|
Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam gợi mở 6 vấn đề tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Ảnh: Tuệ Linh |
Trong thời đại Hồ Chí Minh, trên con sông Đà dữ dội và hùng vĩ, địa danh Hoà Bình gắn liền với công trình thế kỷ Thuỷ điện Hoà Bình, là niềm tự hào của cả nước. Người Hoà Bình có truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; có tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng cao, giàu lòng nhân ái; kiên cường, bất khuất trong đánh giặc giữ nước và nay là xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong nhiệm kỳ qua, trước ảnh hưởng, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới; những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, giá cả vật tư nông nghiệp biến động tăng cao; nhất là khó khăn, tổn thất lớn do đại dịch Covid-19, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ tỉnh; sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền tỉnh Hoà Bình, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể; đặc biệt là sự chủ động, nỗ lực cố gắng của cán bộ, hội viên, nông dân, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Hoà Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Các cấp Hội có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tích cực hưởng ứng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua của nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã; tích cực tham gia phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau"; tham gia thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19...
Thông qua việc tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào, Hội Nông dân đã phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, khơi dậy các tiềm năng, tạo động lực và bước phát triển trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng Hội Nông dân ngày càng vững mạnh.
Công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Hội có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ Hội và chất lượng hoạt động của các cơ sở Hội được nâng lên; đã tập trung triển khai các giải pháp để phát triển hội viên, quản lý, nâng cao chất lượng hội viên nông dân, củng cố tổ chức cơ sở Hội thông qua việc chỉ đạo xây dựng các chi Hội, tổ Hội nông dân nghề nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả sinh hoạt chi Hội, tổ Hội; hoạt động Hội từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên nông dân.
Các cấp Hội của tỉnh đã tăng cường tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, xây dựng các đề án, dự án tạo nguồn lực đồng hành, hỗ trợ để giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh khóa X và của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam giao đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Từ thực tiễn của phong trào đã xuất hiện nhiều tổ chức Hội xuất sắc, nhiều cán bộ Hội tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với công tác Hội và phong trào nông dân; nhiều hội viên nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh và các phong trào thi đua yêu nước được biểu dương, tôn vinh; nhiều cách làm mới, nhất là mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả được nhân rộng.
Nổi bật là: Nguồn vốn Quỹ HTND tăng 24,776 tỷ đồng (đạt 247,8% chỉ tiêu); dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 1.124 tỷ đồng, Ngân hàng NN&PTNT đạt trên 2.591 tỷ đồng. Hỗ trợ cung ứng 17.920 tấn vật tư nông nghiệp, tổng trị giá trên 504 tỷ đồng. Các cấp Hội phối hợp mở 227 lớp cho 6.314 hội viên. Trong 5 năm qua có 345.830 lượt hộ đăng ký, trong đó có 181.933 lượt hộ được công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Hiện nay, tỉnh đã có 123 sản phẩm OCOP, trong đó có 24 sản phẩm đạt 4 sao; 99 sản phẩm đạt 3 sao; hỗ trợ hội viên nông dân đưa 2.976 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; 284 sản phẩm sàn voso.vn.
Trong nhiệm kỳ đã hỗ trợ thành lập mới 72 hợp tác xã với 586 thành viên, 329 tổ hợp tác với 4.973 thành viên, nâng tổng số đến nay là 226 hợp tác xã với 1.876 thành viên; 492 tổ hợp tác với 5.182 thành viên.
Các cấp Hội trong tỉnh đã vận động đóng góp trên 19,4 tỷ đồng; hiến 213.470 m2 đất; 372.252 ngày công lao động; làm mới, sửa chữa 1.760km đường giao thông; sửa chữa, kiên cố hóa 5.920km kênh mương nội đồng; làm mới, sửa chữa 459 cầu cống. Đã vận động được 28.915 ngày công và 4,6 tỷ đồng tiền vốn, phối hợp giúp đỡ 8.635 hộ thoát nghèo; đóng góp xây dựng 89 nhà "Mái ấm nông dân"; phối hợp xây dựng 40 nhà "Đại đoàn kết" trị giá trên 1,2 tỷ đồng.
Những kết quả trong công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Hoà Bình nhiệm kỳ qua khẳng định hoạt động của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả; đóng góp tích cực, quan trọng vào thành tựu chung của công tác Hội và phong trào nông dân cả nước, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển KT-XH của tỉnh.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích trong công tác Hội và phong trào nông dân mà Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Nhiều vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân cần giải quyết
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Lương Quốc Đoàn nói: Tuy đã đạt được những thành tựu đáng phấn khởi nêu trên nhưng trước mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời kỳ hội nhập thì ngoài những kết quả đã đạt được trong thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân cả nước nói chung và Hoà Bình nói riêng chúng ta cần góp phần giải quyết một số hạn chế sau đây.
