|
Anh Trần Văn Quyết giới thiệu hệ thống máy ép dầu điều của công ty |
Bỏ phố về quê
Tốt nghiệp THPT, anh Quyết theo học Khoa Quản trị kinh doanh Trường cao đẳng Tài chính Hải quan TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian học tập, anh xin phụ việc tại Công ty BKV chuyên sửa chữa máy tính để vừa trang trải cuộc sống vừa học nghề. Nhờ chịu khó học hỏi nên sau khi ra trường anh được công ty giữ lại làm việc với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Thời điểm đó, mức lương ấy là niềm mơ ước của nhiều người. Nhưng sau hơn 1 năm làm việc tại công ty, anh xin nghỉ để về quê thành lập công ty chế biến dầu điều.
Anh Quyết cho biết: “Tôi ấp ủ ý định thành lập công ty từ khi mới bước chân vào giảng đường Tài chính Hải quan. Trước đó, trong một lần lên mạng, tình cờ tôi được biết dầu chiết xuất từ vỏ hạt điều là nguyên liệu quý để sản xuất những sản phẩm có giá trị cao như vật liệu kết dính, chất chống ăn mòn kim loại, vật liệu cách điện, bo mạch các sản phẩm điện tử, chế phẩm bảo quản lâm sản, ngâm tẩm xử lý gỗ xây dựng... Thực tế, Bù Đăng là một trong những vựa điều của tỉnh, nhưng thời điểm đó huyện chưa có cơ sở nào chế biến, sản xuất dầu điều. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tôi vừa lên mạng tìm hiểu vừa đến Biên Hòa (Đồng Nai) tìm hiểu công nghệ chế biến dầu điều từ những người đi trước”. Để thuyết phục gia đình, anh Quyết lên kế hoạch, dự trù kinh phí đầu tư, mặt bằng, nguyên liệu để sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. “Bắt tay triển khai dự án, tôi phải nhờ sự hỗ trợ của gia đình với số vốn ban đầu khoảng 3 tỷ đồng để mua mặt bằng, xây nhà xưởng và mua sắm máy móc, trang thiết bị cần thiết. Lúc đó, ai cũng nói quá mạo hiểm và ra sức ngăn cản vì cho rằng tôi còn quá trẻ, nguy cơ “mất cả chì lẫn chài” là rất cao” - anh Quyết nhớ lại.
Tháng 8-2014, công ty của anh đi vào hoạt động. Thời điểm này, giá xăng, dầu trên thị trường giảm mạnh, ngành chế biến dầu điều bị ảnh hưởng không nhỏ, sản phẩm làm ra không đủ bù chi phí sản xuất. Chỉ sau 3 tháng hoạt động, anh thua lỗ hàng trăm triệu đồng, hết vốn nên công ty phải đóng cửa. “Thời điểm đó, tôi rất hụt hẫng, bản thân không bước ra đường, thậm chí không đủ tự tin để đối mặt với cha mẹ, các anh, chị trong gia đình nên đã về TP. Hồ Chí Minh để tĩnh tâm và tìm hướng giải quyết” - anh Quyết chia sẻ về khó khăn của buổi ban đầu.
Thu vàng ròng từ vỏ hạt điều
Đầu năm 2015, anh Quyết thuyết phục gia đình vay thêm cho 500 triệu đồng để tái thiết lại công ty. Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, anh tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm ở nhiều công ty khác nhau để tránh bị ép giá, chủ động đầu ra cho sản phẩm để nhanh thu hồi vốn. Nhờ đầu tư đúng hướng, đến nay Công ty TNHH Trần Gia Phát có nhà xưởng rộng 2.000m2, kho chứa nguyên liệu hơn 1.000 tấn, bể chứa dầu điều hơn 200 tấn cùng hệ thống máy ép, máy xúc, máy lật, trạm cân...; năng lực sản xuất tăng từ 40 tấn/ngày lúc mới thành lập lên hơn 100 tấn/ngày, trung bình mỗi ngày công ty xuất 20 tấn dầu điều thô. Mỗi năm, công ty của anh thu về hơn 1 tỷ đồng lợi nhuận; đồng thời giải quyết việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Những năm gần đây, điều mất mùa, giá hạt điều liên tục biến động nên nguyên liệu ngày càng khan hiếm. Cùng với đó, các cơ sở sản xuất dầu điều mọc lên ngày càng nhiều nên giá vỏ hạt điều tăng cao. “Hiện giá vỏ hạt điều nhập vào khoảng 2.000 đồng/kg, mỗi ngày công ty cần 200 triệu đồng để mua nguyên liệu sản xuất. Tôi rất mong được các cấp, ngành tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng hoặc quỹ hỗ trợ khởi nghiệp để mở rộng sản xuất. Tôi cũng đang ấp ủ dự định mở rộng quy mô nhà máy lớn hơn chuyên chưng cất tinh dầu điều trên đất Bình Phước nhằm ổn định đầu ra, hướng tái xuất ngoại cho sản phẩm” - anh Quyết mong muốn.