Khắc phục lúa ngộ độc
15:32 - 07/04/2016
Bước vào vụ HT hàng năm, hiện tượng cây lúa bị ngộ độc phèn xảy ra rất phổ biến ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước.
Lúa ngộ độc phèn và ngộ độc hữu cơ

 

Ngộ độc phèn

Thời vụ: Bước vào vụ HT hàng năm, hiện tượng cây lúa bị ngộ độc phèn xảy ra rất phổ biến ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước.
 

Nguyên nhân: Do lượng mưa ít và phân bố không đều vào đầu vụ HT, nắng hạn kéo dài lại không chủ động nguồn nước tưới bổ sung, làm cho các tầng đất chứa vật liệu sinh phèn dễ bị oxy hóa dẫn đến hiện tượng xì phèn thông qua các kẻ nứt và các mạch mao quản trong đất. Vào thời điểm này đất có độ pH rất chua, đồng thời nồng độ Fe2+ và Al3+ di động trong dung dịch đất cũng rất cao là nguyên nhân chính làm cho rễ lúa và cây lúa bị ngộ độc.
 

Triệu chứng:

Ngộ độc phèn do sắt (Fe2+): Khi cây lúa bị ngộ độc phèn sắt (còn gọi là phèn nóng), triệu chứng thường thấy là cây lúa có màu hơi vàng, trên lá già xuất hiện những đốm nhỏ màu nâu, lan dần từ chóp lá trở xuống, dần dần cả lá trở màu nâu, bầm tím, vàng hoặc cam.

Trường hợp bị nhiễm độc sắt nặng, tất cả các lá trở nên nâu và những lá già bị rụi sớm. Cây lúa lùn lại và kém nở bụi. Nếu nhỗ bụi lúa lên kiểm tra sẽ thấy rễ thưa, ngắn, có màu nâu đậm và quăn queo.
 

Do sự kém phát triển của bộ rễ nên khả năng hấp thu nước và dinh dưỡng cung cấp cho cây bị hạn chế khiến cây lúa bị suy dinh dưỡng, nếu tình trạng này kéo dài cây lúa sẽ bị suy kiệt dần, chết rải rác hoặc từng chòm.

Ngộ độc phèn nhôm (Al3+): Phèn nhôm (còn gọi là phèn lạnh) ở nồng độ cao gây ngộ độc cho cây lúa, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây.

Ngộ độc nhôm trên lúa thường xuất hiện các biểu hiện ở những lá già trước. Đặc trưng biểu hiện là những vệt vàng lục hoặc màu trắng lục trên các gân lá.
 

Cây lúa còi cọc.

Rễ phát triển chậm và biến dạng dẫn đến khả năng hút nước và dinh dưỡng kém.

Nhôm là ion gây độc bậc nhất trong đất phèn.
 

Ngộ độc hữu cơ (nghẹt rễ)

Nguyên nhân: Do đất thiếu oxi, gây tình trạng yếm khí ức chế sự hô hấp của rễ lúa. Thường là do nông dân sản xuất liên tục trên một thửa ruộng, rơm rạ của vụ trước bị vùi trong đất phân hủy trong điều kiện yếm khí tiết ra các chất độc gây hại cho lúa vụ sau (các chất độc hữu cơ đó là phenolic, hydro sulfic, khí metan, các axit hữu cơ làm tăng độ chua của đất).

Hiện tượng này cũng thường xảy ra khi bón nhiều phân hữu cơ chưa hoai mục, đất ruộng có thành phần cơ giới nặng, đất không được phơi ải, đất ngập nước thường xuyên, đất còn lẫn rơm rạ chưa phân hủy …
 

Triệu chứng: Khi bệnh mới phát sinh thì ngọn lá lúa biến vàng đỏ, khô từ chóp lá lan dần xuống dưới, lá lúa có khuynh hướng dựng đứng.

Bệnh nặng thì nhiều lá phía trên bị vàng đỏ đến 1/3 lá, cây lúa ngừng sinh trưởng, đẻ nhánh ít, bộ rễ thối đen có mùi tanh hôi, rễ mới không phát sinh.

Hiện tượng này thường xảy ra khi lúa 15 - 30 ngày tuổi sau khi sạ cấy.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn