Hội ND Thái Bình: Bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới
12:13 - 29/12/2017
(MTNT) - Thời gian qua, xác định công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương cũng như bảo vệ sức khỏe của người dân trên địa bàn, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nêu cao ý thức, trách nhiệm, cùng tham gia bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.
|
Công tác bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm trở nên xanh - sạch - đẹp |
Thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ngày 07/8/2012, Hội ND tỉnh và Sở Tài nguyên & môi trường tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp về việc tăng cường phối hợp hoạt động trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường giai đoạn 2012 – 2020. Tiếp đó, tỉnh Hội đã tổ chức triển khai, chỉ đạo để Hội ND các huyện, thành phố cùng thực hiện.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội ND các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động; đồng thời phối hợp chặt chẽ với phòng Tài nguyên và môi trường để tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường một cách có hiệu quả. Ngay từ thời điểm tháng 9 của những năm trước, Hội ND tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động về môi trường của năm sau để báo cáo về Trung ương Hội NDVN, phối hợp hoạt động với Sở Tài nguyên & môi trường tỉnh tổ chức chỉ đạo và thực hiện các hoạt động về môi trường ở tuyến cơ sở.
Các cấp Hội luôn xác định đây là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác chỉ đạo nên hàng năm đều có đánh giá kết quả công tác bảo vệ môi trường. Ngoài ra, đây còn là nội dung quan trọng để xây dựng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trở thành phong trào trọng tâm lớn của Hội và cũng là chỉ tiêu thực hiện xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
Công tác tuyên truyền luôn được các cấp Hội quan tâm và đẩy mạnh. Theo đó, tỉnh Hội đã thường xuyên đăng tải trên các kênh truyền thông như báo, bản tin công tác Hội toàn văn các văn bản của Bộ Chính trị, Chính phủ, Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của tỉnh uỷ, UBND tỉnh; đặc biệt là Nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp giữa Hội với các đơn vị liên quan trong việc phối hợp thực hiện hành động bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng đất đai… Những nội dung này đều được đưa vào tài liệu và gửi đến 279 cơ sở Hội, gần 2000 chi Hội nông dân trong tỉnh để phổ biến cho hội viên, nông dân thông qua các buổi sinh hoạt thường kỳ.
Hàng năm, tỉnh Hội tập trung chỉ đạo các cấp Hội viết hàng ngàn tin, bài và phối hợp với Đài truyền thanh của huyện, của xã, thị trấn để đẩy mạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, chủ yếu tập trung tuyên truyền những nội dung về: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường nông thôn trong thời kỳ CNH – HĐH đất nước; đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; những vấn đề về môi trường, ô nhiễm môi trường trong nước nói chung và vấn đề ở tỉnh Thái Bình nói riêng (tác hại của ô nhiễm môi trường, quản lý chất thải rắn, sử dụng tài nguyên nước, vệ sinh môi trường nông thôn…); kỹ thuật xây dựng và sử dụng các công trình vệ sinh đối với các hộ gia đình ở nông thôn; hoạt động và vai trò của Hội ND các cấp trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Kết quả, hàng năm có trên 200.000 lượt hội viên, nông dân được tuyên truyền thông qua các phong trào như: “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ vào nhà”; “ăn sạch, ở sạch, uống sạch”; “nông dân chỉ sản xuất, chế biến và sử dụng các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh”.
Nhằm đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, các cấp Hội còn phát động cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bảo vệ tài nguyên- môi trường, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo hội viên, nông dân trong tỉnh.
Cùng với các chiến dịch truyền thông hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch- Vệ sinh môi trường nông thôn, Tuần lễ An toàn vệ sinh lao động- Vệ sinh an toàn thực phẩm, Ngày môi trường Thế giới hàng năm và các sự kiện môi trường khác… đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động của hội viên, nông dân trong công tác bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, hàng năm, tỉnh Hội giao chỉ tiêu thi đua cho từng cấp Hội ở cơ sở về tiêu chí tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sử dụng nước sạch tại trạm cấp nước tập trung. Việc làm này nhằm giúp cho hội viên, nông dân trên địa bàn có điều kiện và cơ hội tốt hơn trong việc được dùng nước sạch để cải thiện và nâng cao sức khỏe.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn chú trọng và tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường. Trong 5 năm qua (2012- 2017), được sự quan tâm, tạo điều kiện và sự phối hợp hỗ trợ của Trung tâm Môi trường nông thôn- Trung ương Hội NDVN, Sở Tài nguyên & môi trường tỉnh, Hội ND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cơ sở Hội chú trọng xây dựng các mô hình trình diễn về sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đất đai, môi trường và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh việc tổ chức nhiều buổi tập huấn về pháp luật bảo vệ môi trường, Hội còn quan tâm xây dựng một số mô hình điểm “Hệ thống thoát nước thải trong làng nghề” trên địa bàn như: Tại xã Minh Tân- huyện Kiến Xương, xây dựng được gần 400 m2 cống thoát nước theo qui định trong xây dựng Nông thôn mới; tại xã Mê Linh- huyện Đông Hưng, xây dựng được hơn 500 m2 ống cống thoát nước; tại xã Vũ Công- huyện Kiến Xương cũng có hơn 300 m2 cống thoát nước thải đã được xây dựng.
Năm 2016, tỉnh Hội trực tiếp tổ chức 8 lớp tuyên truyền pháp luật bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn với 1.600 hội viên, nông dân trong tỉnh. Tiếp tục xây dựng mô hình điểm “Hệ thống thoát nước thải trong làng nghề”, đã có thêm 350 m2 cống thoát nước thải làng nghề đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới được xây dựng tại xã Vũ Công- huyện Kiến Xương. Năm 2017, tỉnh Hội tiếp tục tổ chức 5 lớp tập huấn về pháp luật bảo vệ môi trường nông thôn, quản lý chất thải làng nghề cho 5 xã điểm làng nghề trong tỉnh cho 1.000 hội viên, nông dân.
Hội ND cấp huyện cũng chủ động phối hợp với Phòng Tài nguyên và môi trường cùng cấp chỉ đạo Hội ND cơ sở thực hiện rất nhiều các hoạt động truyền thông và xây dựng các mô hình điểm như: Xây dựng các mô hình sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế qui định; tổ chức mít tinh “Hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” với chủ đề: “Khí hậu của chúng ta, hành động của chúng ta, tương lai của chúng ta”; tổ chức hội thi “Tìm hiểu pháp luật bảo vệ môi trường”; tổ chức mít tinh “Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới” với chủ đề: “Hãy thay đổi thói quen: Hướng đến một nền kinh tế ít các- bon”...
Đáng chú ý, tính đến nay, các cấp Hội đã phối hợp và xây dựng được hơn 300 tổ thu gom, phân loại và xử lý rác thải nông thôn ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Định kỳ vào ngày 24 hàng tháng, các cấp Hội còn tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia làm vệ sinh thôn làng, ngõ xóm. Từ khi có mô hình, trên nhiều tuyến đường đã không còn tình trạng người dân vứt rác thải bừa bãi hoặc để không đúng nơi quy định như trước. Nhờ đó, cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn; hội viên, nông dân tham gia đóng phí vệ sinh môi trường đầy đủ, tự giác.
Trong công tác chỉ đạo phát triển các mô hình kinh tế, nhất là kinh tế trang trại, gia trại, các cấp Hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường bằng cách hướng dẫn các hộ dân xây dựng hầm biogas, xây dựng hệ thống cống, rãnh thoát nước thải… có ý thức sống mình vì mọi người, mọi người vì mình; vận động hội viên, nông dân trong trồng trọt phải biết kết hợp bón phân hữu cơ, hạn chế dần tình trạng bón phân hoá học để vừa giúp tăng năng suất cây trồng, vừa chống được sự thoái hoá đất đai đồng thời còn bảo vệ môi trường sống bền vững.
Có thể thấy, nhờ thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nông thôn, các cấp Hội trong tỉnh đã góp phần bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngày càng có nhiều những tuyến đường nông thôn sạch đẹp; phong trào trồng cây xanh, nạo vét kênh mương, thu gom rác thải, sản xuất thân thiện với môi trường được hội viên, nông dân tự giác hưởng ứng… Nhờ đó, giúp cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, sạch đẹp, dần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn với thành thị.
Chu Bình