Vận động nông dân trồng lúa theo hướng hữu cơ để bảo vệ môi trường
(MTNT) – Thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn tình trạng bà con nông dân do chỉ tập trung việc gia tăng sản lượng lúa nên đã lạm dụng khá nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học độc hại trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
|
Các mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ vừa giúp bà con nông dân nâng cao giá trị kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa |
Việc này vừa làm cho đất nhanh bị thoái hóa, sụt giảm các loại vi sinh vật có lợi trong đất, gây tồn dư các kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật mà còn tác động không tốt đến sản phẩm nông nghiệp, môi trường sinh thái cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người sản xuất và người tiêu dùng. Trong khi đó, nhu cầu của xã hội hiện nay lại đang rất cần những sản phẩm nông sản sạch, an toàn, nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe con người.
Trước thực trạng trên, trong những năm gần đây, chính quyền các tỉnh, thành phố cùng ngành chức năng rất quan tâm, tập trung hướng dẫn và có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người nông dân mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư thực hiện các mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ. Nhiều mô hình sau thời gian thực hiện thử nghiệm đã và đang cho thấy mang lại những hiệu quả thiết thực. Nông dân được chuyển giao các quy trình kỹ thuật, tiếp cận với phương thức canh tác theo hướng hữu cơ để thay đổi nhận thức, ngày càng có trách nhiệm hơn với những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất.
Đáng chú ý, các mô hình này còn từng bước hướng người nông dân tiến đến nền nông nghiệp phát triển an toàn, bền vững. Quan trọng hơn cả là thông qua các mô hình được triển khai còn góp phần giúp nhiều địa phương xây dựng và khẳng định được thương hiệu lúa, gạo sạch có uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Cùng với đó, khuyến khích bà con nông dân tích cực chuyển đổi sang sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nhằm giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái đồng ruộng.
Thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương tiếp cận và triển khai các mô hình canh tác hữu cơ rất sớm. Nhờ nhận thức rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ đối với sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường, nhiều địa phương đã đẩy mạnh việc canh tác lúa theo hướng hữu cơ.
Theo đó, những năm gần đây, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đang được nhiều Hợp tác xã, bà con nông dân trong thành phố tích cực triển khai và nhân rộng. Từ đó, góp phần hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra những dòng sản phẩm nông sản sạch mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao hơn.
Qua thống kê, toàn thành phố hiện có 1.190 ha trồng lúa theo hướng hữu cơ, trong đó 40 ha lúa đã đánh giá và được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Hiện nay, chính quyền thành phố đang xây dựng đề án quy hoạch vùng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó tập trung ở một số vùng có tiềm năng phát triển như các huyện: An Lão, Tiên Lãng, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo.
Hầu hết diện tích lúa được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ chủ yếu tập trung tại các vùng sản xuất rươi kết hợp cấy lúa tại các địa phương đang có vùng bãi nuôi rươi. Điển hình như ở các xã: Ngũ Phúc, Ngũ Đoan, Kiến Quốc (thuộc huyện Kiến Thụy); một số xã thuộc huyện Tiên Lãng…
Triển khai mô hình canh tác lúa- rươi, bà con nông dân đã cấy giống lúa ST25, nhận thấy rất phù hợp và có lợi cho cả con rươi lẫn lúa. 100% sử dụng phân bón hữu cơ và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, sản phẩm gạo ruộng rươi mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất.
Mặt khác, do con rươi chỉ sống được ở điều kiện môi trường trong sạch và 100% chất hữu cơ. Vì thế, để nuôi được rươi, nông dân cần phải đảm bảo về cả nguồn nước tưới và phân bón. Mô hình giúp tạo ra hệ sinh thái khép kín, an toàn, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Theo tính toán của bà con, trung bình 1 ha ruộng rươi- lúa thu được từ 300- 500 kg rươi, với giá bán rươi khoảng 400.000- 450.000 đồng/kg thì riêng thu nhập từ rươi đạt 200 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, cấy giống lúa ST25 cho năng suất tương đối cao, hạt gạo rất đảm bảo, ăn ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Sản phẩm gạo ruộng rươi được một số công ty trên địa bàn bao tiêu, chế biến và tiêu thụ với giá bán cao tại nhiều thị trường, nhất là thị trường Hà Nội.
Những năm qua, nhằm mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp, chính quyền cùng các ngành chức năng của thành phố Cần Thơ đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nhất là việc trồng lúa theo hướng hữu cơ để giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Trong vụ lúa Thu Đông năm 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố đã chọn Hợp tác xã dịch vụ trồng lúa sạch My Hậu, ở ấp Vĩnh Phụng, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh để triển khai thực hiện thí điểm “Mô hình kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến theo hướng hữu cơ”. Đây là chương trình nằm trong kế hoạch phát triển vùng canh tác nông nghiệp hữu cơ năm 2022 của thành phố.
Theo đó, giống được đưa vào sản xuất là OM 5451, với diện tích canh tác 10 ha, mật độ sạ 100 kg/ha. Qua đánh giá, ưu điểm của ruộng làm mô hình đã giảm được gần 50% lượng giống gieo sạ so với việc canh tác truyền thống. Cụ thể, nếu như trước đây bà con phải sử dụng 25 kg lúa giống/công thì nay đã giảm xuống chỉ còn 12- 14 kg/công.
Bên cạnh đó, từ việc giảm bớt lúa giống, tiến hành sạ thưa nên lượng phân bón của bà con nông dân cũng giảm xuống, giúp giảm hơn 40% chi phí đầu vào trong sản xuất. Đây có thể xem là mô hình rất phù hợp đối với bà con nông dân khi thời điểm hiện tại giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào đều đang tăng cao. Đồng thời, năng suất ở ruộng mô hình luôn cao hơn ruộng đối chứng từ 600- 650 kg/ha.
Thông qua triển khai mô hình cho thấy, nhờ giảm thiểu việc sử dụng phân bón, thuốc hóa học đã góp phần bảo vệ sức khỏe của cả người sản xuất và người tiêu dụng sản phẩm. Đồng thời, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái đồng ruộng và môi trường.
Đáng chú ý, bà con nông dân còn bán được lúa tươi với giá cao hơn thị trường, bình quân từ 5.400 - 5.500 đồng/kg. Từ thành công mang lại của những mô hình thí điểm canh tác lúa hữu cơ, trong thời gian tới, các cấp chính quyền và ngành chức năng của thành phố sẽ tiếp tục nhân rộng để các địa phương khác trên địa bàn áp dụng và làm theo.
Có thể thấy, từ việc các địa phương khuyến khích bà con nông dân tích cực triển khai thực hiện mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ đã giúp nâng cao nhận thức, dần thay đổi phương thức canh tác trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, góp phần giảm công lao động, nâng cao giá trị cây trồng, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.
Thời gian tới, các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ. Mặt khác, cần quan tâm, tăng cường việc hỗ trợ và thúc đẩy mối liên kết hợp tác với nhau giữa nông dân với nông dân; nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp để phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Các ngành chức năng tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân tận dụng tốt các nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp để dùng làm phân bón hữu cơ, tái phục vụ lại cho cây lúa…