Đà Nẵng: Nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Cổ Cò trắng tay vì cá chết
09:25 - 24/07/2017
(MTNT) – Mới đây, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Cổ Cò thuộc địa phận tại các phường Khuê Mỹ và Hòa Hải của quận Ngũ Hành Sơn lâm vào tình cảnh điêu đứng, đối mặt với nguy cơ thua lỗ trắng tay do hiện tượng cá bỗng nhiên chết hàng loạt. Chỉ sau một đêm, hàng chục tấn cá nuôi của các hộ dân đang chuẩn bị đến ngày thu hoạch thì nay bỗng dưng nổi chết trắng cả mặt sông.
|
Do cá lồng bè nuôi của các hộ dân đã gần đến thời gian cho thu hoạch nên thiệt hại là rất lớn |
Theo lãnh đạo của UBND phường Khuê Mỹ, hiện trên khu vực sông Cổ Cò đang có 31 hộ tham gia nuôi cá lồng bè, tương đương với 32 bè cá (khoảng 228 lồng nuôi); các loại thả nuôi chủ yếu là cá diêu hồng và cá dìa. Đa số bè nuôi của dân nằm ở địa bàn phường Khuê Mỹ, một số khác nằm trên địa phận của phường Hòa Hải.
Ông Nguyễn Văn Nuôi, người có 2 tấn cá nuôi lồng bè bị chết lần này đang vô cùng lo lắng vì trong suốt gần chục năm nuôi cá trên đoạn sông này, chưa bao giờ ông chứng kiến cảnh cá chết hàng loạt nhiều như vậy. Ông Nuôi cho biết: Gia đình đã phải tranh thủ bán gấp số cá còn đang thoi thóp cho người tới mua về chế biến và dùng làm thức ăn cho lợn. Ông khẳng định, nguyên nhân cá chết không phải do thức ăn bởi lẽ thức ăn cho cá được ông mua tại công ty có uy tín, có hóa đơn chứng từ đầy đủ.
Ông Từ Văn Mười ở phường Khuê Mỹ, một chủ lồng bè cá tại đây cho biết: Khoảng 3h sáng, khi ông ra thăm bè cá như mọi ngày thì phát hiện hàng loạt cá nuôi bị chết bất thường, nổi trắng cả mặt sông. Thiệt hại của gia đình ông khá lớn vì có 5 bè nuôi cá, số cá bị chết vào khoảng 8 tấn. Do đã gần đến thời gian cho thu hoạch nên đa số các loại cá diêu hồng, cá dìa của gia đình ông thả nuôi đều đạt trọng lượng khoảng trên dưới 1 kg/con, thiệt hại gần 400 triệu đồng.
Còn ông Trần Phước Xin ở tổ 108, phường Hòa Quý, người cũng đã có hơn 3 năm sống với nghề nuôi cá lồng bè ở đây chua xót nói: Ông chưa bao giờ thấy tình trạng cá chết hàng loạt như thế này. Mặc dù cả gia đình đã tập trung hết sức, nỗ lực làm mọi cách để cứu cá như sục khí oxy để giúp cá thở nhưng số cá nuôi của ông cũng vẫn bị chết hết cả, không còn một con nào. Ông Xin cho biết, gia đình đã thiệt hại mất 10 tấn cá diêu hồng do đã chết trắng ở cả 5 lồng nuôi.
Theo các chủ bè ở đây cho biết, đa số họ đều đã tham gia nuôi cá lồng từ lâu nên tương đối có kinh nghiệm; một lứa cá nuôi trong khoảng hơn 6 tháng là bắt đầu cho thu hoạch và có thể được xuất bán cho các thương lái. Trước đây, các bè nuôi đóng ở khu vực của phường Hòa Cường Nam, sau nhiều lần di dời thì hiện đã tạm dừng để tập trung nuôi cá. Thế nhưng, từ rất nhiều năm nuôi cá, họ chưa bao giờ thấy cá bị chết hàng loạt và với số lượng chết nhiều tới vậy.
