Với ý chí, khát vọng khẳng định bản thân, nhiều bạn trẻ vùng miền núi Quảng Ngãi chọn những sản phẩm truyền thống địa phương để khởi sự kinh doanh, bước đầu gặt hái thành công. Kết quả đó góp phần khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp trong giới trẻ, chung tay thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo theo hướng bền vững.
|
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên, Phạm Thị Trầm giới thiệu sản phẩm nông sản đến người tiêu dùng |
Quảng Ngãi có 61 xã thuộc năm huyện miền núi và một số huyện đồng bằng là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với diện tích chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh. Đây là vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh với nhiều sản phẩm đặc thù địa phương để có thể tận dụng khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp thành công.
Đưa di sản thổ cẩm ra nước ngoài
Dù không theo học trường lớp thiết kế, hội họa nào, nhưng qua bàn tay tài hoa, khéo léo của mình, nghệ nhân trẻ tuổi Phạm Thị Y Hòa (dân tộc Hrê, ở làng Teng, xã Ba Thành, huyện miền núi Ba Tơ) đã dệt nên những sản phẩm thổ cẩm có hoa văn độc đáo, mang đậm nét đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc Hrê.
Ngoài việc tự học hỏi, tự vẽ, tự thiết kế trang phục cách tân trên nền hoa văn truyền thống được quảng bá rộng rãi trong nước, Y Hòa còn nung nấu ý tưởng táo bạo, đưa sản phẩm thổ cẩm làng Teng, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ra nước ngoài. Cuối năm 2021, đầu năm 2022, lần đầu những trang phục được thiết kế từ thổ cẩm làng Teng được các người mẫu hàng đầu của Việt Nam và thế giới trình diễn tại sàn diễn thời trang ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất).
Các trang phục này do chính bàn tay tài hoa Y Hòa hợp tác với hai nhà thiết kế nổi tiếng là Lý Quý Khánh và Chula sáng tạo nên. Để hoàn thành bảy sản phẩm tham dự sự kiện với tỷ lệ hoa văn chiếm 50%, Y Hòa phải mất gần hai tháng tỉ mỉ, kỳ công sáng tạo, phối hợp giữa sợi chỉ và sợi kim tuyến dệt nên những sản phẩm thổ cẩm kết hợp độc đáo giữa hiện đại và truyền thống đặc sắc dân tộc Hrê.
Lần đầu thổ cẩm làng Teng của người Hrê ở huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) được xuất hiện ở một chương trình thời trang quốc tế, niềm vui trong tôi thật khó diễn tả. Đây là niềm vinh dự, tự hào và là động lực to lớn đối với tôi, với những người dệt thổ cẩm ở làng Teng -Y Hòa
Với nỗ lực thêu dệt nên ước mơ cho riêng mình, đồng thời mong muốn góp phần mang lại giá trị kinh tế cho các hộ gia đình làm nghề dệt ở làng Teng, Y Hòa huy động thêm bảy thành viên là các mẹ, các chị ở làng cùng tham gia. Mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 1.000 sản phẩm các loại.
Nâng giá trị nông sản vùng cao
Quê ở thị trấn Trà Xuân, huyện miền núi Trà Bồng, chị Ao Thị Như Ý là thạc sĩ sinh học thực nghiệm, còn chồng là anh Đỗ Văn Thảo có kinh nghiệm 5 năm làm việc tại các cơ sở sản xuất giống đông trùng hạ thảo ở Hàn Quốc. Giữa năm 2022, hai vợ chồng trẻ thành lập Cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo núi Cà Đam với số vốn đầu tư ban đầu hơn 300 triệu đồng.
Lâu nay, nấm đông trùng hạ thảo được nuôi cấy trên giá thể gạo và một số dưỡng chất khác. Song, vợ chồng Ý và Thảo lại sử dụng gạo lứt lúa rẫy của đồng bào Co để làm giá thể nuôi trồng. Ý tưởng này đã đoạt giải ba Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi năm 2022.
Nói về ý tưởng độc đáo này, chị Ao Thị Như Ý chia sẻ, vợ chồng tôi chọn gạo lứt lúa rẫy để làm giá thể, vì qua nghiên cứu thì vitamin B1 trong gạo lứt lúa rẫy tốt hơn so với gạo thường. Qua đó, góp phần nâng cao sản lượng lúa rẫy của đồng bào Co và bảo tồn một loại đặc sản của quê hương, tạo nguồn thu nhập cho bà con.
Tại cơ sở của vợ chồng chị Như Ý, nấm đông trùng hạ thảo được nuôi trồng theo quy trình khép kín và nghiêm ngặt từ tỷ lệ phối trộn đến công đoạn hấp, cấy phôi và nuôi dưỡng. Phôi giống được mua từ Viện Nghiên cứu sinh học ứng dụng. Hiện, cơ sở của vợ chồng Ý và Thảo đang nuôi 1.000 hũ nấm đông trùng hạ thảo, với tỷ lệ thành công 70-80%; thị trường tiêu thụ chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ngãi.
Khát vọng làm giàu và mong muốn đem các loại nông sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng, cuối năm 2019, chị Phạm Thị Trầm đứng ra thành lập Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên (huyện miền núi Sơn Tây). Hơn ba năm qua, Giám đốc Phạm Thị Trầm đã liên kết với bảy hộ dân trồng khoảng 15 ha hoa quả, trong đó có 3 ha ổi và 12 ha bưởi da xanh.
Chính sự liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong có thu nhập từ cây ăn trái. Ông Đinh Văn Thiều ở xã Sơn Liên cho biết, ngày trước diện tích đất người dân đều trồng sắn, thu nhập rất bấp bênh do dịch bệnh. Từ khi liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Sơn Liên chuyển qua trồng cây ăn trái, người dân rất phấn khởi vì có thu nhập ổn định.
Ngoài trồng ổi và bưởi da xanh, Hợp tác xã Sơn Liên còn sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng của miền núi Sơn Tây như thu gom chuối rừng với các thành viên là những cựu chiến binh trẻ ở địa phương và chế biến măng khô, chuối rừng, hạt mắc-ca…
Kinh doanh phát triển, số xã viên và số vốn điều lệ của Hợp tác xã Sơn Liên tăng dần qua các năm. Thời điểm hiện tại, hợp tác xã có 45 thành viên, với vốn điều lệ hơn hai tỷ đồng.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, chị Phạm Thị Trầm cho biết, thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục liên kết với người nông dân để mở rộng diện tích sản xuất nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào; đồng thời tranh thủ các nguồn hỗ trợ ưu đãi để đầu tư máy móc, thiết bị, tiến tới chế biến nhiều loại sản phẩm tại địa phương, tạo đa dạng các sản phẩm khi đưa ra thị trường.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện các dự án khởi nghiệp ở khu vực này còn chưa phát triển như kỳ vọng. Dẫu vậy, với những thành công bước đầu của ba mô hình nêu trên là tiền đề quan trọng góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Từ đó, xây dựng nhiều hơn nữa những “vườn ươm” khởi nghiệp, các mô hình sản xuất mới, tạo sự kết nối giữa các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng, phong phú để ngày càng có nhiều dự án khởi nghiệp thành hiện thực, tiến tới hình thành nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi hoạt động hiệu quả trong thời gian tới; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước.
“Với các bạn trẻ, trước khi bước vào con đường khởi nghiệp, hãy chuẩn bị cho mình đầy đủ nhất về kiến thức, kỹ năng, cũng như bản lĩnh và tinh thần để khởi nghiệp, kể cả sẵn sàng đối đầu với những thất bại. Các bạn cần học hỏi từ những người đi trước và sẽ có nhiều anh chị doanh nhân sẵn lòng trao đổi, hỗ trợ và đồng hành cùng các bạn”, đồng chí Võ Phiên cho biết.
Tỉnh Quảng Ngãi xác định việc phát huy vai trò, tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của các bạn thanh niên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là rất quan trọng. Chính vì vậy, giữa tháng 4 vừa qua, Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp đầu tiên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm 30 thành viên đến từ năm huyện miền núi của tỉnh chính thức ra mắt. Câu lạc bộ là nơi thu hút, tập hợp thanh niên, tạo điều kiện giúp đoàn viên, thanh niên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát huy sức trẻ, sự sáng tạo trong phát triển kinh tế và chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau có những mô hình khởi nghiệp thành công.