Thói quen canh tác gây hại hồ tiêu
09:16 - 28/09/2016
Việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân có diện tích nhỏ thường sử dụng không đúng chủng loại, đối tượng và liều lượng. Bên cạnh đó, người trồng tiêu có diện tích nhỏ lại thường là đồng bào dân tộc...
Ảnh minh họa


Theo nhận định của Cục BVTV, hiện trồng hồ tiêu có 2 loại hình sản xuất khá rõ rệt là trồng diện tích lớn và trồng quy mô nhỏ.

Người có diện tích lớn (từ hàng ngàn trụ trở lên) thường xử lý thuốc BVTV định kỳ, dùng hỗn hợp nhiều loại, tăng liều lượng với mong muốn tăng năng suất và bảo vệ hồ tiêu bằng mọi giá mà ít quan tâm đến sản phẩm. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng hồ tiêu Việt Nam liên tục bị các nước nhập khẩu cảnh báo dư lượng trong thời gian qua.

Người có diện tích nhỏ (thường là vài chục đến vài trăm trụ tiêu) hầu hết là trồng trong vườn nhà, vườn tạp. Do diện tích ít nên bà con ít quan tâm đến các quy trình canh tác hay quy trình phòng chống sâu bệnh mà chủ yếu học hỏi nhau hoặc theo hướng dẫn của người bán phân bón, thuốc BVTV.
 

Một số ít gia đình có chăn nuôi thì có bón phân hữu cơ nhưng thường không đủ lượng, còn lại đa số không quan tâm hoặc không có điều kiện kinh tế để mua phân chuồng bón cho hồ tiêu.

Việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân có diện tích nhỏ thường sử dụng không đúng chủng loại, đối tượng và liều lượng. Bên cạnh đó, người trồng tiêu có diện tích nhỏ lại thường là đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa nên càng ít có điều kiện và khả năng tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật.

Như vậy, dù nông dân có diện tích lớn hay nhỏ cũng chỉ quan tâm đến thuốc BVTV hóa học mà ít quan tâm đến các biện pháp canh tác hồ tiêu bền vững.

Mặc dù dư lượng thuốc BVTV trên hồ tiêu có ảnh hưởng đến giá tiêu của Việt Nam, nhưng do nông dân vẫn bán được hàng, thậm chí với giá cao nên việc tuyên truyền chưa có tác dụng nhiều. Đây là khó khăn rất lớn của ngành BVTV trong việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người nông dân về sản xuất hồ tiêu an toàn và bền vững.
 

Theo Cục BVTV, kết quả khảo sát sơ bộ ở các vùng trồng tiêu trọng điểm cho thấy, nhiều nông dân không áp dụng theo hướng dẫn, nhất là các biện pháp canh tác rất hữu hiệu để phòng chống bệnh hiệu quả và thúc đấy sản xuất an toàn, bền vững như trồng trụ sống, bón phân hữu cơ, tủ xác bã thực vật vào gốc tiêu, thoát nước trong mùa mưa, sử dụng chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học để bảo vệ vi sinh vật có ích trong đất và giảm thiểu dư lượng thuốc BVTV.

Phần lớn những nông dân sau khi được tập huấn về phòng chống sâu bệnh đã quan tâm làm sao để vườn tiêu của mình không bị sâu bệnh bằng việc áp dụng các biện pháp canh tác, quản lý bệnh mà ngành BVTV đã khuyến cáo. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên mỗi năm, mỗi tỉnh chỉ tổ chức được vài lớp tập huấn. Để thúc đẩy sản xuất tiêu an toàn, các địa phương cần quan tâm tổ chức tập huấn cho nông dân, phát quy trình cho từng hộ nông dân sản xuất tiêu để họ áp dụng.
 

Trong thời gian gần đây có một số nông dân có diện tích lớn bắt đầu quan tâm, sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học hoặc thuốc BVTV ít độc để sản phẩm tiêu an toàn, làm sao duy trì vườn tiêu bền vững hơn. Các doanh nghiệp thu mua cũng đã có những động thái nhằm phân loại giá mua giữa tiêu an toàn và tiêu nhiễm dư lượng để khuyến khích nông dân sản xuất an toàn, bền vững.

Một số doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp và doanh nghiệp thu mua hồ tiêu đã chủ động liên kết với nông dân để giúp nông dân sản xuất tiêu an toàn. Bộ NN-PTNT khuyến khích phát triển hình thức này và đang tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân mở rộng liên kết.

Một vấn đề đáng lo ngại hiện nay là nhiều người có vốn đầu tư vào trồng hồ tiêu với diện tích khá lớn (vài ha đến vài chục ha) nhưng để bắt kịp thời điểm giá cao và đẩy nhanh tốc độ thu hồi vốn nên trồng bằng trụ xi măng, loại trụ mà cơ quan chức năng đã khuyến cáo không nên sử dụng bởi thiếu bền vững và dễ phát sinh sâu bệnh.

Nguyên Huân
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn