Tăng cường thu hút đầu tư, liên kết sản xuất bền vững
08:53 - 26/06/2018
Là tỉnh ĐBSCL, được nguồn phù sa phì nhiêu của dòng sông Hậu bồi đắp, Hậu Giang có tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, chế biến thủy sản.

Trong đó, mía và lúa là 2 cây thế mạnh được xác định từ lâu. Cụ thể, cây mía với 13.110ha, sản lượng 1,2 triệu tấn mía cây/năm và cây lúa với 82.449ha, sản lượng 1,2 triệu tấn/năm, và tỉnh đã xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao 32.000ha.  
 

Nhiều giải pháp thu hút đầu tư

Những năm gần đây, thương hiệu một số loại cây ăn trái của tỉnh như khóm Cầu Đúc, xoài, bưởi, quýt... với sản lượng 262.095 tấn/năm, các loại thủy sản như cá thác lát, cá lóc, cá rô… với sản lượng ước đạt 62.672 tấn/năm, được đông đảo người tiêu dùng biết đến.

Kêu gọi DN đầu tư xây dựng chuỗi giá trị nấm rơm

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình giảm nghèo bền vững, Hậu Giang đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, tạo công ăn việc làm cho lao động nông nhàn, tăng thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.
 

Theo Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào 14 dự án trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 2 dự án, gồm trồng và chế biến nấm rơm, sản xuất phân hỗn hợp vi sinh. Ngoài ra, có 5 dự án công nghiệp liên quan đến chế biến rau củ quả, chăn nuôi, thủy sản.
 

Đây là những dự án giúp nâng cao giá trị sản phẩm, trong chuỗi giá trị ngay tại địa phương. Tạo sự ổn định trong sản xuất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với các dự án nông nghiệp, Sở Công thương cùng phối hợp xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là chuỗi giá trị lúa gạo. 
 

Thời gian qua, Hậu Giang cũng đã kí kết với Hiệp hội Các doanh nghiệp TP.HCM, để thông qua đó kết nối với các chợ đầu mối lớn tại ĐBSCL, cũng như ở TP.HCM như chợ Bình Điền, Thủ Đức giúp đưa các nông sản của Hậu Giang về TP.HCM và đi ra một số thị trường khác.
 

Trong 5 tháng đầu năm 2018, Hậu Giang đã tham gia 5 kì hội chợ tại các tỉnh, TP. Những lần tham gia hội chợ, Sở cũng kêu gọi các doanh nghiệp gặp mặt để nhận diện nhu cầu, kí kết hợp đồng. Các hoạt động như vậy đang dần góp phần tạo nên nhãn hiệu hàng hóa cho một số sản phẩm chủ lực tỉnh Hậu Giang.  
 

Ưu tiên liên kết, bao tiêu sản phẩm

Mô hình kêu gọi đầu tư đang tạo hiệu ứng tốt trong ngành nông nghiệp là kêu gọi doanh nghiệp về địa phương liên kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là lúa gạo, trái cây, chăn nuôi.


Ông Trần Văn Nho, Giám đốc HTX Danh Tiến cho biết thời gian qua, Cty Hạt Ngọc Việt (Cần Thơ) đã bao tiêu đầu ra cho người dân, cung cấp luôn đầu vào, cơ giới hóa nông nghiệp, nhờ đó lợi nhuận tăng thêm từ 100 - 200 đồng/kg lúa thành phẩm, tiết kiệm từ 200.000 đồng/ha tiền cắt lúa, và giảm được đáng kể phân bón, thuốc trừ sâu. 

Năm 2018, theo kế hoạch tỉnh Hậu Giang có thêm 4 xã về đích NTM là Phú An (huyện Châu Thành), Phương Bình (huyện Phụng Hiệp), Long Trị (TX Long Mỹ), Trường Long A (huyện Châu Thành A), nếu hoàn thành đúng kế hoạch sẽ nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 26 xã (48,15% số xã). Đồng thời, tỉnh đang bổ sung thêm 2 xã Đông Phước A (huyện Châu Thành), Tân Hòa (huyện Châu Thành A) về đích trong năm nay. Hiện các xã trong tỉnh bình quân đạt 15,6 tiêu chí/xã.

Nhiều HTX lúa gạo đã kí kết được với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, cung cấp các dịch vụ đầu vào, tạo hiệu ứng tốt trong cách làm ăn tập thể như HTX Danh Tiến (Long Mỹ), Thuận Lợi (Long Mỹ), 26/3 (Phụng Hiệp), Vị Thắng (Vị Thủy)...
 

Các HTX được hỗ trợ trong sản xuất, điển hình là chương trình VnSat chuyển đổi nông nghiệp bền vững, đề án 1.000 trạm bơm điện, mỗi trạm phục vụ từ 100 - 200ha. Đối tượng thụ hưởng chính là nông dân ở các HTX, THT, tổ chức của nông dân.
 

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT cho biết: “Huyện Châu Thành đang lập Đề án xây dựng cánh đồng lớn trồng chanh không hạt trên địa bàn xã Phú An với quy mô 50ha nhằm khuyến khích, vận động người dân sản xuất quy mô lớn, tập trung kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
 

Kinh tế hợp tác là thành phần kinh tế quan trọng mà huyện Châu Thành đang hướng tới nhằm nhân rộng hiệu quả, tạo tiền đề thu hút đầu tư. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thành lập mới được 1 THT trên địa bàn xã Phú Hữu, nâng tổng số lên 60 THT, 38 HTX (33 HTX nông nghiệp và 5 HTX phi nông nghiệp), 26 CLB và 1 Liên hiệp HTX nông nghiệp Châu Thành.
 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều đơn vị đã về Hậu Giang đầu tư, liên kết , tạo nên sự bền vững lâu dài, người dân rất phấn khởi. Tại xã Hiệp Lợi (TX Ngã Bảy), Cty C.P của Thái Lan đã đầu tư và liên kết với 9 trang trại nuôi gà tàu vàng, trên nền đệm lót sinh học, công nghệ chuẩn của Thái Lan. Sản lượng mỗi năm đạt từ 120.000 con, trọng lượng 3 - 4 kg/con.  
 

Chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Ông Nguyễn Thiện Hòa, Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hậu Giang, chia sẻ: Việc thực hiện các chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSat) thu hút đầu tư của tư nhân về nông thôn. Mục tiêu của các chương trình này, là nông dân đạt ít nhất 30% lợi nhuận, giải phóng sức lao động nông dân, nhất là tình trạng ngày càng thiếu hụt lao động ở nông thôn, do đi làm xa.


Bà Nguyễn Thị Giang, Trưởng phòng Kế hoạch (Sở NN-PTNT Hậu Giang), PGĐ Chương trình VnSat, đánh giá: Những dự án, đầu tư chuyển đổi nông nghiệp bước đầu tạo hiệu ứng tốt, niềm tin trong nhân dân như VnSat, Đề án 1.000, những mô hình liên kết sản xuất có kêu gọi đầu tư, liên kết đào tạo nông dân, nhằm thay đổi tập quán sản xuất, nhận biết được vai trò trong chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa.
 

Từ đó hình thành tư duy không sản xuất theo tập quán nhỏ lẻ, thấy cái gì có giá thì làm cái nấy trong khi đầu ra còn “mịt mù”, mà liên kết lại với nhau hình thành vùng nguyên liệu, có đầu ra rõ ràng, ổn định, bền vững. Trong đó doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu, lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh, không chạy đua tranh giành mua bán khi sản phẩm hút hàng.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

"Xây dựng NTM đảm bảo thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tập trung hỗ trợ các xã vùng khó khăn; củng cố giữ vững các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn NTM. Giải quyết yêu cầu bức thiết phục vụ sản xuất và dân sinh, như đường giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống cung cấp điện, nước sinh hoạt, tạo chuyển biến về cảnh quan, vệ sinh môi trường nông thôn.

BCĐ Xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư phát triển sản xuất ở vùng nông thôn. Triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, chuyên canh, liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng, giảm giá thành, từ đó tăng sức cạnh tranh sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân".


Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn