Cây măng tây - hướng phát triển mới ở Phù Lưu
14:32 - 12/05/2023
Cây măng tây có hàm lượng dinh dưỡng cao, lại có giá trị về dược liệu; dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế vượt trội. Mô hình trồng cây măng tây của gia đình chị Ma Thị Nguyên, thôn Lang Đán, xã Phù Lưu (Hàm Yên) đã mở ra nhiều triển vọng về những loại cây trồng mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương.
 

Trước đây, với gần 8 sào đất sản xuất, nhiều năm liền, gia đình chị Ma Thị Nguyên chỉ chuyên canh trồng rau màu và một số cây ăn quả. Công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập mang lại chẳng bao nhiêu, chưa kể phụ thuộc vào thời vụ, được mùa - mất giá, mất mùa - được giá… Trăn trở tìm hướng đi mới để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm sao để tìm ra được loại cây mang lại thu nhập cao và ổn định về giá cả, sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, đầu năm 2022, chị Nguyên đã quyết định lựa chọn cây măng tây để phát triển kinh tế trên diện tích đất của gia đình.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây măng tây đang đến kỳ thu hoạch, chị Nguyên chia sẻ, măng tây là giống cây thân thảo, chỉ cần đủ độ ẩm cây sẽ sinh trưởng, phát triển tốt. Giai đoạn đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, gia đình chị gặp không ít khó khăn. Cùng với mưa nhiều, thời tiết ẩm khiến cỏ dại mọc nhanh và bị sâu bệnh khiến nhiều cây măng tây chậm phát triển. Đặc biệt, mầm măng tây rất yếu, vào mùa mưa hay bị thối, nhũn mầm. Vừa trồng, vừa học hỏi kinh nghiệm chăm sóc; thường xuyên vệ sinh vườn, dọn cỏ, cắt tỉa những cành lá già, đảm bảo vườn không bị ngập úng và bón đủ lượng phân.

Theo chị Nguyên, cây măng tây ưa nắng, gió, trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây măng cao lớn, tăng dần số lượng thân cây trên một bụi và bung tán rất rộng vì vậy cần cắm cọc, giăng dây chống đổ cho cây. Cũng vì cây măng tây có nhiều chất dinh dưỡng nên thường gặp các loại bệnh thối rễ, đốm tím, rỉ sắt… làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Tuy cây măng tây không khó trồng nhưng để có măng ngọt, mềm với năng suất cao, người trồng phải tỷ mỉ và chịu khó, mất nhiều công từ công làm đất, đánh luống, lên giàn, làm cỏ, bón phân. Bởi nếu để cây phát triển tự nhiên thì sẽ không đạt năng suất, sản lượng. Ngoài ra, chị còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, vừa tiết kiệm được nước, vừa đảm bảo độ ẩm cho cây.

Nhờ nắm chắc kỹ thuật, hiểu đặc tính của cây, sau 6 tháng chăm sóc, vườn măng tây của gia đình chị Nguyên bắt đầu cho lứa thu hoạch đầu tiên, tuy năng suất chưa cao. Từ tháng thứ 7 trở đi, vườn măng tây cho năng suất cao dần. Trung bình mỗi sào thu 3 - 5 kg/ngày tùy thuộc vào thời tiết và chăm sóc. Cây măng tây cho thu hoạch liên tiếp trong 7 tháng và tiếp tục tăng dần trong những năm tiếp theo; tuổi thọ của cây từ 8-10 năm tùy theo khả năng chăm sóc.

Hiện nay, trung bình giá măng tây bán trên thị trường đạt 50.000 - 100.000 đồng/kg. Việc tiêu thụ cũng tương đối thuận lợi bởi sản phẩm có đến đâu thương lái ở Bắc Giang đặt hàng tiêu thụ hết đến đó. Trung bình 8 sào trồng măng tây cho gia đình chị Nguyên nguồn thu khoảng 24 - 30 triệu đồng/tháng, so với trồng ngô, lúa thì trồng măng tây hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 7 đến 10 lần.

Măng tây là loại rau cao cấp vì hàm lượng dinh dưỡng cao gồm đạm và vitamin quan trọng như K, C, B6, B1... Đặc biệt, măng tây có tác dụng lợi tiểu, chữa táo bón, chống lão hóa, chống béo phì, làm giàu sữa mẹ, làm giảm lượng cholesterol trong máu, ổn định huyết áp. Ngoài làm thực phẩm, gốc măng già có thể dùng để làm trà, là thức uống giải nhiệt hoặc làm hoa cảnh...

Ông Đỗ Đình Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, mô hình trồng cây măng tây của gia đình chị Ma Thị Nguyên là mô hình mới trên địa bàn xã nhưng cây thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã Phù Lưu, cây phát triển nhanh, đem lại thu nhập đáng kể. Thành công bước đầu từ mô hình măng tây này chính là tiền đề quan trọng để xã Phù Lưu đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển những mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. 

 

Nguồn: baotuyenquang.com.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn