Dù mới chớm mùa khô, song tại tỉnh Ninh Thuận nắng nóng đã hừng hực đến khó chịu. Nhiều hồ chứa nước nhỏ trên địa bàn đã cạn kiệt. Nguy cơ hạn hán trên diện rộng có thể xảy ra.
Chúng tôi về xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải những ngày này dù mới vào đầu mùa khô, song bà con đang phải gồng mình chống hạn cứu cây trồng.
Hồ chứa nước Ông Kinh trên địa bàn đã cạn kiệt, trơ đáy. Để lấy nước tưới, nông dân đã bỏ hàng chục triệu đồng khoan giếng dưới lòng hồ hàng chục mét, dùng máy bơm đưa nước về tưới rau màu.
Ông Nguyễn Mười, nhà gần hồ Ông Kinh, cho biết: "Hồ đã khô cạn nên không còn phục vụ sản xuất từ ngày 26/3. Trong khi gia đình tôi đang trồng 4 sào hành được hơn 10 ngày rồi, nếu không có nước tưới sẽ chết khô. Thấy nhiều người khoan giếng dưới lòng hồ nên gia đình cũng bỏ gần 100 triệu đồng để khoan 5 giếng. Tuy nhiên hiện 4 giếng đã cạn, giếng còn e rằng cũng bị “đứt” nước nếu trong thời gian tới trời vẫn không mưa”.
Ông Trần Đồng Linh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải thừa nhận nguồn nước tưới phục vụ sản xuất thiếu gay gắt. Toàn xã vụ này đã dừng 130ha đất sản xuất do thiếu nước. Địa phương khuyến cáo nông dân sử dụng nước tưới thật tiết kiệm.
Tương tự, tại các hồ chứa Phước Trung và Phước Nhơn (huyện Bác Ái) nước cũng đang dần cạn kiệt do trời không mưa. Tính đến gần cuối tháng 3, hồ Phước Trung chỉ còn 0,88/2,35 triệu m³ nước (chiếm 37% dung tích thiết kế). Vụ ĐX 2017-2018 đã cắt giảm hơn 314 ha đất sản xuất so với kế hoạch do các đập thời vụ không đủ nước tưới. Còn hồ Phước Nhơn chỉ đạt 0,09/0,78 triệu m³ nước (chiếm 11% dung tích thiết kế). Theo ghi nhận chúng tôi, từ đầu tháng 3 đến nay, một số trang trại ở xã Phước Trung, Bác Ái đã xuất hiện nhiều cừu bị chết. Trong khi đó, thời tiết nắng nóng đang khiến đàn cừu ở đây bắt đầu thiếu thức ăn và nước uống.
|
Nông dân khoan giếng dưới lòng hồ, dùng máy bơm để lấy nước tưới |
Ông Trần Công Hòa, ở thôn Đồng Dày (xã Phước Trung) cho biết, mới bắt đầu mùa khô nhưng nắng hạn liên tục đã làm nhiều đồng khô cỏ cháy, cừu thiếu thức ăn nên suy yếu. Tại trang trại của ông trên 1.000 con hiện đã có gần 100 con cừu bị chết rồi. Đàn cừu hơn 300 con nhà ông Ka Tơ Đáy, người cùng thôn với ông Hòa cũng bị chết liên tục, mỗi ngày vài con.
Ông Phan Quang Thựu, PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Thuận, cho biết thời gian qua trên địa bàn tỉnh lượng mưa ít, nắng nóng, một số hồ chứa nhỏ cạn kiệt, xảy ra hạn cục bộ một số vùng. Tuy nhiên tình hình hiện nay vẫn đảm bảo nước tưới và thức ăn cho gia súc vì vụ ĐX đang chuẩn bị thu hoạch. Điều ông Thựu lo lắng, nếu trong thời gian tới trời tiếp tục không mưa thì nguy cơ hạn hán trên địa bàn có thể xảy ra. Giải pháp mà tỉnh Ninh Thuận đưa ra sẽ sử dụng nguồn nước tiết kiệm theo thứ tự ưu tiên từ nước sinh hoạt, gia súc mới đến sản xuất.
Theo Cty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận, tính đến gần cuối tháng 3/2018, lượng nước trữ tại 21 hồ chứa khoảng 136,86/194,49 triệu m3, đạt 70,37% so với dung tích thiết kế. Lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương hiện còn 132,62/165 triệu m3, đạt 80,38% so với dung tích thiết kế. Dự kiến, đến ngày 30/4 tới khi kết thúc gieo cấy vụ đông xuân 2017-2018, thì lượng nước trữ tại 21 hồ chứa sẽ còn 118/194,49 triệu m3, đạt 61% so với dung tích thiết kế và lượng nước trữ của hồ chứa nước Đơn Dương: 108,9/165 triệu m3, đạt 66% so với dung tích thiết kế.
Theo Cty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận, dự kiến diện tích gieo cấy vụ HT 2018 hơn 21.761 ha, trong đó, diện tích lúa hơn 13.262 ha, màu 8.085ha và thủy sản hơn 413ha.
Tuy nhiên chủ yếu diện tích trên thuộc khu tưới khá dồi dào hệ thống Nha Trinh – Lâm Cấm, Sông Pha, và một số hồ chứa nước như Sông Sắt, Trà Co (Bác Ái), Cho Mo (Ninh Sơn), Tân Giang, Sông Biêu (Thuận Nam); Lanh Ra (Ninh Phước), Nước Ngọt, Thành Sơn (Ninh Hải), Sông Trâu, Bà Râu, Ba Chi (Thuận Bắc). Còn các hồ chứa nước còn lại chủ yếu là ưu tiên cấp nước sinh hoạt, chăn nuôi và khi nào thời tiết có mưa, căn cứ vào lượng nước hồ thực tế, Cty sẽ có kế hoạch gieo cấy diện tích cho từng xứ đồng cụ thể.
|