Tuy nhiên, điều lạ là hiện tượng cá chết hàng loạt như trên chỉ xảy ra đối với 11 hộ gia đình nằm ở mé trong của khu vực sông Cổ Cò, còn từ mé ngoài sông trở ra, các lồng cá khác không có hiện tượng gì. Người dân cho hay tình trạng bất thường này diễn ra quá nhanh và đột ngột bởi chỉ sau một đêm là cá chết đồng loạt và nổi dày đặc trên mặt nước khiến 11 hộ nuôi mất trắng, không kịp cứu vãn. Thậm chí, trong khoảng thời gian chỉ từ buổi sáng tới chiều, số cá bị nổi trên sông đã bắt đầu quá trình phân hủy mạnh, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm không khí và nguồn nước sông.
Theo báo cáo nhanh của UBND quận Ngũ Hành Sơn, tổng số hộ chịu thiệt hại nặng về kinh tế là 11 hộ, tương ứng với 11 bè cá (65 lồng nuôi). Số lượng cá chết bị thiệt hại ước tính khoảng 60 tấn; trong đó có 20 tấn cá đã chết hẳn bao gồm: Cá diêu hồng (chiếm 90%), còn lại là cá nâu, cá dìa. Số cá này đều đã không sử dụng được, người dân buộc phải thu gom, đưa lên bờ mang đi tiêu hủy. Cá biệt, gia đình có cá chết nhiều nhất lên đến hơn 10 tấn cá.
Người dân nuôi cá tính toán cho biết, bình thường cá diêu hồng bán với giá trên thị trường khoảng 40.000 đồng/kg, cá dìa giá 150.000 đồng/kg. Do đó, với số lượng cá chết nhiều như vậy, mỗi hộ ước tính sơ sơ cũng đã thiệt hại khoảng từ 350 - 500 triệu đồng.
Ngay sau khi có thông tin về cá chết xảy ra trên địa bàn, lãnh đạo UBND quận cùng các ngành chức năng đã xuống hiện trường để kịp thời động viên, chia sẻ với các hộ dân. Trước mắt, UBND quận hỗ trợ xe để vận chuyển số cá chết đưa lên khu vực bãi rác Khánh Sơn tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định; người dân không được đem cá đi chôn hoặc tự ý tiêu hủy để tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường. Lãnh đạo quận cũng đưa ra khuyến cáo đối với bà con nông dân cần di chuyển các lồng bè cá đến vùng nước có dòng chảy để tránh lây lan; đối với số cá đã lớn, nên tiến hành cho thu hoạch sớm để tránh xảy ra thiệt hại thêm nữa.
Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, bà Nguyễn Thị Anh Thi cho biết: Sau khi thống kê, quận cũng đã gửi báo cáo lên lãnh đạo thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp & PTNT để xin ý kiến chỉ đạo; đồng thời quan tâm xem xét, hỗ trợ cho bà con nuôi cá lồng bè có cá chết nhằm giảm bớt khó khăn, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Nguyên nhân dẫn đến việc cá chết hàng loạt trên các bè nuôi như hiện nay vẫn chưa xác định được. UBND quận đã phối hợp cùng với Chi cục Thủy Sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến ngư Nông lâm thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Kỹ thuật môi trường thuộc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố tiến hành lấy mẫu nước và mẫu cá để xét nghiệm nguyên nhân. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, các ngành chức năng sẽ tổ chức công bố chính thức.
Đặt nghi vấn về nguyên nhân cá chết hoàng loạt, người dân ở đây đều cho rằng ở khu vực gần với các lồng bè nuôi cá có một cống xả nước thải của nhà máy xử lý nước thải quận Ngũ Hành Sơn. Vào những ngày gần đây, cống đã xả ra dòng nước đen với mùi rất khó chịu. Nhiều người nuôi cá cho rằng chính nguồn nước ô nhiễm này đã khiến cá của các hộ dân bị chết. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thể kết luận đây có phải nguyên nhân chính khiến cá chết hay không vì còn phải chờ các kết quả kiểm nghiệm mẫu nước từ cơ quan chức năng.
Thu Huyền