Trồng bí dưới ruộng lúa, trái ra quá trời, bất ngờ nông dân Cà Mau thu hàng trăm triệu
Nhiều năm qua, nông dân Cà Mau đã thực hiện trồng bí dưới ruộng lúa ở vùng ngọt hóa. Từ mô hình có hộ thu về hàng trăm triệu đồng.
|
Nông dân vùng ngọt hóa có nguồn thu ổn định từ mô hình trồng bí dưới ruộng lúa. Ảnh: CTV. |
Hằng năm, khi chuẩn bị thu hoạch vụ lúa đông xuân, người dân các xã Khánh Bình Đông, Trần Hợi, Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời) tiến hành xuống giống rau màu trên các bờ liếp được xẻ dọc giữa ruộng. Người dân địa phương chủ yếu xuống giống bí rợ, bầu, bí đao hoặc đậu bắp...
Sau khi thu hoạch lúa, bà con chuyển qua chăm bón vụ màu. Mặc dù là vụ mùa phụ nhưng đã giúp người dân có lãi hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng, tùy theo diện tích và kỹ thuật canh tác.
Năm nay vụ bí rợ được mùa, được giá giúp nhiều nông dân có nguồn thu ổn định, có hộ thu về hàng trăm triệu đồng.
Gia đình ông Phạm Văn Phượng (xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) vừa thu hoạch xong vụ bí rợ dưới ruộng. "Với diện tích gần 4ha đất chuyên trồng lúa, tôi lên 8 bờ liếp trồng bí. Trên diện tích đất trồng bí khoảng 2,7ha, gia đình ông thu được 24 tấn bí", ông Phượng cho hay.
Giống bí ông Phượng trồng có giá bán trung bình 9.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Mặc dù chi phí phân thuốc vụ này khá cao, nhưng gia đình ông vẫn có lãi khoảng 150 triệu đồng từ mô hình trồng bí dưới ruộng lúa ở vùng ngọt hóa.
"Chăm bón đúng thời điểm, tưới phân phải cân đối là quan trọng nhất trong trồng bí. Chủ yếu nông dân phải biết ngừa bệnh, còn khi cây bị bệnh rồi mới trị thì hiệu quả không cao. Năm ngoái giá bí không được cao, nhưng năm nay ít người trồng hơn, cung ít cầu nên giá cao", ông Phượng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Cao Chiến Thi (ấp Minh Hà A, xã Khánh Bình Đông) cho biết: "Ngoài cây bí, hiện diện tích dưa hấu của gia đình cũng sắp tới ngày thu hoạch tiếp. Dự kiến gia đình thu về khoảng 3 tấn dưa hấu. Mô hình trồng cây rau màu trên ruộng lúa ở vùng ngọt hóa thường giúp nông dân có nguồn thu ổn định".
Mô hình trồng bí dưới ruộng lúa ở vùng ngọt hóa đã được người dân địa phương thực hiện nhiều năm nay và cho hiệu quả cao. Cơ quan chức năng địa phương đang định hướng nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, không phải nơi nào trong vùng ngọt huyện Trần Văn Thời cũng thực hiện được mô hình này.
Ông Duy Quốc Tuấn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) nêu rõ: "Một vụ màu mang lại lợi nhuận bằng 2 vụ lúa. UBND huyện đã chỉ đạo phòng phối hợp các đơn vị liên quan xác định những nơi có điều kiện phù hợp để khoanh ô, đặt trạm bơm, hỗ trợ nông dân canh tác".
"Theo kế hoạch năm tới dự kiến mở rộng vụ màu ra khoảng 500ha. Mô hình trồng màu dưới ruộng muốn thực hiện được thì lúa vụ 2 bà con phải xuống sớm hơn các nơi khác. Đất phải gò cao hoặc phải xây dựng hệ thống trạm bơm để chủ động sạ lúa sớm, đảm bảo vụ lúa đông xuân phải thu hoạch trước Tết Nguyên đán", ông Tuấn thông tin thêm.
Ông Duy Quốc Tuấn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) nêu rõ: "Một vụ màu mang lại lợi nhuận bằng 2 vụ lúa. UBND huyện đã chỉ đạo phòng phối hợp các đơn vị liên quan xác định những nơi có điều kiện phù hợp để khoanh ô, đặt trạm bơm, hỗ trợ nông dân canh tác".
"Theo kế hoạch năm tới dự kiến mở rộng vụ màu ra khoảng 500ha. Mô hình trồng màu dưới ruộng muốn thực hiện được thì lúa vụ 2 bà con phải xuống sớm hơn các nơi khác. Đất phải gò cao hoặc phải xây dựng hệ thống trạm bơm để chủ động sạ lúa sớm, đảm bảo vụ lúa đông xuân phải thu hoạch trước Tết Nguyên đán", ông Tuấn thông tin thêm.