Hơn 59.000ha lúa xuân ở Hà Tĩnh đang ở giai đoạn làm đòng - trổ vè. Tuy nhiên, bệnh đạo ôn và đốm nâu đang ở mức báo động, có nguy cơ lây lan, bùng phát thành dịch nếu không quyết liệt phòng trừ.
Đe dọa kép
Theo báo cáo của Chi cục trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, đến thời điểm này, có hơn 2.300ha lúa bị nhiễm đạo ôn lá; hơn 2.000ha bị bệnh đốm nâu, tập trung chủ yếu tại các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ...
|
Cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh đang tập trung vào cuộc phòng trừ “kép” bệnh đạo ôn cổ bông và đốm nâu, tiêm lửa trên lúa |
Rút bài học kinh nghiệm từ sự cố mất mùa vụ xuân 2017, năm nay, từ cơ quan chuyên môn đến người dân đều lựa chọn giải pháp “cẩn tắc vô ưu”. Thế nhưng, ở một số địa phương, việc cẩn thận thái quá đang dẫn đến thực trạng lạm dụng thuốc BVTV, “bắt bệnh” một đằng “chữa bệnh” một nẻo.
Đơn cử, một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà cho hay, đề phòng bệnh đạo ôn cổ bông gây hại, huyện sẽ chỉ đạo phun phòng 100% diện tích.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh phản bác: “Huyện phải theo dõi chặt chẽ thời tiết và thời gian lúa trổ vè, từ đó rà soát diện tích cụ thể cần phun phòng để quyết định khuyến cáo dân phun hay không. Đừng nghĩ phun toàn bộ là tốt”.
Trước đó, trong chuyến đi thực tế của chúng tôi, tại xã Ích Hậu (Lộc Hà), nhiều hộ dân cho biết, thời điểm này lúa mới bắt đầu trổ vè song có những diện tích bà con đã phun 6 - 7 đợt thuốc BVTV. Khi phát hiện lúa có biểu hiện bị bệnh, bà con nhổ lúa đến đại lý thuốc BVTV để họ “bắt bệnh”. Đáng ngại, diện tích bị bệnh đốm nâu thì phun thuốc phòng bệnh đạo ôn, hoặc chưa có rầy cũng mua thuốc rầy về phun. Kết quả “tiền mất tật mang”, các loại dịch bệnh vẫn lây lan, phát triển.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh thừa nhận: “Có tình trạng một bộ phận nông dân do quá lo lắng và không hiểu rõ về biểu hiện bệnh nên phun thuốc BVTV phi khoa học, từ chủng loại, liều lượng, thời gian đến số lần, hiệu quả xử lý của thuốc”.
Ông Thanh cũng cho rằng, bệnh đạo ôn và đốm nâu, tiêm lửa đang ở mức “báo động đỏ”, đe dọa xảy ra dịch bệnh kép. Theo đó, thời tiết sáng âm u, trưa nắng, tối rét và sương mù; đặc biệt, biểu hiện cực đoan nhất là từ đầu vụ đến nay chưa hề xuất hiện đợt nắng nóng nào, trong khi những năm trước đầu tháng 4 đã xuất hiện một vài đợt nắng nóng.
“Ngoài yếu tố thời tiết, chúng tôi cũng rất lo vấn đề con người. Thời điểm này cần nhất là cán bộ kỹ thuật, nhưng việc tập huấn tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều huyện không có cán bộ chuyên trách nên việc điều tra, phát hiện, tập huấn nâng cao năng lực cho cấp xã, người dân còn hạn chế”, ông Thanh nói. |
Tiếp đến, kết quả giám định bào tử nấm bệnh đạo ôn trong thời gian từ ngày 5 - 13/4, mật độ bào tử trên vết bệnh rất cao, khi gặp gió lớn có nguy cơ gây bệnh diện rộng. Ngoài ra, chủng nòi đạo ôn đã biến chủng nên rất khó lường.
Chủ tịch tỉnh chỉ đạo phòng trừ
Vụ xuân 2018, huyện Cẩm Xuyên là địa phương có diện tích sản xuất lớn nhất toàn tỉnh Hà Tĩnh với hơn 9.500ha. Theo ông Bùi Quang Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng chuyển giao KHKT cây trồng và vật nuôi huyện, hiện có hơn 2.800ha lúa tại các xã Cẩm Hưng, Cẩm Trung, Cẩm Thịnh... dự kiến trổ vè từ ngày 25 - 27/4. Đây là diện tích huyện đưa vào “tầm ngắm” phải phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông.
“Ngay chiều 18/4 huyện sẽ tổ chức quán triệt, tập huấn, hướng dẫn các giải pháp phòng trừ dịch bệnh đến tất cả các trưởng thôn trên địa bàn. Quan điểm của huyện là không chủ quan lơ là nhưng cũng không phun thuốc đại trà, tràn lan”, ông Dung cho hay.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện khẩn, yêu cầu cơ quan chuyên môn là Sở NN-PTNT, chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông, xác định chính xác thời gian trổ của từng trà lúa, trước mắt xử lý triệt để số diện tích bị nhiễm trên lá thời gian qua (hơn 2.300ha) và số diện tích bắt đầu xuất hiện đòng già đến trổ vè (3 - 5%), những ruộng màu xanh đậm (biểu hiện thừa đạm).
Đồng thời, tiếp tục theo dõi thời tiết, căn cứ vào sinh trưởng của lúa ở từng cánh đồng, từng vùng, từng giống để quyết định mở rộng diện tích phải xử lý thuốc, trên cơ sở đó tiến hành khoanh vùng, cắm vè và hướng dẫn bà con tổ chức phun phòng đúng quy trình kỹ thuật.
Ngoài bệnh đạo ôn cổ bông, Chủ tịch tỉnh cũng chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng trừ bệnh đốm nâu, rầy nâu, rầy lưng trắng...
Ông Nguyễn Tuấn Thanh khuyến cáo, ngoài theo dõi biểu hiện bệnh trên đồng ruộng, bà con cần căn cứ tình hình, khả năng trổ của lúa để có hướng bón bổ sung dinh dưỡng. Cụ thể, giai đoạn đòng già, nếu phát hiện lá lúa vàng có thể bón 2 trong 3 loại sau: Kali, đạm urê và một số chế phẩm sinh học về phân bón lá. Đối với diện tích chưa phun phòng bệnh lần nào hoặc phun cách đây 20 - 30 ngày, thuốc mất hiệu lực thì cần tổ chức phun lại.