Những năm gần đây nhu cầu sử dụng nghệ trong chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh tăng cao. Từ đó nghề trồng nghệ bắt đầu phát triển mạnh khắp cả nước.
Giá nghệ tươi cuối 2016 khoảng 6.000 - 10.000 đ/kg, đầu 2017 có lúc lên tới 16.000 đ/kg, sau khi chế biến thành tinh bột, giá bán lên đến 400.000 - 500.000 đ/kg tinh nghệ.
|
Bệnh thán thư hại nghệ tại Nghi Kiều, Nghi Lộc, Nghệ An |
Cây nghệ đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, cho nên từ trước đến nay quy mô trồng chủ yếu tận dụng những thửa đất nhỏ quanh nhà, phục vụ cho nhu cầu chế biến thực phẩm là chính thì năm nay nhiều hộ dân đã trồng quy mô lớn để sản xuất hàng hóa, khiến nhiều vùng diện tích nghệ tăng đột biến, như Tân Kỳ, Nghi Lộc… của Nghệ An; Krông Pắk và Ea Kar… của Đăk Lăk và nhiều tỉnh khác.
Trong năm nay, hầu hết các vùng trồng nghệ phải đối mặt với một dịch bệnh mới, đó là bệnh đốm rụi lá, bệnh gây hại nặng giai đoạn trước thu hoạch 2 - 3 tháng, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất cũng như chất lượng.
Cách đây gần 2 tháng, theo phản ánh của người dân Tân Kỳ, Nghệ An thì các xã trồng nhiều nghệ như Kỳ Tân, Nghĩa Dũng, Nghĩa Phúc, Đồng Văn… đều thấy xuất hiện bệnh này. Hiện các xã Nghi Kiều, Nghi Lâm… huyện Nghi Lộc; xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai của Nghệ An, bệnh đã phát triển nặng và gây cháy rụi nhiều thửa ruộng, nên một số nông dân phải thu hoạch sớm. Triệu chứng tương tự cũng được ghi nhận ở huyện Tân Châu, Tây Ninh…
Ở Tân Kỳ, triệu chứng ban đầu xuất hiện nhứng đốm chấm nhỏ, màu nâu, sau đó vết bệnh lan dần thành những vết hình tròn, xung quanh có quầng vàng, nhiều vết bệnh liên kết với nhau tạo thành vết bệnh lớn, gây khô cả phiến lá, trên thân, hoa cũng xuất hiện những triệu chứng tương tự. Bệnh nặng làm toàn bộ cây nghệ bị vàng, héo khô.
Do cây nghệ chỉ mới phát triển diện tích trong một vài năm gần đây, nên các dịch hại từ trước đến nay chưa được tìm hiểu, phổ biến. Khi xẩy ra bệnh, người dân cũng như các cơ quan khó đưa ra các biện pháp phòng trừ.
Bà Nguyễn Thị Đạo ở xóm 15A, xã Nghi Kiều, Nghi Lộc chia sẻ: “Chúng tôi không biết cây nghệ bị bệnh gì cả, từ đầu vụ đã nhiễm rồi nhưng nhẹ, chỉ gần đây mưa nhiều nên bệnh nặng hơn, gần đây xóm 17 và 18 là nơi làng nghề trồng nghệ bệnh cũng nặng lắm, vàng rụi mà không có thuốc chữa. Nay một số nhà phải thu hoạch sớm, sợ thối lây cả củ”.
Bệnh đốm lá, gây vàng lá, cháy lá nghệ theo chúng tôi quan sát, phân tích và nhận định đó là bệnh thán thư do nấm Colletotrichum capsici gây ra. Nó xuất hiện dưới dạng các đốm nâu, lúc đầu không có quầng vàng, khi các vết đốm lớn dần quầng vàng bắt đầu xuất hiện. Các đốm không đều, có kích cỡ khác nhau trên bề mặt lá, tâm vết bệnh màu nâu, xám hoặc xám nhạt, các đốm hình elip cũng được ghi nhận. Các vết bệnh liên kết với nhau, tạo thành vết đốm không đều có thể bao phủ toàn bộ lá, cuối cùng dẫn đến khô lá.
Đây cũng là loài nấm gây bệnh thán thư phổ biến trên ớt và nhiều loài cây trồng khác, bệnh lây lan nhờ gió, nước và các tiếp xúc khác. Khi cây nhiễm bệnh nặng gần như các biện pháp phòng trừ không hiệu quả, do các vết bệnh đã phá hủy các mô lá và nấm đã phát sinh bào tử.
Biện pháp phòng trừ: Dọn sạch tàn dư các cây bệnh, bao gồm cả lá, thân đã thối rũ gục xuống ruộng đưa đi tiêu hủy để giảm tích lũy nguồn bệnh; Không nên luân phiên với các cây trồng dễ nhiễm nấm gây bệnh này như ớt…; Đối với các ruộng vụ trước nhiễm bệnh, nên xử lý đất bằng vôi bột trước trồng tối thiểu 2 tuần; Cắt bỏ các lá vàng, khô hoặc đốm dày đặc trên lá do bệnh nặng, các lá vàng ở gốc mang ra khỏi ruộng tiêu hủy;
Tiến hành phòng trừ khi bệnh chớm xuất hiện các đốm nhỏ màu nâu chưa có quầng vàng, hoặc quầng vàng chưa rõ (lúc này chưa hình thành đĩa cành và chưa có bào tử phân sinh); Một số thuốc có thể áp dụng như Macozeb (Ridomil Gold 68 WG,…); Difenoconazole (Amistar Top 325 SC, Score 250 EC,…), Propineb (Antracol 70 WP,…).
|