Nuôi tôm trong ruộng lúa, bắt tay với doanh nghiệp làm đâu ra đấy, nông dân xã này ở Cà Mau giàu lên trông thấy
10:42 - 01/04/2022
Nhờ thay đổi sản xuất, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nhiều nông dân làm mô hình lúa tôm ở xã Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) không còn lo về đầu ra.
Thu hoạch lúa an toàn tại gia đình anh Nguyễn Văn Trung ở ấp 5 xã Trí Lực


Mỗi ha lúa tôm thu trên 100 triệu đồng/năm

Đến Trí Lực hôm nay, nhiều người sẽ ngỡ ngàng bởi nông dân nơi đây từng lao đao vì chịu cảnh "đụng hàng dội chợ" khi gắn bó với cây mía. Có được điều đó là nhờ người dân đã biết liên kết để trồng lúa, nuôi tôm, nâng cao giá trị.

Từng hạt lúa, con tôm được doanh nghiệp thu mua với giá cao. Nông dân phấn khởi, chính quyền địa phương có điều kiện xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Chị Trương Thị Kiều Diễm, thành viên Hợp tác xã (HTX) lúa tôm Trí Lực cho biết, gia đình mình có 4ha đất, trước đây chủ yếu canh tác mía. Mặc dù năm được năm mất nhưng nói chung thu nhập không cao. Từ khi tham gia vào HTX, thấy lợi ích của mô hình tôm lúa nên tôi mạnh dạn chuyển đổi.

Nhờ được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất đến hỗ trợ đầu ra, hiện mỗi ha tôm lúa của gia đình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

"Gia đình tôi làm tôm lúa mấy năm nay khỏe lắm. Trong quá trình canh tác, phát sinh dịch bệnh chỉ cần liên hệ HTX là có bộ phận kỹ thuật tư vấn ngay. Đặc biệt, chuyện mua bán không cần phải nghĩ nhiều. Lúa chín, tôm đến kỳ thu hoạch mình a lô cho HTX là có người đến tận đồng thu mua", chị Diễm chia sẻ.

HTX ra đời và hoạt động đúng hướng đã giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm tồn đọng nhiều năm nay trong nông dân. Người dân mạnh dạn vào HTX để được tham gia chuỗi liên kết và theo đó nông sản làm ra bán được giá tốt.

HTX hiện có 15 thành viên. Các xã viên sản xuất theo quy trình sạch để đảm bảo cho tôm phát triển tốt và lúa phát triển song song mà không sử dụng hoá chất, phân bón hoá học. Từ đó có được nguồn gạo sạch, chất lượng, đạt tiêu chuẩn.

Hằng năm, HTX cung ứng cho thị trường từ 5 đến 10 tấn gạo, với giá bán khá cao từ 25.000-30.000 đồng/kg; được khách hàng ưa chuộng.

Ông Lê Văn Mưa - Chủ nhiệm HTX lúa tôm Trí Lực, cho biết: "Nhờ sự ủng hộ quyết liệt của UBND xã mà liên kết của chúng tôi không bị gãy như trước đây. Hiện tượng "được mùa mất giá" không còn xảy ra, nông dân rất phấn khởi".

Chính quyền địa phương làm cầu nối

Ở năm vừa rồi, sản phẩm lúa sạch của HTX được bán với giá 7.600 đồng/kg; lúa hữu cơ tới 8.500 đồng/kg. Riêng từ mùa này, lúa hữu cơ được các công ty thống nhất bao tiêu thu mua giá cố định 9.500 đồng/kg. Trung bình 1 năm, HTX sản xuất 2 vụ tôm, 1 vụ lúa. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận bình quân từ 100 triệu đồng/ha/năm.

Với mô hình sản xuất chủ lực là lúa, tôm, ở vụ vừa qua, địa phương đã thực hiện liên kết chuỗi với một công ty ở An Giang với diện tích 200ha; công ty ở Đồng Tháp 100ha.

Giống lúa được nông dân sử dụng là ST24, ST25. Đây là giống ngắn ngày, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, địa phương còn hướng đến mô hình nuôi tôm càng xanh (kích cỡ lớn).

Riêng tôm sú nước mặn địa phương cũng đã xây dựng được liên kết chuỗi với doanh nghiệp từ năm 2017 đến nay, với diện tích 690ha. Hiện sản phẩm tại vùng nuôi đã được cấp chứng nhận chuẩn ASC.

Ông Hà Minh Sữa - Phó Chủ tịch UBND xã Trí Lực, cho biết: "Ở thời điểm thu hoạch rộ của vụ mùa năm, có doanh nghiệp nhảy vào mua kiểu phá giá gây khó khăn cho đơn vị đã liên kết trước. Nắm được thông tin, chính quyền địa phương đã trực tiếp mời doanh nghiệp này đến làm việc và nêu rõ ràng quan điểm địa phương".

"Nếu họ muốn mua sản phẩm thì hãy đầu tư ngay từ đầu, chúng tôi sẵn sàng ký kết phối hợp để giao vùng nguyên liệu. Còn thu mua kiểu vậy thì chúng tôi không chấp nhận. Bên cạnh đó, HTX cũng làm việc với hộ dân bán sản phẩm ra bên ngoài, giải thích để họ hiểu về hợp đồng đã ký kết,…từ đó hiện tượng này không còn nữa", ông Sữa thông tin thêm.

Trong hội thảo tổng kết mô hình sản xuất vừa qua, Phó Giám đốc sở NNPTNT tỉnh Cà Mau-ông Nguyễn Văn Quân nhận định: "Huyện Thới Bình đi đúng hướng, kịp thời về phát triển sản xuất nông nghiệp và sản xuất liên kết chuỗi giá trị. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ hiện nay giá rất cao, thân thiện với môi trường, đảm bảo với sức khỏe con người. Mô hình này rất có hiệu quả, có thể giúp người dân làm giàu nhanh".

Cũng theo ông Quân, thời gian tới, tỉnh sẽ quy hoạch lại sản xuất, tuyên truyền, vận động người dân sản xuất đồng loạt, tránh làm manh mún, cần liên kết chặt giữa 4 nhà để phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Trong công tác quản lý cần thực hiện chặt chẽ quy trình sản xuất, đúng với chuẩn của các tổ chức quốc tế, nâng cao giá trị nông sản.



 
Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn