|
Ngành chăn nuôi là lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế quốc dân |
Chăn nuôi là hoạt động quan trọng đối với nông dân và nông thôn nước ta, góp phần nâng cải thiện sinh kế, cung cấp thực phẩm trứng, thịt sữa tiêu dùng.
Tuy nhiên, do chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ, chuồng trại chăn nuôi thường được bà con bố trí ngay trên diện tích đất sinh hoạt chung của gia đình nên đã gây tác động lớn đến môi trường xung quanh, phát sinh dịch bệnh và sức khỏe người dân.
Để quản lý tốt các loại chất thải chăn nuôi, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nói chung và các cơ sở chăn nuôi nói riêng, gần đây nhất là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trong đó quy định cụ thể về xử lý sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, xác vật nuôi, phụ phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của các hộ chăn nuôi.
Tuy nhiên, đúng như cử tri phản ánh, công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi ở Việt Nam còn chưa thực sự hiệu quả, các cơ sở chăn nuôi hầu hết là cơ sở nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, phần lớn đều chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, xử lý mùi hôi, thu gom và xử lý chất thải nên gây ô nhiễm môi trường xung quanh, dẫn đến khiếu kiện của người dân trong khu vực.
Nhiều cơ sở đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas, đệm lót sinh học…
Để giải quyết triệt để tình hình ô nhiễm môi trường từ các hộ chăn nuôi, các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, trước mắt tập trung xây dựng các văn bản hướng thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 như quy định về hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác.
Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi nhằm từng bước giảm lượng phân hoá học sử dụng; từng bước hình thành chiến lược quản lý chất thải vật nuôi toàn quốc theo hướng coi chất thải chăn nuôi là tài nguyên, là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác để tạo lập thị trường trao đổi, chế biến, lưu thông và sử dụng hàng hóa.
Quản lý chặt chẽ quy hoạch vùng chăn nuôi, gắn quy hoạch chăn nuôi với quy hoạch bảo vệ môi trường; kiên quyết không triển khai các dự án chăn nuôi mới không tuân thủ quy hoạch; đề xuất lộ trình di chuyển các cơ sở ngoài quy hoạch vào trong địa bàn quy hoạch để thực hiện tốt hơn công tác quản lý bảo vệ môi trường.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo hiệu ứng răn đe; thử nghiệm và hướng dẫn việc bổ sung hạng mục, hoàn thiện, cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình xử lý nước thải chăn nuôi, đặc biệt là hệ thống xử lý sau biogas đáp ứng QCVN 62-MT:2016/BTNMT trước khi thải ra môi trường.
Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát, đánh giá việc áp dụng QCVN 62-MT:2016/BTNMT tại các địa phương để có định hướng sửa đổi, hoàn thiện phù hợp với mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi trong bối cảnh hài hòa với mục tiêu phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác.
Tăng cường công tác đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi; đề cao vai trò của cộng đồng trong theo dõi, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở chăn nuôi.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp với quy mô, tính chất của từng loại hình chăn nuôi; khuyến khích phát triển các công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi.
Nghiên cứu, phát triển các mô hình chăn nuôi – trồng trọt – nuôi trồng thủy sản không phát thải theo hướng quay vòng, tận thu và tái sử dụng toàn bộ chất thải.
Ngoài ra, Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 1-3-2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi.
Trong đó, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ sẽ bị phạt tiền mức 1-7 triệu đồng; con số này với vi phạm quy định về xử lý nước thải, khí thải chăn nuôi là 3-10 triệu đồng. Đây là biện pháp hữu hiệu nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.
Hiện nay, việc khuyến khích người dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh học mới vào sản xuất và chăn nuôi đang được nhiều địa phương xem là một trong những giải pháp an toàn, có tính bền vững.
Qua đó, vận động, hướng dẫn người dân tích cực chuyển đổi sang quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để dần thay thế cho nền nông nghiệp vô cơ đang tiềm ẩn nhiều tác hại; góp phần đem lại nhiều lợi ích hơn cho cả người trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp cũng như đối với người tiêu dùng và môi trường sinh thái.
Chuồng trại chăn nuôi cần cần đảm bảo mỹ quan hài hòa với các công trình khác, cách càng xa khu sinh hoạt với gia đình càng tốt, không bị gió lùa hoặc đầu gió; mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, thuận tiện cho chăm sóc, thuận tiện về nguồn nước, thuận lợi cho việc thu gom xử lý chất thải.
Đối với mật độ nuôi là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng suất và sức đề kháng bệnh của vật nuôi, song hầu như ít được nông dân tuân thủ nên đã làm cho môi trường chuồng trại kém thông thoáng, dễ phát sinh dịch bệnh và khả năng lây nhiễm bệnh cao.
Đối với chăn nuôi quy mô lớn và theo phương thức công nghiệp yêu cầu các hộ chăn nuôi phải xây hầm khí sinh học để tận dụng chất thải chăn nuôi sản xuất khí gas cho đun nấu và không gây ô nhiễm môi trường.
Còn chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ thì trong quy hoạch chuồng nuôi phải xây dựng bể chứa chất thải lỏng và ủ phân có nắp đậy. Hàng ngày tiến hành thu gom phân, rác trước khi xịt nước rửa chuồng để đưa vào hố ủ hoai mục làm phân bón.
Bà con cần định kỳ hàng tuần quy định 1 ngày thực hiện tổng vệ sinh chuồng trại và khu vực chăn nuôi, thu gom rác về nơi quy định để đốt và phun khử trùng khu vực chăn nuôi bằng thuốc sát trùng để tiêu diệt nguồn mầm bệnh nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi giúp bà con nâng cao thu nhập.
Bích Ngọc
Nguồn:
http://cspl-tnmt.monre.gov.vn/tin-tuc/giai-dap-chinh-sach/linh-vuc-moi-truong/giai-phap-giai-quyet-tinh-trang-o-nhiem-moi-truong-do-chat-thai-khi-thai-cua-cac-ho-chan-nuoi.html http://www.iae.vn/NewDetails/bao-ve-moi-truong-trong-chan-nuoi-quy-mo-nong-ho-111-5