Hưng Yên được coi như “kinh đô” của cây nhãn ở Việt Nam. Nhãn lồng Hưng Yên là thương hiệu nổi tiếng, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất sang nhiều nước.
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, Hưng Yên đã, đang và tiếp tục thay đổi phương pháp sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ sau thu hoạch, giúp trái nhãn mang lại giá trị cao hơn.
Tiềm năng lớn
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu trái nhãn đạt hơn 14 triệu USD, tăng gần 2,5 lần so với năm 2022. Nhãn là loại trái cây có mức tăng trưởng xuất khẩu lớn thứ hai trong năm 2023, sau sầu riêng. Trong đó, Trung Quốc, Australia, Thái Lan, Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… là những nước “chuộng” trái nhãn Việt nhất.
Với đà tăng trưởng mạnh như hiện nay, xuất khẩu nhãn kỳ vọng đạt 16-20 triệu USD năm nay. Đánh giá về tiềm năng của quả nhãn, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhãn Việt Nam và có nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Do đó, nếu tận dụng được lợi thế và nâng cao tiêu chuẩn với hàng xuất khẩu, quả nhãn của Việt Nam sẽ ngày càng thu hẹp khoảng cách với nhãn Thái Lan tại thị trường hơn tỷ dân này.
Mặc dù nhãn của Việt Nam được các thị trường nước ngoài đón nhận, nhưng để vào được những thị trường “khó tính”, trái nhãn cũng phải đáp ứng chuẩn các quy định của nước nhập khẩu.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam đã xuất khẩu nhãn tươi vào các thị trường có thứ hạng cao như Australia, Hoa Kỳ... Đáp ứng các quy định của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu theo quy trình đáp ứng yêu cầu chất lượng, xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật đáp ứng điều kiện nhập khẩu hoa quả tươi; trước khi xuất khẩu được xử lý theo các biện pháp phù hợp đảm bảo không có côn trùng.
“Điều này đồng nghĩa với việc trái nhãn tươi xuất khẩu của Việt Nam đã được công nhận có chất lượng cao, khẳng định được thương hiệu “trái cây Việt” và hoàn toàn có thể tự tin lưu thông ở nhiều thị trường khó tính khác”, ông Phú khẳng định.
Nhãn hiện nằm trong top 5 cây ăn quả có diện tích lớn nhất nước với hơn 80.000ha, sản lượng bình quân khoảng 600 ngàn tấn/năm. Hưng Yên được mệnh danh là “kinh đô” nhãn của cả nước, hiện có gần 5.000ha , trong đó, diện tích nhãn chín sớm chiếm 5 - 7%, được trồng ở các huyện: Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động và thành phố Hưng Yên. Năm nay, sản lượng nhãn chín sớm ước đạt khoảng 5 nghìn tấn.
Nhà vườn Hưng Yên trồng 50 nguồn gen nhãn, trong đó trên 40 nguồn gen có nguồn gốc bản địa, giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao. Những năm qua, nhãn Hưng Yên không chỉ được tiêu thụ trong nước với số lượng lớn, mà còn được xuất sang nhiềunước, thu về nguồn ngoại tệ không hề nhỏ.
Xây dựng vùng sản xuất nhãn theo hướng hữu cơ
Để nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, Hưng Yên đã xây dựng vùng sản xuất nhãn theo hướng VietGAP, hữu cơ. Đây chính là hướng đi bền vững cho quả nhãn đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, cho biết, với phương châm “chất lượng sẽ làm nên thương hiệu”, từ khi thành lập, HTX tập trung vào phát triển cây nhãn trên diện tích 30 ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Đáng chú ý, năm 2020, sản phẩm nhãn tươi của HTX là đơn vị đầu tiên của Hưng Yên được xuất sang thị trường EU, đây không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trách nhiệm của mỗi thành viên trong việc giữ “thương hiệu” cho quả nhãn tươi Quyết Thắng.
Từ năm 2014, nông dân xã Hàm Tử (Khoái Châu) đã cùng nhau thành lập HTX nhãn Miền Thiết. Từ đây, các hộ trong HTX cùng nhau thực hiện quy trình trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 300ha nhằm đưa loại đặc sản này đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho hay, tỉnh có khoảng 1.700ha sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, chiếm khoảng 34% diện tích nhãn toàn tỉnh. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách; xây dựng các đề án, mô hình phát triển nông nghiệp sạch theo hướng VietGAP, hữu cơ.
Riêng thành phố Hưng Yên có hơn 500ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó có gần 10ha nhãn nâng cấp từ quy trình VietGAP sang canh tác theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, thành phố cũng có hơn 10 điểm trồng nhãn được cấp mã số vùng trồng OTAS (tiêu chuẩn có khả năng truy xuất và xác thực nguồn gốc trên cơ sở xuôi dòng và ngược dòng các sản phẩm).
Chế biến sau thu hoạch và liên kết để nâng cao giá trị nhãn
Một trong những phương pháp làm gia tăng giá trị của nhãn là chế biến các sản phẩm từ nhãn. Hưng Yên hiện có khoảng 400 hộ làm nghề sản xuất, chế biến long nhãn, tập trung ở thành phố Hưng Yên và các huyện: Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động... Nghề chế biến long nhãn không chỉ tạo việc làm thời vụ cho lao động nông thôn mà còn giúp giảm áp lực tiêu thụ nhãn quả tươi, đa dạng các sản phẩm chế biến từ nhãn, nâng cao hiệu quả canh tác nhãn.
Anh Đặng Văn Ứng ở thôn Đống Lương, xã Hiệp Cường (Kim Động) gắn bó hơn 20 năm với nghề làm long nhãn. Trung bình mỗi mùa nhãn, gia đình anh xuất bán hơn 10 tấn long nhãn. Anh Ứng chia sẻ, để bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào, anh thường xuyên thu mua nhãn của người dân trong xã và các địa phương trong tỉnh để chế biến.
HTX nhãn Miền Thiết đã và đang tập trung phát triển, đưa sản phẩm long nhãn tham gia Chương trình OCOP nhằm khẳng định chất lượng, thương hiệu cũng như mở rộng đầu ra theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Năm 2022, sản phẩm long nhãn của HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, góp phần đưa thương hiệu long nhãn Hưng Yên vươn xa.
Còn tại xã Bình Kiều, nhà vườn đã chủ động liên kết với nhau để tiêu thụ nhãn hiệu quả. Ngoài tiêu thụ qua chợ truyền thống, chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử, chủ động liên hệ, tìm kiếm mối liên kết để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và người dân.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho biết, cùng với áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào thâm canh để tăng năng suất, chất lượng nhãn quả, hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nhãn lồng được tỉnh, các địa phương chú trọng. Qua đó, nhãn lồng Hưng Yên đã được nhiều doanh nghiệp, siêu thị tìm đến ký kết tiêu thụ.
Đến nay, thị trường tiêu thụ nhãn được tiêu thụ qua nhiều kênh như hàng quà tặng, các siêu thị, cửa hàng rau quả sạch, chợ ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh... và xuất sang một số nước.
Theo ông Tráng, để quảng bá, nâng tầm thương hiệu nhãn Hưng Yên, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức các phiên chợ, hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối giao thương, đã mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn quả tươi đến các địa phương trong cả nước và nước ngoài. Cùng đó, các sàn thương mại điện tử Voso, Lazada, Shopee, Sendo, ViettelPost, VNPTPost… đã tích cực cùng các hợp tác, nhà vườn đưa sản phẩm nhãn lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ với sản lượng lớn.
Thay lời kết
Qua những ngày tìm hiểu về sản xuất, kinh doanh trái nhãn của Hưng Yên, tác giả nhận thấy, hiện chúng ta đang đẩy mạnh gắn kết du lịch nông nghiệp, nông thôn, với kinh tế vườn. Làm tốt việc này cũng là đưa “chợ về vườn”, “xuất khẩu tại chỗ” đối với chính vụ và cũng cần đẩy mạnh đầu tư chế biến để có hàng hóa phục vụ du khách khi hết vụ trái tươi.