Chăn nuôi an toàn sinh học là xu thế tất yếu hiện nay
10:44 - 12/04/2022
(MTNT) – Theo con số thống kê mới nhất của cơ quan chức năng cho thấy, nếu xét trong cơ cấu chung toàn ngành nông nghiệp thì lĩnh vực chăn nuôi hiện đang chiếm khoảng 24,3%, còn thủy sản chiếm 25,1%. Tổng hai lĩnh vực này chiếm trên 49%.

Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học cho thấy đã mang lại “lợi ích kép”, vừa giúp các hộ chăn nuôi tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ đàn vật nuôi lại vừa góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường

 
Trong đó, bình quân tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực chăn nuôi đạt từ 5- 6% và thủy sản tăng trưởng từ 4- 5%. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi ước tính có mức tăng trưởng đạt khoảng 5,5%, hầu hết các đàn vật nuôi đều phát triển tốt.

 
Tính đến nay, tổng đàn lợn cả nước đạt 26,17 triệu con (tăng 5%); tổng đàn bò khoảng 5,87 triệu con (tăng 4,2%); tổng số trâu đạt 2,41 triệu con (giảm 2,6%); tổng đàn gia cầm khoảng 496 triệu con (tăng 6,2%). Nhìn chung, ước tính cả nước ta đang có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung; trong đó, phổ biến nhất là các mô hình chăn nuôi lợn và gia cầm.
 
 
Tuy nhiên, đồng nghĩa với việc tăng đàn vật nuôi thì hàng năm, trung bình đàn gia súc, gia cầm nước ta đang thải ra hơn 61,4 triệu tấn phân và trên 55 triệu tấn nước tiểu. Ngoài ra, mỗi năm còn có thêm hàng triệu tấn chất độn chuồng thải ra từ ngành chăn nuôi…
 
 
Đối với các biện pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi ở các nông hộ, qua tính toán cho thấy: Khoảng 48,5% lượng chất thải được dùng để ủ phân truyền thống (compost); 30,6% áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP hoặc tương đương); 11% áp dụng khí sinh học; 6% sử dụng chế phẩm vi sinh vật để xử lý chất thải; 2,7% sử dụng đệm lót sinh học... Riêng về việc xử lý, sử dụng phân vật nuôi tại trang trại mới chỉ đạt 73,3% lượng phân vật nuôi được bán và sử dụng làm phân bón hữu cơ, 26,7% được đưa xuống công trình khí sinh học để chạy máy phát điện hoặc sử dụng cho việc đun nấu, thắp sáng... tại các cơ sở chăn nuôi.
 
 
Như vậy, mặt trái của việc gia tăng nhanh về số lượng và qui mô của các trang trại chăn nuôi chính là nguy cơ làm ô nhiễm môi trường do những chất thải, nước thải phát sinh từ các trang trại này gây ra. Ô nhiễm môi trường chăn nuôi hiện đang là vấn đề bức xúc ở nhiều vùng nông thôn của nước ta. Thậm chí, tại nhiều địa phương, nguồn nước xung quanh các khu vực dân cư có các trang trại chăn nuôi đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của người dân.
 
 
Trước thực trạng đó, những năm gần đây, việc nhiều tỉnh, thành phố mạnh dạn triển khai và cho nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đang được xem là giải pháp quan trọng đối với ngành chăn nuôi. Có thể nói, đây là mô hình mang lại “lợi ích kép”, vừa giúp các hộ chăn nuôi tiết kiệm được chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ đàn vật nuôi, lại vừa góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
 
 
Tại địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua, các cấp chính quyền và ngành chức năng trong tỉnh luôn xác định rõ vai trò và lợi ích thiết thực của việc vận động các nông hộ tích cực đầu tư để triển khai mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Nhờ có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong tỉnh nên ngày càng có thêm nhiều hộ dân mạnh dạn áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
 
 
Đáng chú ý, nhiều mô hình cho thấy đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân cải thiện đời sống; đồng thời, góp phần đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển theo hướng bền vững. Trên thực tế, để ngành chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao thì ngoài việc quan tâm tới chất lượng con giống, thức ăn còn có các yếu tố về môi trường, quản lý dịch bệnh... Hiện nay, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là rất cần thiết và phù hợp với xu thế chung.
 
 
Thực hiện Quyết định 247 của UBND tỉnh về việc Hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học, từ đầu năm 2021, Trung tâm Khuyến nông của tỉnh đã hỗ trợ hơn 1.300 tấn đệm lót (trấu, mùn cưa...) và 84 tấn chế phẩm sinh học các loại cho hàng ngàn hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Kết quả bước đầu cho thấy, các mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học giúp giảm được mùi hôi chuồng trại; tăng năng suất và sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Điều này cũng đã được ngành chức năng kiểm chứng thông qua các đợt dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
 
 
Một mô hình triển khai tốt đó là trang trại nuôi giống gà Ai Cập siêu trứng của gia đình ông Phạm Văn Luyện ở thôn Chùa, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương. Với quy mô nuôi gần 1 vạn con gà, đây được xem là một trong những trang trại gà lớn của xã. Theo ước tính, bình quân trang trại thu khoảng 6.300 quả trứng/ngày, theo giá bán trên thị trường, trung bình mỗi năm trang trại của ông Luyện thu lợi nhuận đạt gần 1 tỷ đồng.
 
 
Tuy nhiên, vào những năm trước đây, do gia đình ông tập trung mô hình nuôi gà chỉ đẻ lấy trứng với số lượng lớn nên gần như đàn gà không xuất chuồng, do đó mùi hôi là khó tránh khỏi. Để khắc phục, ông cũng đã đầu tư hơn 800 triệu đồng để xây chuồng theo lồng, lắp đặt hệ thống hút mùi và xử lý chất thải hiện đại nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để được mùi hôi trong khu trang trại.
 
 
Từ năm 2021, gia đình ông Luyện được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ chế phẩm làm đệm lót sinh học theo chương trình Hỗ trợ giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi của UBND tỉnh. Sau khi sử dụng đệm lót từ chế phẩm sinh học, qua theo dõi, đệm lót không chỉ giúp khử mùi triệt để mà lượng phân gà sau khi thải ra rất mau khô, giúp ông thuận lợi hơn trong quá trình thu gom và vận chuyển tới cho đơn vị thu mua.

 
Mặt khác, lượng phân gà được xử lý qua đệm lót sinh học khi đem tái sử dụng dùng làm phân bón cho cây trồng cũng đạt những hiệu quả tốt, mang lại năng suất cao hơn. Đối với trang trại chăn nuôi của gia đình ông Luyện, sau khi tiến hành sử dụng đệm lót sinh học cho thấy số gà chết do bị bệnh hàng tháng giảm từ 5- 10%, đồng thời đàn gà nuôi tăng năng suất và sản lượng đẻ trứng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
 
 
Đối với tỉnh Lâm Đồng, thống kê cho thấy hiện tổng đàn gia súc của địa phương có khoảng 540.000 con. Trong đó, đàn trâu khoảng 13.000 con; đàn bò gần 100.000 con (bao gồm bò sữa 25.000 con, bò thịt 75.000 con); đàn lợn 416.000 con; dê 13.000 con; gia cầm khoảng 9,7 triệu con. Những năm gần đây, nhờ chính quyền tỉnh quan tâm, tăng cường triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên không những đã mang lại nhiều lợi ích rõ rệt về kinh tế mà còn góp phần phòng ngừa tốt dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi.
 
 
Theo đó, ngành chức năng trong tỉnh đã đẩy mạnh việc triển khai đến người chăn nuôi các quy trình thực hành chăn nuôi tốt nhằm nâng cao giá trị sản xuất và phòng ngừa dịch bệnh. Người dân được khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn sinh học đối với một số lĩnh vực cụ thể như: Chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi bò thịt, bò sữa, nuôi ong.
 
 
Đáng chú ý, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 54 cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học được cấp giấy chứng nhận chăn nuôi VietGAHP. Trong đó, có 2 cơ sở chăn nuôi gà an toàn sinh học, 2 cơ sở chăn nuôi lợn thịt, 3 cơ sở nuôi cá tầm, 47 cơ sở nuôi ong mật và 2 cơ sở chăn nuôi bò sữa đã được cấp giấy chứng nhận Oganic.
 
 
Bên cạnh đó, hiện ngành nông nghiệp của tỉnh đã và đang tập trung hướng dẫn người dân xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas. Phương pháp này được các hộ chăn nuôi trên địa bàn quan tâm, áp dụng cho cả mô hình trang trại lẫn chăn nuôi nông hộ. Theo các chuyên gia đánh giá, phương pháp này vừa giúp bảo vệ được môi trường lại vừa có thể thay thế chất đốt phục vụ trong sinh hoạt gia đình và trang trại chăn nuôi, làm giảm bớt chi phí cho các hộ dân.
 
 
Mặt khác, người dân cũng được khuyến cáo và hướng dẫn thực hiện phương pháp xử lý môi trường bằng các chế phẩm sinh học đối với các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, nhất là ở các trang trại chăn nuôi lợn. Các trang trại sẽ áp dụng chế phẩm sinh học để phối trộn cùng với thức ăn, hoặc đem phun trực tiếp vào chuồng nuôi, hố ủ phân, hoặc cho vào hệ thống nước thải để giúp giảm thiểu mùi hôi.
 
 
Có thể thấy, việc phát triển chăn nuôi an toàn sinh học chính là biện pháp hữu hiệu để giúp phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả trên đàn vật nuôi. Từ đó, ngành nông nghiệp tỉnh đang khuyến cáo người dân tập trung phát triển chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Đối với phương pháp này, người dân sẽ sử dụng các phế phụ phẩm (phôi bào, mùn cưa, rơm rạ, trấu…) dùng làm đệm lót và có bổ sung thêm chế phẩm sinh học để giúp xử lý nhanh hơn chất thải chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường.
 
 
Tuy đây là một hướng đi mới song, công nghệ chăn nuôi trên đệm lót sinh học đã cho thấy thu được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể như: Không gây ô nhiễm môi trường; giảm bớt được các chi phí; giảm bệnh tật; đàn gia súc tăng trưởng nhanh; chất lượng thịt được người tiêu dùng ưa chuộng và có giá bán cao hơn trên thị trường... Như vậy, mô hình này thật sự đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, phù hợp với loại hình chăn nuôi gà, lợn ở quy mô nông hộ.
 
 
Từ những kết quả đạt được bước đầu có thể khẳng định, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, là giải pháp hữu hiệu để giúp phòng, chống các loại dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm. Thời gian tới, chính quyền và ngành chức năng của các tỉnh, thành phố cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học cho người chăn nuôi trong cả nước; đồng thời, tập trung hướng dẫn, xây dựng các mô hình điểm về chăn nuôi an toàn sinh học theo chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm theo hướng an toàn, bền vững…
Nguyễn Phong
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn