Hy vọng xóa nghèo mong manh vừa đứt
Trong cái rét như cắt da, cắt thịt khi nhiệt độ ngoài trời đã xuống gần 0 độ C, anh Lù A Khua ở bản Tà Xùa C (xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) vẫn phải xỏ ủng, dắt chiếc xe máy lao ra khỏi nhà. Dụi đôi mắt kèm nhèm vì nhiều đêm đã thức trắng lo đốt lửa sưởi cho con bò, mấy con lợn cùng đám gà chuẩn bị bán Tết Nguyên đán, anh Khua mếu máo nói: “Tôi là hộ nhiều khó khăn nên mới được Nhà nước hỗ trợ con bò này trong năm 2017. Tôi chăm chút nó như chăm con để của mình vì đó là tài sản lớn nhất của gia đình tôi".
|
Con bò của hộ anh Lù A Khua (bản Tà Xùa C) vừa được Nhà nước hỗ trợ tháng 11.2017. Anh Khua mong muốn sẽ có cơ hội đổi đời từ con bò nhưng đến nay bò đã chết rét...ảnh: Kiều Thiện |
Rồi anh nói tiếp, vợ tôi cứ bảo phải cố cho nó ăn nhiều, lớn nhanh để sang năm nay nó đẻ cho mình con bê; rồi nhân tiếp lấy cả đàn thì chỉ 3-4 năm là thoát nghèo thôi. Ai ngờ trời lạnh quá, rét lại kéo dài nhiều ngày nên nó không chịu nổi. Khi nó chết, ai cũng bảo mổ ăn và để dành ăn tết luôn. Nhưng tôi nghĩ phải mang xuống thị trấn bán, gỡ gạc ít tiền để còn thêm vào mua con giống khác…”.
Lời tâm sự chưa dứt thì anh Khua đã rồ ga, khuất sau lớp sương mù và mưa bụi dày đặc đang đổ xuống gần 1 tuần nay khắp cả dải núi này. Tà Xùa là một phần của dãy Hoàng Liên, nơi đây có độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển nên thời tiết không khác gì các điểm cao khác của Lào Cai: Sa Pa, Ô Quy Hồ, Bắc Hà...
Từ đầu vụ rét đến nay, Tà Xùa luôn ở nhiệt độ cận âm. Tuy chưa đến mức đóng băng nhưng những chậu nước để ngoài trời qua đêm, sáng ra sờ vào mặt nước nghe thấy lạo xạo tiếng băng tan vỡ. Tất cả ngập chìm trong sương mù mịt, nhiều chỗ chỉ cách nhau vài ba mét là không thấy hình người, chỉ nghe thấy tiếng nói lào xào trong gió rít.
Bên bản Lồng C (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), gia đình chị Vàng Thị Rùa cũng đang chật vật chống rét cho đàn gia súc vừa trâu, bò, lợn và mấy chục con gà. Tất cả được quay kín trong một khu nhà chăn nuôi rộng mấy chục mét vuông. Khói từ khu chăn nuôi bốc lên nghi ngút.
Chỉ vào những bó cỏ tươi đang chất đầy ngoài sân, chị Rùa bảo: “Nước gần đóng băng mà vợ chồng tôi vẫn phải mặc áo mưa, đi ủng ra rừng cắt cỏ về cho trâu bò ăn. Bữa nào cũng phải thêm ít cháo gạo, cám ngô, đun nước ấm mà con nghé con và con bò mẹ 4 tuổi hôm nay mắt vẫn đổ dử, bỏ ăn. Tôi vừa phải gọi thú y đến kiểm tra và tiêm thuốc cho nó đấy. Nông dân nghèo mà chết mất trâu, bò thì giống như nhà có tang thôi...”.
Người cũng ốm theo đàn vật nuôi...
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều đợt không khí lạnh tăng cường, gây rét đậm, rét hại làm cho hơn 400 con gia súc bị chết rét, thiệt hại ước tính gần 7 tỷ đồng. Trong đó thiệt hại nhiều nhất là các huyện: Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông. |
Theo anh Vàng A Quý cùng ở bản Lồng C: “Mình ốm còn được chứ trâu, bò ốm là mình sẽ chết theo. Dân nghèo mà chết trâu, bò thì coi như sạt nghiệp. Những ngày rét thế này, có mổ bò ra, gọi người đến ăn giúp (mua thịt giúp nhau) cũng ít ai hưởng ứng vì có ai muốn ra ngoài đâu. Nếu mang xuống phố bán thì cũng bị ép giá, rất khổ. Năm trước tôi cũng bị chết trâu, bò rồi nên biết cái cảnh “khi đã đau tay mà chân lại chảy máu” như thế này”.
Bên cánh đồng hoa tươi và rau xanh ở xã Chiềng Xôm (TP.Sơn La), gia đình anh Trần Văn Sơn đang chật vật “bàn mưu tính kế” bảo vệ vườn hoa hồng hơn 3ha trước cái rét mỗi ngày một sâu.
Anh Sơn bảo: “Làm nông nghiệp như chúng tôi khổ lắm. Con trâu, bò chết thì có khi còn được Nhà nước hỗ trợ; rau, hoa tuy khó chết nhưng thực ra nông dân chúng tôi đang chết đấy. Hoa hồng nhà tôi bấm cành tính lấy lứa hoa tết từ ngày 23 tháng Chạp, nhưng đến giờ bông mới nhú như đầu ngón tay út. Cứ đà này chắc sau tết vườn hồng mới có hoa, coi như 3 tháng không có thu và mất 2 tháng phục hồi cây nữa. Làm nông nghiệp mà mất tới nửa năm thì lỗ nặng rồi”.
Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Tây Bắc thì đến ngày 5.2, số gia súc bị thiệt hại trong 2 đợt rét vừa qua đã lên tới gần 3.000 con; trong đó riêng tỉnh Sơn La qua 2 đợt rét vừa qua đã có 630 con gia súc, gia cầm bị chết (455 con trâu, bò, ngựa, 41 con nai, cừu, dê và 134 con gia cầm).
Số gia súc chết rét tập trung nhiều ở các huyện nhiều khó khăn: Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu, Quỳnh Nhai. Tổng giá trị thiệt hại của riêng tỉnh Sơn La đã hơn 7 tỷ đồng. Hiện thời tiết vẫn còn nhiều dấu hiệu cực đoan, các địa phương vùng Tây Bắc đang tăng cường nhiều đoàn công tác xuống cơ sở; đôn đốc, kiểm tra, hỗ trợ nông dân phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm, vật nuôi và cây trồng một cách quyết liệt.