Sơ kết chương trình giảm lượng giống gieo sạ
08:46 - 30/11/2017
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Tiền Giang tổ chức Sơ kết dự án “Xây dựng và mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong SX lúa tại ĐBSCLvà Nam Trung Bộ” với sự tham dự của đại diện Trung tâm KN các tỉnh Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long cùng 90 nông dân tham gia mô hình.

Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Năm 2017, mô hình được thực hiện tại 9/13 tỉnh ĐBSCL và 2 tỉnh Nam Trung Bộ là Bình Định và Phú Yên. Qua 2 vụ, có 393 hộ trình diễn với diện tích 660ha. Các hộ được hướng dẫn kỹ thuật, xử lý rơm rạ, làm đất, xử lý hạt ngâm giống và gieo sạ với lượng giống 80kg/ha bằng các phương pháp sạ hàng, sạ lan, sạ bằng máy phun và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bón phân, phun thuốc BVTV có ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học theo nguyên tắc 4 đúng, quản lý nước phù hợp.

Thực hiện giảm giống bằng máy sạ hàng

Việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật như vùi lấp tàn dư sâu bệnh, làm đất kỹ, sử dụng giống tốt, gieo sạ đúng thời vụ, bón phân cân đối và đúng giai đoạn sinh trưởng, tưới nước hợp lý… giúp cho cây lúa sinh trưởng khỏe, có sức đề kháng tốt, tăng khả năng tự đền bù khi sâu bệnh tấn công.

Năng suất lúa trung bình thực tế qua 2 vụ SX tại 11 tỉnh toàn mô hình đạt 5,85 tấn/ha cao hơn ruộng đối chứng ngoài mô hình từ 200kg/ha (ở Vĩnh Long) đến 760kg/ha (ở Long An).

Việc giảm giống kéo theo nhiều chi phí canh tác được giảm theo, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế canh tác lúa. Thực tế khảo sát tại mô hình, ruộng lúa canh tác giảm giống gieo sạ giúp giảm lượng giống bình quân 87kg/ha, tiết kiệm chi phí do giảm giống tương ứng với 1.230.000 đồng/ha. Kéo theo chi phí phân bón giảm khoảng 487.000 đồng/ha. Số lần phun thuốc BVTV bình quân giảm được 2,4 lần, tương ứng với tiết kiệm được 1.706.000 đồng tiền công lao động và chi phí thuốc.

Qua đó, tổng cộng mô hình giúp nông dân canh tác lúa giảm được 3.426.000 đồng/ha, tương đương giảm 17,8% chi phí SX/ha so với ruộng nông dân canh tác theo phương pháp truyền thống (19.273.000 đồng).  
 

Thay đổi nhận thức, bảo vệ môi trường

Kết quả thực hiện của mô hình thông qua các lớp tập huấn, hội thảo tuyên truyền đã làm thay đổi nhận thức về biện pháp giảm lượng giống gieo sạ của những nông hộ tham gia. Bên cạnh đó, giúp bà con nắm bắt được được các biện pháp kỹ thuật cần thiết để thực hiện thành công trong giảm giống và là tiền đề để giảm các chi phí không cần thiết.

Dự án đã chứng minh được cho nông dân khi tham gia giảm lượng giống, giảm lượng phân đạm không những tiết kiệm chi phí mà còn gián tiếp giảm lượng thuốc BVTV, làm tăng năng suất và chất lượng gạo, góp phần làm tăng giá trị và thương hiệu gạo Việt Nam.

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tiên tiến giúp giảm thiểu thuốc BVTV, phân bón giúp giảm ô nhiễm môi trường, nguồn nước… bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo tồn đa dạng sinh học.
 

Do mô hình mang lại lợi ích, hiệu quả rõ rệt nên nhiều nông dân đã tự áp dụng giảm giống trong gieo sạ sau khi dự án kết thúc.

Tại Long An, vụ ĐX 2016 - 2017 và HT 2017 lan tỏa ra 471ha. Ở huyện Thanh Hóa gồm các xã Thạnh An, Tân Tây, thị trấn Thạnh Hóa… áp dụng lượng giống gieo sạ từ 90 - 120kg, bình quân 100kg/ha, giảm 50kg/ha so với trước đây.

Tại Đồng Tháp, mô hình được trình diễn tại xã Mỹ Hòa huyện Tháp Mười, sau đó lan tỏa ra các vùng Đốc Binh Kiều, Mỹ An, Mỹ Quý, Thạnh Lợi… Vụ ĐX 2016-2017 có 835ha áp dụng lượng giống gieo sạ dưới 80kg/ha, 7.822ha áp dụng lượng giống gieo sạ từ 80 - 120kg/ha trong tổng số 38.345ha diện tích trồng lúa của toàn huyện.

Tại Tiền Giang, mô hình được thực hiện tại xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây vụ HT 2017, TĐ 2017. Mô hình đã tạo được sự lan tỏa đến 11 xã với 9.000ha diện tích trồng lúa của huyện gieo sạ ở mật độ 100 - 120kg/ha, các vụ trước nông dân gieo sạ từ 150 - 180kg/ha…


TS Trần Văn Khởi, Q.Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, phát biểu chỉ đạo: “Dự án bước đầu đã tổ chức và thực hiện thành công 11 mô hình ở 11 tỉnh vùng ĐBSCL và Nam Trung Bộ với diện tích 330ha trong 2 vụ liên tiếp trong năm, áp dụng lượng giống gieo sạ 80kg/ha đạt theo yêu cầu. Nông dân nắm bắt được được các kỹ thuật canh tác của biện pháp giảm giống gieo sạ trên nền tảng kỹ thuật của TBKT 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và đặc biệt là các biện pháp chăm sóc lúa và quản lý dịch hại giai đoạn ban đầu, đảm bảo thành công ban đầu của phương pháp sạ thưa. Nông dân tiết kiệm được 17,8% chi phí và gia tăng 47,6% lợi nhuận so với SX ngoài mô hình.

"Kết quả dự án bước đầu đã thuyết phục được các cấp lãnh đạo địa phương cơ sở, giúp thay đổi nhận thức của nông dân trong và ngoài mô hình. Thời gian tới đề nghị các địa phương đã thực hiện dự án thành công tiếp tục hưởng ứng và tích cực nhân rộng, lan tỏa mô hình cho nhiều bà con thực hiện theo phương châm nơi có điều kiện làm trước, nơi chưa có điều kiện thì làm sau", TS Trần Văn Khởi.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn