Thái Lan giảm diện tích trồng lúa, tác động như thế nào lên giá gạo Việt?
10:41 - 16/08/2023
Hiện có 3 nước trồng lúa nhiều nhất trên thế giới là Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan. Nếu 3 nước này có sự điều chỉnh về diện tích sẽ đều có tác động đến giá lúa gạo.
 

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về thông tin Thái Lan giảm diện tích trồng lúa trong bối cảnh giá gạo thế giới đang tăng việc này liệu có đi ngược xu hướng, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho hay, Thái Lan giảm diện tích trồng lúa chúng tôi mới đọc trên thông tin từ báo chí trong nước dẫn nguồn tin từ báo chí Thái Lan đưa ra còn nguồn tin chính thức thì chưa có. Tuy nhiên, theo tôi nhận đinh thì năm nay do ảnh hưởng của tình hình El Nino, Thái Lan giảm diện tích trồng lúa để giảm tiêu thụ nước."Hiện chỉ có 3 nước trồng lúa nhiều nhất trên thế giới là Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan. Rõ ràng, nếu 3 nước này có sự điều chỉnh về sản lượng hay diện tích trồng lúa sẽ đều có tác động đến giá lúa trong nước và giá gạo xuất khẩu", ông Nguyễn Như Cường cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Cường, Việt Nam ứng phó với tình trạng El Nino tốt hơn. Bởi lẽ, năm 2015 – 2016, lần đầu tiên chúng ta đối diện với tình trạng El Nino và có những sự lúng túng. Năm 2019 - 2020, tình trạng El Nino được đánh giá mạnh hơn giai đoạn năm 2015 – 2016, nhưng tổng thiệt hại chỉ 60 nghìn ha, trong đó, không có diện tích nào bị mất trắng (chỉ thiệt hại chỉ 30 – 50%). Căn cứ của tác động El Nino năm 2015 – 2016 sẽ là nền để Cục xây dựng phương án, kế hoạch đối phó với tình trạng El Nino.

Dự kiến, El Nino có thể bắt đầu tác động từ khoảng tháng 10/2023. Như vậy, sản xuất lúa gạo năm nay về cơ bản sẽ an toàn. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân 2023 – 2024 và năm 2024, sẽ có những tác động của tình hình của El Nino đến sản xuất.

Trước ý kiến cho rằng vấn đề gạo đang “nóng”, ông Nguyễn Như Cường cho rằng, chúng ta cần đối diện một cách bình thường, việc báo chí đưa nhiều sẽ tạo tâm lý tăng giá gạo nội địa. Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa xuất khẩu của cả nước. Giá gạo trong nước tăng nhẹ là do mặt bằng sàn chung của giá lúa tăng do giá gạo xuất khẩu tăng. Tuy nhiên, thực tế gạo tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh sẽ chịu tác động của giá lúa đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện, tất cả các vùng trồng lúa của Việt Nam về cơ bản đều cân bằng được an ninh lương thực, thậm chí còn dư và không chịu tác động này. “Miền Bắc chủ yếu ăn gạo Bắc, một số ăn gạo ST nhưng sản lượng không đáng bao nhiêu. Truyền thông về vấn đề xuất khẩu gạo nhiều những ngày qua khiến giá gạo trong nước tăng ở tất cả các miền”, ông Nguyễn Như Cương cho biết.

Trước đó, một số báo chí trong nước dẫn nguồn Báo Bangkok Post dẫn lời ông Surasri Kidtimonton, Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia Thái Lan, cho biết chính phủ đang khuyến khích người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cần ít nước hơn.

Nguyên nhân là vì lượng mưa tại miền trung Thái Lan đo được cho đến nay thấp hơn 40% so với mức thông thường. Trong khi đó, lượng nước tại các hồ dự trữ ở khu vực đã giảm còn 51%.

Tại khu vực này, nông dân gần như đã gieo trồng gần hết lúa. Những người chưa trồng lúa thì được khuyên nên trồng cây khác có khả năng chịu hạn. Chính phủ cũng khuyến cáo người dân chỉ trồng 1 vụ trong năm thay vì 2 vụ như thông thường.

Động thái này được cho là sẽ đe dọa nguồn cung gạo toàn cầu trong bối cảnh Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo. Thái Lan hiện là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, sau Ấn Độ.

Tại Việt Nam, theo số ước của liên Bộ, ước tính đến hết tháng 7 năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống, thị trường có FTA thế hệ mới. Cơ cấu chủng loại tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo.

Theo báo cáo ngày 2/8/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến năm 2023 cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022.

Hiện các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ Mùa và vụ Thu Đông năm 2023 và thu hoạch vụ Hè Thu năm 2023 (diện tích vụ Thu Đông tăng 50.000 ha lên mức 700.000 ha).

Từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng thóc sẽ đảm bảo kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu thóc, gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng thóc dành cho xuất khẩu khoảng trên 15,1 triệu tấn tương đương trên 7,5 triệu tấn gạo.


 
Nguồn: Báo Công thương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :
Nông dân với chương trình môi trường nông thôn