Phòng ngừa bệnh chết nhanh, chết chậm hồ tiêu
10:55 - 17/08/2016
Bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu đang có những diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến hầu hết những vườn tiêu ở Tây Nguyên.
Tập huấn phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm cây hồ tiêu ở Gia Lai


Nhiều biện pháp đã được áp dụng, nhiều loại thuốc cũng đã được sử dụng nhằm hạn chế tối đa sự lây lan cũng như thiệt hại đối với vườn cây. Tuy nhiên xem ra, căn bệnh này vẫn chưa chịu khuất phục trước những nỗ lực của các chuyên gia, các lão nông trồng tiêu nơi đây.

Trước tình hình trên, Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp VN) đã chủ trì và phối hợp với Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai tổ chức các lớp tập huấn "Hướng dẫn biện pháp cấp bách phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu".
 

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục lớp tập huấn đã được tổ chức ở 29 xã của 3 huyện trọng điểm hồ tiêu ở Gia Lai là Chư Pưh, Chư Sê và Chư Prông. Gần 1.400 nông dân trồng tiêu đã hồ hởi tham gia các lớp tập huấn bổ ích này.

Phạm vi áp dụng của những lớp tập huấn này, đó là hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ cấp bách bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu trong mùa mưa 2016, đầu mùa khô 2016 - 2017.

Tuy đã trồng tiêu từ rất lâu trên vùng đất này, nhưng không ít nông dân vẫn còn rất mơ hồ về bệnh chết nhanh, chết chậm trên chính vườn tiêu nhà mình. Thông qua những lớp tập huấn này, người trồng tiêu ở Gia Lai đã xác định được nguyên nhân gây bệnh: Đó là do sự tấn công của tuyến trùng (chủ yếu là tuyến trùng nốt sưng), rệp sáp và một số loại nấm khác có trong đất gây nên.
 

Khi phát bệnh, vườn tiêu có các triệu chứng như cây không còn rễ tơ hoặc còn rất ít, trên rễ hình thành nhiều nốt sưng; lá vàng, rụng đốt và còi cọc. Sau một vài vụ, cây có thể bị chết. Trong trường hợp bị nấm gây hại nặng trong mùa mưa, rễ có thể bị thối đen, cây bị chết nhanh chóng trong vòng 7 - 10 ngày.

Nông dân Rlan Djik (dân tộc J'rai ở làng Bân, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) có 50 gốc tiêu trong vườn nhà đã trồng từ nhiều năm nay. Hai năm trước, cây tiêu phát bệnh với những triệu chứng như trên. Anh nói: "Mình chỉ thấy nó bị chết ở dưới. Ai bày phân gì mình bón loại phân đó, cũng không biết là phải phun thuốc gì. Vườn tiêu nhà mình cứ xấu dần. Tham gia lớp tập huấn này, mình sẽ áp dụng những kiến thức đã học được cho vườn tiêu nhà mình".
 

Các lớp tập huấn được tổ chức với nội dung cụ thể, dễ hiểu. Với lý thuyết, nông dân được hướng dẫn qua màn hình chiếu tại hội trường. Ngoài ra, các chuyên gia còn ra tận những vườn tiêu bị bệnh, phân tích cho nông dân hiểu những nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu.
 

Sau lớp tập huấn, nông dân đã nắm được những biện pháp cơ bản trong việc phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu như: Đối với những vườn tiêu đang phát triển xanh tốt, chưa có biểu hiện triệu chứng bệnh hoặc bệnh nhẹ, cần duy trì các biện pháp canh tác bền vững như vệ sinh vườn, tiêu hủy cây bệnh; tạo rãnh thoát nước tốt trong vườn; bón phân đầy đủ và cân đối giữa phân đa lượng và vi lượng, chú trọng sử dụng phân chuồng hữu cơ; cắt bỏ cành tiêu mọc sát gốc; phủ gốc vào mùa khô bằng rơm rạ và các vật liệu hữu cơ hoặc trồng cây phủ đất.
 

Đối với vườn tiêu đã bị nhiễm bệnh nhưng còn khả năng phục hồi (triệu chứng lá vàng và xoăn nhẹ; rụng lá, rụng đốt nhưng dưới 50% so với cây bình thường; rễ có nốt sưng, rễ tơ bị hại nhưng rễ chính vẫn còn sồng), 4 bước khắc phục cũng đã được nông dân nắm kỹ sau lớp tập huấn để áp dụng vào vườn nhà mình.
 

Còn đối với những vườn bị hại nặng, không còn khả năng phục hồi, các chuyên gia khuyên nông dân cần mạnh dạn nhổ bỏ, xử lý đất bằng các thuốc trừ tuyến trùng trước khi trồng lại...

Thạc sỹ Lê Thu Hiền, nghiên cứu viên chính bộ môn Bệnh cây (Viện Bảo vệ thực vật) cho biết, hiệu quả thu lại sau những lớp tập huấn là rất cao. Hầu hết những nông dân tham gia lớp tập huấn đều cơ bản nắm được nguyên nhân, triệu chứng cũng như các biện pháp phòng trừ căn bệnh này.

Nông dân Trịnh Văn Long ở thôn 19 (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) có 400 trụ tiêu đang cho thu hoạch. Anh cho biết, mấy năm nay vườn tiêu nhà anh hay bị vàng lá. Ai mách gì anh cũng làm theo, tốn bao nhiêu tiền mua phân mua thuốc nhưng vẫn không khắc phục được bệnh.

"Lớp tập huấn này cũng giống như một 'liều thuốc' tốt. Tôi sẽ đưa 'liều thuốc' này vào áp dụng cho vườn tiêu đang bị bệnh của gia đình", anh Long vui vẻ nói.


Trần Đăng Lâm
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn