Tích cực cải thiện môi trường làng nghề
16:25 - 23/11/2015

(MTNT) - Làng nghề ở nước ta thường mang tính tự phát, quy mô nhỏ, thiết bị sản xuất thủ công, lạc hậu, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh ở đó chưa cao. Từ những hạn chế nêu trên dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề đã đến mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khỏe đối với người dân trong làng nghề và người dân xung quanh các làng nghề.

Ảnh minh họa

Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề có nguồn gốc chủ yếu từ đốt nhiên liệu và sử dụng các nguyên vật liệu, hóa chất trong dây chuyền sản xuất. Tại hầu hết các làng nghề, ô nhiễm nguồn nước diễn ra đặc biệt nghiêm trọng, do khối lượng nước thải rất lớn, nhưng lại chưa qua hệ thống xử lý nước thải tập trung, thường được xả thẳng ra hệ thống sông ngòi, kênh rạch quanh khu vực.

 
Trong khi đó, chất thải rắn ở hầu hết các làng nghề chưa được thu gom, xử lý triệt để, gây tác động xấu tới cảnh quan môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất, đây chính là nguyên nhân gây ra các dịch bệnh cho người dân đang lao động và sinh sống tại các làng nghề và quanh khu vực làng nghề.

 
Qua kết quả nghiên cứu do các đơn vị của Bộ Y tế thực hiện cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh tại các làng nghề đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây và tập trung vào một số bệnh như các bệnh ngoài da, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, bệnh phụ khoa, ung thư... Tuổi thọ trung bình của người dân sống trong các làng nghề ngày càng giảm, thấp hơn mười năm so với tuổi thọ trung bình cả nước và thấp hơn từ năm đến mười năm so với làng không làm nghề.


Kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng sản xuất và môi trường làng nghề, do Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thực hiện cho thấy: Nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất bị ô nhiễm bởi phenol; các chỉ tiêu sinh học như Ecoli, coliform, kim loại nặng khá cao. Nguồn nước bề mặt ao, hồ, kênh mương thủy lợi bị nhiễm độc bởi dầu mỡ, Ecoli, coliform... gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần cho phép. Qua khảo sát tại hơn 40 làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, phần lớn môi trường nước, không khí, đất đai... các làng nghề đều bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nặng tới mức báo động.
 

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường TP Hà Nội, khảo sát tại hơn 40 làng nghề trên địa bàn cho thấy, phần lớn môi trường nước, không khí, đất đai... các làng nghề đều bị ô nhiễm, nhiều nơi ô nhiễm nặng tới mức báo động.
 

 Điển hình như các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức), Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai), Phú Đô (Từ Liêm)... Theo khảo sát, nước mặt nhiều nơi có hàm lượng COD, BOD5, NH4+, Coliform vượt hàng chục lần đến hàng trăm lần mức cho phép. Nước mặt ở các làng nghề dệt - nhuộm cũng bị ô nhiễm nặng, COD cao hơn 2 - 3 lần so với tiêu chuẩn cho phép, BOD5 cao hơn 1,5 - 2,5 lần; hàm lượng Coliform cũng khá cao….

 
Bắc Ninh hiện có 63 làng nghề và chỉ đứng sau Hà Nội. Trong đó, có nhiều làng nghề gây ô nhiễm nặng, ảnh hưởng về nhiệt độ, khói bụi, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nông thôn. Làng nghề đúc đồng Đại Bái có từ rất lâu đời. Đây là một làng nghề truyền thống với các nghề chính như đúc đồng, đúc nhôm và đồ mỹ nghệ…
 
Cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, làng nghề đã đưa phần lớn máy móc vào sản xuất, đã giảm thiểu thời gian và sức lao động của người dân làng nghề. Do đó kinh tế của người dân trong làng nghề này được nâng cao. Theo kết quả thống kê của UBND xã Đại Bái, năm 2014, tổng thu nhập tiểu thủ công nghiệp của làng nghề ước đạt 140 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người trong làng nghề khoảng 20-25 triệu đồng/năm.

 
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Bắc Ninh, Nguyễn Hữu Tiệm cho biết: "Là tỉnh có nhiều làng nghề, mỗi làng nghề ở đây lại có một đặc thù sản xuất, tái chế và ô nhiễm khác nhau, như các chỉ số về ô nhiễm về không khí, nhiệt độ, khói bụi, và đặc biệt là nguồn nước.
 

 Qua khảo sát, đánh giá thì hầu hết các chỉ tiêu về oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước, bao gồm cả vô cơ và hữu cơ (COD, BOB) hay các kim loại nặng như ở làng nghề giấy Phong Khê, làng nghề sản xuất thép Đa Hội… đều vượt quá ngưỡng quy định, gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe của người dân."



Kết quả quan trắc môi trường không khí tại làng nghề Châu Khê của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cũng cho thấy, chỉ số SO2, tại làng nghề Châu Khê cao hơn tiêu chuẩn cho phép tới 3,8 lần; Chỉ số NO2 cao hơn tiêu chuẩn cho phép tới 3 lần, do bị ô nhiễm bởi khí thải từ các lò sản xuất phả vào môi trường.


Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung làng nghề giấy Phong Khê với kinh phí giai đoạn I (2012 – 2013) hơn 219 tỷ đồng, giai đoạn II (2014 – 2015) gần 171 tỷ đồng với công suất xử lý là 10.000 m3 /ngày đêm.
 


Dự án triển khai trên diện tích khoảng 3,85 ha và đã hoàn tất. Môi trường làng nghề ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là việc rác thải của các hộ làm nghề đúc đồng, bã nhôm đổ bừa bãi ra môi trường, nước thải của các hộ làm nghề có hóa chất như axit, sút… không được quy hoạch vào khu tập trung để xử lý mà đổ trực tiếp ra các lòng sông, ao hồ, mương máng. Các hộ đúc, cô phế liệu chưa xây dựng được các ống khói đạt tiêu chuẩn đã làm ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân trong làng.
 


Bắc Giang hiện có 6 làng nghề. Với mục tiêu phát triển kinh tế làng nghề bền vững, thân thiện môi trường,  tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm, hạn chế xả bụi bẩn, hóa chất; trang bị phương tiện, thiết bị xử lý chất thải; yêu cầu người thợ trực tiếp sản xuất sử dụng bảo hộ lao động. Về lâu dài, tỉnh tập trung quy hoạch làng nghề, khuyến khích các hộ đưa công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất và chú trọng xây dựng hệ thống xử lý chất thải khoa học, đạt chuẩn. 

 
Hình thành và phát triển lâu đời, làng nghề bún bánh Đa Mai có khoảng 100 hộ sản xuất tập trung chủ yếu ở 4 tổ dân phố: Mai Sẫu, Mai Đình, Hòa Sơn, Mai Đọ. Với sản lượng gần 10 tấn bún, bánh/ngày, làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, nước thải xả trực tiếp ra môi
trường. 


Theo kết phân tích mẫu do Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh  khảo sát, các chỉ tiêu cơ bản như: COD, BOD, hàm lượng coliform đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Bởi thế, hệ thống nước mặt, nước ngầm và nước thải trong khu vực bị ô nhiễm. Về lâu dài ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của chính những hộ sản xuất và người dân xung quanh. 

 
Được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu do làng nghề chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, trong khi cống rãnh hở, nước thải chảy tự nhiên xuống ao hồ gây ô nhiễm.
 

Để khắc phục tình trạng này, địa phương đang tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, yêu cầu các hộ sản xuất thu gom chất thải theo quy định và tiến hành nạo vét cống rãnh, khơi thông dòng chảy. Mỗi hộ làm nghề chú trọng mua sắm máy móc, nâng cấp dây chuyền sản xuất bún, bánh để giảm thiểu xả thải.
 

Phòng TN&MT đã khảo sát hiện trạng môi trường làng nghề mỳ Kế và bún bánh Đa Mai để xử lý chất thải tại chỗ. Hội Nông dân TP hỗ trợ hơn 10 hộ ở phường Đa Mai, Dĩnh Kế xây dựng hầm bioga nhằm hạn chế xả thải trực tiếp ra môi trường. Phòng Quản lý Đô thị lập phương án cải tạo đấu nối hệ thống thoát thải trong làng nghề với hệ thống thoát thải chung của địa phương.
 


Theo số liệu điều tra, kiểm tra môi trường làng nghề của Bộ Tài nguyên và Môi trường một năm gần đây đã xác định được 104 làng nghề ô nhiễm nhất trên phạm vi cả nước cần phải có kế hoạch xử lý triệt để cho đến năm 2020. Trong đó, có những địa phương, mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại (Cr6+) cao gấp hơn 3.000 lần quy chuẩn cho phép, đây thực sự là con số đáng báo động. Tỷ lệ bệnh tật tại các khu vực ô nhiễm do làng nghề ngày một gia tăng.
 


 Hầu hết các cơ sở tại làng nghề  không có biện pháp xử lý nước thải, các loại khí thải, nước thải, chất thải rắn đều xả trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt, chất thải của các làng nghề tái chế chất thải như giấy, kim loại, nhựa, dệt nhuộm sử dụng hóa chất công nghiệp đang là vấn đề hết sức bức xúc gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
 

Hiện nay, hầu hết các làng nghề trên địa bàn nhiều tỉnh, thành đã triển khai xây dựng hệ thống xử lý chất thải hiệu quả. Trong đó nhiều tỉnh, thành đang thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường, bảo đảm để làng nghề phát triển bền vững.



Hải Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn