Tuy nhiên, các hoạt động chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nuôi trồng, chế biến thủy sản, sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản đã và đang gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT), ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân, gây bức xúc trong xã hội.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện cả nước có khoảng 8,5 triệu hộ có chuồng trại quy mô hộ gia đình và khoảng 18 nghìn trang trại chăn nuôi tập trung. Tuy phần lớn các trang trại chăn nuôi tập trung đã có hệ thống xử lý chất thải với các công nghệ khác nhau, nhưng hiệu quả xử lý chất thải chưa triệt để, chưa đáp ứng yêu cầu BVMT; một số trang trại vẫn xả chất thải trực tiếp ra môi trường gây ÔNMT nghiêm trọng. Chăn nuôi hộ gia đình mới có khoảng 70% số hộ có chuồng trại, trong đó số chuồng trại hợp vệ sinh chỉ chiếm khoảng 10%, nhiều hộ chăn nuôi vẫn xả chất thải trực tiếp ra môi trường, gây ÔNMT nghiêm trọng và kéo dài ở khu vực nông thôn.
Tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là ở khu vực nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, chất lượng môi trường đất, môi trường nước và các hệ sinh thái bị biến đổi mạnh do môi trường bị suy thoái và ô nhiễm; chất lượng nước tại các khu vực này có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD, Nitơ, Phốt pho cao hơn tiêu chuẩn cho phép), xuất hiện các khí hộc hại như H
2S, NH
3+ và chỉ số vi sinh vật, độ đục với nồng độ cao hơn mức cho phép, phát sinh dịch bệnh thủy sản, gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Đối với hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, hiện cả nước có hơn 35.400 cơ sở giết mổ (với 815 cơ sở giết mổ tập trung và hơn 34.600 điểm giết mổ nhỏ lẻ). Hoạt động này đang diễn ra ở mức báo động về ÔNMT, vệ sinh thú ý và an toàn thực phẩm. Tại các cơ sở giết mổ tập trung, tuy đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng nhiều cơ sở vẫn chưa đạt yêu cầu, nhất là về tiếng ồn, ô nhiễm mùi và nguồn nước thải.
Các điểm giết mổ nhỏ lẻ chủ yếu nằm trong các khu dân cư và phát triển một cách tự phát, cơ quan chức năng chỉ kiểm soát được một phần nhỏ, cơ sở vật chất hầu như không có nơi dành riêng cho từng công đoạn, không tách biệt giữa khu sạch và khu bẩn; các loại chất thải như phân, nước, phụ phẩm xả tràn lan khi giết mổ hoặc thải trực tiếp xuống sông, cống rãnh thoát nước, gây ÔNMT nghiêm trọng.
Về chế biến thủy sản, hiện vẫn còn 16% cơ sở chế biến tập trung chưa có thống xử lý nước thải. Một số cơ sở chưa có đủ 5 công đoạn quan trọng trong hệ thống xử lý nước thải là bể tuyển nổi (tách dầu, mỡ), bể điều hòa, bể sinh học kỵ khí, bể sinh học bùn hoạt tính và bể khử trùng nên hiệu quả xử lý ÔNMT còn thấp. Tại các cơ sở chế biến nhỏ lẻ nông lâm thủy sản, đặc biệt tập trung ở các làng nghề, việc kiểm soát, khắc phục ÔNMT, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; việc hướng dẫn, kiểm tra, thu gom và xử lý các bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn sơ sài cũng đang làm gia tăng mức độ ô nhiễm các nguồn nước mặt, nước ngầm và tồn đọng rác thải nguy hại trên đồng ruộng, tác động lâu dài đến sức khỏe nhân dân.
|
Ảnh minh họa |
Những tồn tại, hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, song cơ bản là do sự phát triển tự phát, thiếu quy hoạch trong hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản. Ý thức tuân thủ pháp luật BVMT của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình còn thấp; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình vì lợi ích kinh tế mà xem nhẹ công tác xử lý chất thải, BVMT.
Hệ thống văn bản, cơ chế chính sách về xử lý chất thải và BVMT, nhất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ, chế biến thủy sản chưa phù hợp, chậm sửa đổi gây vướng mắc cho các doanh nghiệp, không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho xử lý chất thải; việc ứng dụng khoa học và công nghệ xử lý chất thải còn hạn chế, hiệu quả thấp.
Công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường còn yếu; tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được xử lý kịp thời và đúng mức. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật BVMT chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp, hộ gia đình và toàn xã hội.
Để tăng cường kiểm soát, sớm khắc phục có hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung thống kê, rà soát, phân loại về quy mô, mức độ ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, nuôi trồng, chế biến thủy sản và sản xuất, chế biến khác trong các lĩnh vực nông lâm thủy sản.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, quy trình kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, danh mục sản phẩm xử lý môi trường đối với hoạt động chăn nuôi, giết mổ tập trung, nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Đồng thời xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho khu chăn nuôi, khu nuôi trồng thủy sản, khu giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; thực hành quy trình quản lý tốt đối với hệ thống chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp đi kèm với hệ thống xử lý chất thải đồng bộ; quản lý sản xuất an toàn và khuyến khích người dân áp dụng quy phạm, quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) hoặc các tiêu chuẩn tương đương.
Bên cạnh đó xây dựng mô hình về cơ sở sản xuất gắn với kiểm soát ô nhiễm môi trường hiệu quả trong từng lĩnh vực, có lộ trình để nhân rộng đưa vào sản xuất.
Bên cạnh đó các tỉnh thành cũng ban hành các Chỉ thị đẩy lùi ô nhiễm, điển hình như UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản, thủy sản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT thống kê, đánh giá, phân loại về mức độ gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh trong tháng 6/2016.
Xây dựng chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển; các quy trình, hướng dẫn kỹ thuật đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, nuôi trồng, chế biến thủy sản và sản xuất, chế biến khác trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, chú trọng tới các điều kiện, tiêu chí bảo vệ môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để ngành nông nghiệp quản lý, giám sát, cảnh báo môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Xác định và công bố mức ô nhiễm môi trường tại các khu vực có mật độ tập trung cao các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường.
Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành quy định quản lý làng nghề trên địa bàn tỉnh, chú trọng các tiêu chí bảo vệ môi trường.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ động tiếp cận, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất, sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản và bảo vệ môi trường nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
UBND các huyện, thành phố thống kê, rà soát đánh giá phân loại về mức độ gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản do UBND huyện, thành phố cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh, hoàn thành và báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Phối hợp với sở, ngành liên quan trong việc chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra và hướng dẫn thực hành quy trình sản xuất tốt, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chế biến nông, lâm, thủy sản.
Tiến Vui