Nhiều mô hình mới xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đạt hiệu quả
09:13 - 31/10/2017
(MTNT) - Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường do các chất thải của quá trình chăn nuôi đã và đang trở thành vấn đề bức xúc ở rất nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Chăn nuôi bằng ĐLSH giúp giảm mùi hôi thối và khí độc chuồng nuôi, tạo môi trường trong lành cho vật nuôi phát triển tốt

 
Thực tế cho thấy, các trang trại chăn nuôi chỉ có 20% được xây dựng tại những khu tập trung riêng biệt, còn lại 80% vẫn đang được xây dựng xung quanh khu dân cư. Tình trạng này vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm tăng nguy cơ dịch bệnh cho cả con người và gia súc. Vì vậy, khi các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi đang dần được mở rộng cả về quy mô lẫn số lượng vật nuôi thì việc phòng chống ô nhiễm môi trường là vấn đề ngày càng trở nên vô cùng cần thiết và cấp bách.

 
Hiện nay, công nghệ xử lý chất thải sau chăn nuôi có rất nhiều phương pháp đang được áp dụng trong nước như: Phương pháp lý học; hóa học; sinh học. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, việc xử lý chất thải sau chăn nuôi áp dụng theo phương pháp sinh học đang được đánh giá là đem lại nhiều hiệu quả nhất.

 
Cụ thể, thông qua việc xử lý chất thải bằng công nghệ sinh học lên men yếm khí (Biogas) cho thấy: Nồng độ các chất thải giảm thấp; hiệu quả xử lý đạt đến 90%; khí biogas sinh ra trong quá trình lên men được thu hồi và tái sử dụng để chạy máy phát điện… Ngoài ra, quá trình xử lý yếm khí (biogas) còn giúp chuyển chất thải hữu cơ thành khí gas sinh học, việc làm này nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường, tiêu diệt các mầm bệnh trong quá trình chăn nuôi ở trang trại; đồng thời cũng giải quyết khá nhiều vấn đề về môi trường như: Nước thải sạch đạt chuẩn loại B; không có mùi hôi; giảm mầm bệnh; tạo ra năng lượng (khí đốt, điện…).

 
Tuy nhiên, công nghệ biogas hiện cũng đã bộc lộ những nhược điểm như: Tiêu hao quá nhiều nước; vi khuẩn gây bệnh chưa được khống chế hiệu quả nên gây nguy cơ cao về các loại bệnh truyền nhiễm… Đặc biệt, đối với những mô hình chăn nuôi lợn có sử dụng hầm biogas, nền chuồng phải là nền cứng, xây bằng gạch hay bê tông. Đàn lợn nuôi do thường xuyên phải đứng trên nền cứng và ẩm ướt sẽ có nhiều tác động rất xấu, làm ảnh hưởng tới xương chi và móng, nhất là đối với lợn nái sinh sản.

 
Bên cạnh đó, ở nước ta hiện nay, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ theo mô hình hộ gia đình còn chiếm tỷ lệ lớn. Việc đầu tư làm hệ thống hầm, bể biogas còn gặp phải nhiều khó khăn, từ chi phí lắp đặt tốn kém hay kỹ thuật xây dựng hầm, bể… trong khi lợi ích thu về từ việc tái sử dụng các sản phẩm của hầm biogas (khí ga, phụ phẩm) lại không đáng kể. Do đó, chất thải không được xử lý tốt gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sống của người dân trong vùng.

 
Để khắc phục những nhược điểm trên, đối với mô hình chăn nuôi theo quy mô nông hộ, hiện đã có một số công nghệ mới ra đời và nhanh chóng đi vào sản xuất. Điển hình như: Công nghệ đệm lót sinh học (ĐLSH); công nghệ ấu trùng ruồi đen; công nghệ giun đất...

 
Qua thực tế cho thấy, áp dụng chăn nuôi lợn, trâu, bò hay gia cầm trên nền ĐLSH đều đem lại nhiều hiệu quả. Đối với chăn nuôi lợn trên nền ĐLSH, lượng nước sử dụng có thể tiết kiệm tới 80%, chi phí lao động giảm 60%. Do bề mặt chuồng nuôi khô ráo, không có mùi hôi, không ruồi muỗi nên lợn ít bị bệnh, người nuôi hạn chế được việc sử dụng thuốc kháng sinh cũng như giảm bớt chi phí cho thuốc thú y.

 
Theo thống kê, mô hình nuôi lợn hay gà trên nền ĐLSH hiện đã được triển khai ở hàng nghìn cơ sở chăn nuôi thuộc nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều mô hình đã và đang cho thấy tính hiệu quả rõ rệt, điển hình như các tỉnh: Hà Nam; Bắc Giang; Quảng Nam; Thanh Hóa; Bình Thuận; Hậu Giang; Vĩnh Long; Tiền Giang; thành phố Hồ Chí Minh...

 
Thời gian qua, tại những huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường do các hộ chăn nuôi lợn nằm xen lẫn với khu dân cư. Để khắc phục, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã lựa chọn và xây dựng được 18 mô hình trình diễn “Chăn nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh học”, với 57 hộ tham gia tại một số xã thuộc địa bàn các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè…

 
Gia đình anh Phan Văn Phi ở ấp 3, xã Tân Thạnh Tây- huyện Củ Chi- TP. Hồ Chí Minh là một trong những hộ điển hình khi thực hiện chăn nuôi lợn có hiệu quả theo mô hình ĐLSH. Anh Phi cho biết, được sự hỗ trợ và hướng dẫn của ngành chức năng, anh tiến hành cải tạo hệ thống chuồng trại và áp dụng với 2 ô chuồng, mỗi ô có diện tích 30 m2, nuôi 15 con lợn thịt.

 
Anh Phi khẳng định: Từ khi sử dụng nền chuồng nuôi là đệm lót lên men, kết quả thấy không còn mùi hôi, tiết kiệm được 80% lượng nước do hoàn toàn không phải tắm rửa cho lợn hay rửa chuồng, nhờ đó giảm đáng kể công quét chuồng, thu dọn phân. Đồng thời, lợn nuôi giảm được tỷ lệ mắc bệnh, chất lượng nạc được nâng lên, đặc biệt là đã giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần cung cấp nguồn sản phẩm thịt lợn sạch cho người tiêu dùng.

 
Kết quả, đàn lợn thịt của gia đình anh phát triển tốt, ít bệnh, tăng trọng nhanh, sau khoảng 105 ngày nuôi thì lợn đạt trọng lượng bình quân 100 kg/con. Từ hiệu quả mô hình, đến nay, anh vẫn tiếp tục áp dụng hình thức này cho các đợt chăn nuôi lợn tiếp theo.

 
Thông qua các mô hình không chỉ là giải pháp kinh tế đối với người chăn nuôi mà còn giúp họ tiếp cận và nhận thức được tầm quan trọng, tính hiệu quả của việc áp dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót trong chăn nuôi. Các hộ sau khi được tham gia đều khẳng định mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như: Giảm tỷ lệ mắc bệnh (bệnh đường ruột và hô hấp giảm từ 50- 70%); giảm chi phí sử dụng thuốc thú y (khoảng 50.000 đồng/con lợn); tiết kiệm được hơn 10% chi phí thức ăn; tiết kiệm 80% nước (do không cần tắm lợn, rửa chuồng).

 
Đặc biệt, đã giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường do lượng phân lợn thải ra môi trường không có mùi hôi thối như cách nuôi truyền thống trước đây. Ngoài ra, còn hạn chế phát sinh ruồi, muỗi; tiết kiệm được chi phí vật liệu làm nền bê tông. Đồng thời, đệm lót sau khi sử dụng sẽ được tái sử dụng để dùng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng đem lại hiệu quả rất tốt bởi có giá trị dinh dưỡng cao. 

 
Tại tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, mô hình chăn nuôi lợn, gà trên ĐLSH cũng được đưa vào áp dụng ở một số địa phương của huyện Hàm Thuận Nam mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

 
Từ tháng 7/2016, mô hình bắt đầu được triển khai trong chăn nuôi lợn, thực hiện ở xã Mương Mán và Thuận Quý với 5 hộ nông dân tham gia. Số lượng ban đầu là 12 con lợn giống Landrac, trọng lượng 23 kg/con, được tiêm chủng đầy đủ các bệnh theo quy định. Khi tham gia mô hình, các hộ nông dân được hỗ trợ 100% chi phí con giống và 30% về thức ăn và men làm đệm lót. Về đệm lót, các hộ được hướng dẫn làm từ những nguyên liệu như: Trấu, mùn cưa, cám gạo, bột bắp và chế phẩm sinh học men Balasa N01.

 
Sau 3 tháng chăm sóc, nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn, mô hình đã đem lại kết quả rất khả quan. Tỉ lệ lợn sống đạt 100%, trong suốt quá trình nuôi không có dịnh bệnh xảy ra. Trọng lượng nuôi bình quân đạt 75 kg/con, như vậy qua 3 tháng nuôi, mỗi con lợn đạt mức tăng trưởng bình quân 52 kg.

 
Giống như nuôi lợn, mô hình nuôi gà trên ĐLSH ở 2 xã trên cũng đã góp phần đáng kể vào việc hạn chế dịch bệnh xảy ra cho đàn gà, đồng thời thấy rõ sự thân thiện với môi trường trong chăn nuôi. Mô hình được triển khai với 9 hộ nông dân tham gia; số lượng thả nuôi 800 con gà ta giống 01 ngày tuổi; chi phí con giống được hỗ trợ 100%. Về đệm lót, các hộ nuôi được trạm khuyến nông cung cấp chế phẩm và hướng dẫn cách thức làm giống như đệm lót chăn nuôi lợn.

 
Kết quả sau 3 tháng chăm sóc, nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, mô hình cho thấy: Tỉ lệ gà sống đạt bình quân trên 96,3%; trọng lượng bình quân đạt 1,6 kg/con. Theo tính toán, với giá bán bình quân hiện nay khoảng 80.000 đồng/kg gà thịt thì tổng lợi nhuận của mô hình sau khi trừ chi phí đạt gần 30 triệu đồng.
 

Có thể thấy, các mô hình chăn nuôi bằng ĐLSH giúp phân hủy phân, giảm mùi hôi thối và khí độc chuồng nuôi, tạo môi trường trong lành cho vật nuôi phát triển tốt; nhờ đó giảm được tỷ lệ mắc bệnh cho vật nuôi. Khi sử dụng chế phẩm Balasa- N01 rải lên nền chuồng nhằm tiêu hủy mùi hôi và phân chuồng khô nên người nuôi không phải tốn công dọn quét chuồng thường xuyên như nuôi trên nền xi măng trước đây. Đặc biệt là khi chăn nuôi bằng ĐLSH đã giúp khắc phục được những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư do tình trạng gây ô nhiễm từ quá trình chăn nuôi.

 
Được biết, Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng đã công nhận tiến bộ kỹ thuật cho chế phẩm sinh học Balasa N01 và quy trình ứng dụng chế phẩm này làm ĐLSH trong chăn nuôi lợn và gà. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để ứng dụng và triển khai nhân rộng mô hình chăn nuôi trên ĐLSH cho các địa phương trong thời gian tới.


 

Thanh Nga
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn