Ông Dương Quốc Thái, chủ cơ sở cơ khí Quốc Thái (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, Tiền Giang) vừa sáng chế thành công thiết bị đào rãnh nước rất tiện dụng.
Thiết bị này được lắp vào đầu máy kéo, mỗi giờ có thể đào trên 1.000m rãnh nước (cho các ruộng lúa), gấp hơn 10 lần so với đào bằng thủ công.
|
Kiểm tra thiết bị trước khi đưa vào vận hành |
Để giúp cho việc bơm và xả nước tại các ruộng lúa khi tiến hành làm đất, gieo sạ hay thu hoạch được tiện lợi, nhanh chóng, mỗi ruộng lúa được đào từ 1 - 2 rãnh nước. Tuy nhiên, do trước nay nông dân đều thực hiện bằng biện pháp thủ công nên mất nhiều thời gian, công sức. Qua gợi ý đặt hàng của một số bà con nông dân trong xã, ông Thái bắt tay vào nghiên cứu với mong muốn sáng chế ra thiết bị đào rãnh nước để vừa giúp thay thế sức người, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí thuê mướn.
Sau gần 2 năm mày mò nghiên cứu, chỉnh đi, chỉnh lại và thử nghiệm nhiều lần trên đồng ruộng, cuối cùng, ông Thái đã hoàn chỉnh và cho ra đời thiết bị đào rãnh nước rất tiện dụng.
Thiết bị này có kết cấu khá đơn giản, có bề rộng khoảng 2m, hệ thống truyền động từ trục các-đăng (nối với cốt máy) được thiết kế bằng hệ thống bánh răng và trục láp (thay vì bằng xích như máy Nhật) nên truyền động rất êm và khá bền.
Bộ phận quan trọng là trục vít khoan đất gồm dãy răng hình xoắn trôn ốc (dùng để khoan và thổi đất khi thi công trên đồng ruộng) được thiết kế gồm 2 loại để thích hợp thi công trên vùng đất khô hay đất ướt; đồng thời có thể điều chỉnh lên xuống để thay đổi chiều sâu rãnh nước so với mặt ruộng (rãnh nước được đào với tiết diện hình thang: đáy nhỏ 20cm, đáy lớn 30cm, sâu 40cm).
Ngoài ra, bề rộng của thiết bị này có thể điều chỉnh giảm từ 50 -60cm khi đi vào đường hẹp thông qua ống thủy lực.
Theo ông Thái, việc tính toán tỷ số truyền từ hệ thống bánh răng (nhận truyền động từ trục các-đăng) qua trục láp, đến trục khoan đất là khâu quan trọng nhất và mất nhiều thời gian nhất. Nếu tính toán tỷ số truyền không phù hợp, động cơ đầu kéo bị rần, nặng máy, công suất bị giảm.
|
Vận hành thiết bị trên đồng ruộng |
Ông Nguyễn Công Minh (xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) cho biết, ông mua thiết bị đào rãnh nước của Cơ sở cơ khí Quốc Thái đã hơn 6 tháng nay. Khi vào cao điểm mùa vụ (thu hoạch lúa xong, chuẩn bị gieo sạ), nhu cầu đào rãnh nước tăng cao nên mỗi ngày ông thi công (đào gia công) liên tục từ 10 - 12 giờ. Mặc dù công suất đào của thiết bị này khá cao (trên 1.000m/h, cao hơn 10 lần so với đào bằng biện pháp thủ công) nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của bà con.
“So với một thiết bị cùng loại hiện có trên thị trường, thiết bị đào rãnh nước do cơ sở cơ khí Quốc Thái sản xuất có giá thấp hơn, công suất đảm bảo, vận hành an toàn. Đặc biệt, khi vận hành trên vùng đất ướt (hay ngập nước), bùn (hay đất) được hút triệt để (được thổi đi xa với bán kính trên 10m tạo thành lớp mỏng, không gây lồi, lõm mặt ruộng), không phải mất thời gian dừng máy để lấy rác, cây mục bị vướng vào trục vít như một số thiết bị khác”, ông Minh cho biết thêm.
Tính từ khi sáng chế thành công thiết bị đào rãnh nước đầu tiên, đến nay, ông Thái đã xuất bán được 4 thiết bị cho khách hàng ở trong và ngoài tỉnh với mức giá chỉ từ 26 - 29 triệu đồng/thiết bị, thấp hơn nhiều so với thiết bị cùng loại được nhập khẩu từ Nhật Bản (từ 150 - 180 triệu đồng). |