới, xóm nông thôn mới ở Hội ND huyện Hải Hậu; mô hình thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật ở Hội ND huyện Nam Trực, một số xã của huyện Ý Yên; thu gom rác thải tập trung ở Hội ND huyện Xuân Trường... Theo báo cáo của các huyện, thành phố, đến nay, có 11/32 xã (đạt 34,4 % kế hoạch) và 810/1.057 chi Hội (đạt 76% kế hoạch) có tổ thu gom rác do Hội ND thành lập và tổ chức thu gom. Tập trung ở Hội ND huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường.
Tại Thanh Hóa, hàng năm tỉnh Hội tranh thủ các nguồn lực của Trung ương Hội ND Việt Nam và của tỉnh để xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường như: Xây dựng và triển khai mô hình “Thu gom, phân loại xử lý chất thải trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng dân cư” tại các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Đông Sơn, thị xã Sầm Sơn, Yên Định, Quảng Xương, Tĩnh Gia...
Các cấp Hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường như: Phát động hội viên, nông dân tham gia hưởng ứng Tết trồng cây, tích cực trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, qua đó đã trồng được hàng triệu cây xanh các loại, tích cực tham gia các hoạt động chăm lo bảo vệ rừng. Đồng thời vận động nông dân thường xuyên tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh; vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nông dân, nhất là các hộ chăn nuôi trang trại, gia trại xử lý tốt công tác vệ sinh môi trường trong chăn nuôi…
Điển hình như: Hội ND huyện Ngọc Lặc tổ chức phát động nông dân lắp đặt được 180 bể Biogas, vận động 1.027 hộ di dời chuồng gia súc, gia cầm ra khỏi gầm nhà sàn; Hội ND huyện Quảng Xương tuyên truyền, vận động hơn 100.000 hộ hội viên, nông dân cải tạo vườn tạp, hơn 12.000 hộ hội viên, nông dân xây lò đốt rác thải tại gia đình; Hội ND huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Đông Sơn… phát động phong trào “Vệ sinh môi trường ngoài đồng ruộng”, xây dựng các bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng. Ngoài ra, Hội còn vận động hội viên, nông dân đóng góp công sức, tiền, vật tư để xây dựng thành lập các tổ tự quản gom rác, xử lý chất thải, nước thải trong nông thôn, v.v…
Tại Lâm Đồng, Hội ND các cấp đã vận động hội viên, nông dân trong tỉnh tích cực tham gia phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó đã có nhiều mô hình hay được nhân rộng, điển hình là sáng chế máy xay phế phẩm nông nghiệp chế biến thành phân vi sinh bảo vệ môi trường của nông dân Vũ Đình Phúc ở Phường 7 – thành phố Đà Lạt. Hội ND thành phố Đà Lạt đã triển khai nhân rộng mô hình tổ nông dân tự quản bảo vệ môi trường trong toàn thành phố và đã có 8 tổ với hơn 100 hộ nông dân tự nguyện tham gia. Các tổ tự quản này sẽ tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân, hướng dẫn cách thức thu gom, phân loại và xử lý chất thải để tái chế. Tất cả lượng rác rau, hoa của nông dân sau khi thu hoạch sẽ được thu gom mang đến bán cho các cơ sở chế biến phân vi sinh trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh Lâm Đồng còn phối hợp với Trung tâm Môi trường - Trung ương Hội ND Việt Nam tạo điều kiện hỗ trợ, tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án mô hình “Hội ND thu gom, phân loại rác thải và bảo vệ môi trường nông thôn” tại thị trấn Đrăn, huyện Đơn Dương. Dự án đã thu hút 100 hộ hội viên, nông dân tham gia. Những người nông dân tham gia Dự án được tập huấn các kiến thức về phân loại rác, sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn. Ban điều hành dự án đã thành lập tổ dịch vụ thu gom rác của 03 tổ dân phố thuộc trung tâm thị trấn Đrăn, có 03 chi hội, gồm 09 thành viên, hàng ngày đi thu gom rác tại các hộ gia đình và các thùng rác công cộng đến điểm tập kết rác của thị trấn, đồng thời giám sát việc bỏ rác đúng chỗ, đúng nơi quy định.
Tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Hội ND huyện đã tổ chức nhiều hoạt động như: Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày nước thế giới, Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn theo chủ đề của từng năm. Hội đã chỉ đạo và hướng dẫn Hội ND cơ sở xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành có liên quan của địa phương tổ chức các đợt truyền thông phát động phong trào thi đua đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Mít tinh, tổ chức các hoạt động đồng loạt ra quân tạo khí thế sôi nổi của hội viên, nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn tham gia các hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, làm cho cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Hội ND huyện còn đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và môi trường chỉ đạo Hội ND cơ sở vận động hội viên, nông dân đóng góp trên 100 triệu đồng mua 140 ống cống để thu gom rác thải, từ chai lọ thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp. Ngày 17/8/2016, Hội ND huyện đã tổ chức bàn giao số ống cống này cho Hội ND cơ sở đưa vào sử dụng đồng thời phát động hội viên nông dân hưởng ứng tham gia bảo vệ môi trường.
Tại xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam, sau khi cơn bão số 1 ngày 27-28/7/2016 đổ bộ vào đất liền và gây ảnh hưởng nặng nề về tài sản, cây cối hoa màu của nhiều hội viên nông dân, nhân dân trong xã, dẫn đến môi trưởng bị ảnh hưởng đăc biệt là rác thải rắn, rác thải dễ tiêu mà các hộ phải phân loại. Trước tình đó, Hội ND xã Đức Lý đã thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã đến hội viên nông dân, nhân dân trong toàn xã về công tác bảo vệ môi trường sau bão, hướng dẫn quy trình phân loại, thu gom, xử lý rác thải, đặc biệt là xử lý túi ni lông khó phân hủy, xử lý rác hữu cơ làm phân vi sinh để tận dụng trong sản xuất nông nghiệp. Sau hơn 10 ngày tuyên truyền đã đem lại kết quả đáng ghi nhận, lượng rác thải sau bão giảm từ 10-20 tấn rác thải. Thông qua đợt tuyên truyền, các hộ dân đã từng bước nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Nhìn chung, các mô hình bảo vệ môi trường của Hội nhận được sự đồng thuận cao từ hội viên, nông dân và cộng đồng; sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trên địa bàn đối với hoạt động của mô hình. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trên địa bàn nông thôn về công tác bảo vệ môi trường, góp phần giúp diện mạo nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp, tạo nền tảng vững chắc cho ngành nông nghiệp.