Trong khi nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế quốc dân nhưng đời sống của cư dân nông thôn nhất là vùng đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, kết quả xóa đói giảm nghèo ở nông thôn chưa bền vững; Chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn còn thấp, phần lớn nông dân chưa được đào tạo nghề, năng suất lao động thấp, tỷ lệ thiếu việc làm cao; do đó, vai trò chủ thể, trách nhiệm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới chưa được phát huy đầy đủ.
Trong quan hệ sản xuất, người nông dân luôn đứng ở vị trí yếu thế, hầu như chưa được đưa ra các quyết định trong chuỗi sản xuất. Trong khi thách thức trong sản xuất nông nghiệp là rất gay gắt, mức độ rủi ro cao, ngoài những rủi ro như lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh... thì những năm qua, giá các loại vật tư đầu vào cho nông nghiệp tăng nhanh hơn giá nông sản gây nhiều khó khăn cho nông dân trong việc bảo đảm cuộc sống và mở rộng sản xuất.
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đổi mới cách thức sản xuất trong nông dân còn chậm, năng suất, chất lượng, giá trị nhiều mặt hàng nông sản còn thấp; "liên kết 4 nhà" chưa chặt chẽ; tỷ lệ cơ giới hóa, khoa học hóa trong sản xuất và chế biến nông sản còn thấp; xu thế gia công trong nông nghiệp ngày càng rõ; phát triển nông thôn thiếu quy hoạch; kết cấu hạ tầng kinh tế còn nhiều hạn chế, môi trường ngày càng ô nhiễm; dự báo thị trường và thiên tai còn nhiều bất cập.
Các vấn đề: Việc làm và thu nhập; đất đai, dân chủ ở cơ sở và đạo đức phong cách, thái độ làm việc của một số cán bộ... có lúc, có nơi đã gây tâm lý bức xúc cho người nông dân.
Vấn đề chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa hiện đang là thách thức lớn nhất trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn nhìn chung vẫn là nhỏ lẻ, thiếu tính quy hoạch; hợp tác, liên kết trong chuỗi sản xuất còn rời rạc dễ đứt gãy, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa.
Việc sản xuất còn tự phát, nông dân không đủ năng lực dự báo thị trường dẫn đến tình trạng được mùa, rớt giá. Chất lượng, mẫu mã nông sản không đồng đều, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường... đang là những cản trở lớn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Những vấn đề đó là tình trạng chung của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta cần quan tâm tham gia giải quyết, trong đó có tỉnh Hoà Bình.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn đánh giá, Báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình khóa X trình Đại hội đã lĩnh hội, quán triệt toàn diện những tư tưởng, quan điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Báo cáo cũng đã đánh giá đúng tình hình, tổng kết sâu sắc thực tiễn, thống nhất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực trong nhiệm kỳ tới. Qua phóng sự và ý kiến tham luận đã minh chứng làm rõ hơn.
Gợi mở 6 vấn đề thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, tổ chức Hội Nông dân
Chủ tịch Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã gợi mở 6 vấn đề để Đại hội xem xét, thảo luận, quyết định:
Thứ nhất:
Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền vận động, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, của Hội Nông dân Việt Nam đến với đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân một cách thiết thực, hiệu quả nhất; khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; xây dựng gia đình văn hoá, tham gia xây dựng làng, thôn, bản văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc và bảo vệ môi trường nông thôn; đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của tỉnh.
Chủ động nêu cao cảnh giác trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, đặc biệt là lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, dân chủ, nhân quyền; thu hồi đền bù, giải phóng mặt bằng để kích động, lôi kéo chia rẽ trong nội bộ nông dân, đồng bào dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Công tác tuyên truyền, vận động không chỉ thông qua các buổi họp, buổi tập huấn mà cần phải thông qua việc tổ chức các phong trào, các hoạt động thiết thực mang lại lợi ích thiết thực, chính đáng cho hội viên, nông dân.
Thứ hai:
Tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hoạt động, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đảm bảo đủ số lượng, có năng lực về chuyên môn, bản lĩnh chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới, quan tâm đến đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở, chi Hội.
Đổi mới phương pháp tập hợp hội viên trên cơ sở lấy lợi ích chính đáng và giải quyết những khó khăn, bức xúc của nông dân làm nội dung hoạt động của Hội. Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông qua việc tập trung củng cố tổ Hội nông dân nghề nghiệp, chi Hội nông dân nghề nghiệp đã có; đẩy mạnh xây dựng tổ Hội nông dân nghề nghiệp, chi Hội nông dân nghề nghiệp mới.
Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng tập hợp, đoàn kết, vận động hội viên, nông dân trong tình hình mới; không ngừng củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy từ tỉnh xuống cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thứ 3:
Tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp tổ chức các Phong trào thi đua yêu nước; trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Các cấp Hội Nông dân cần tranh thủ những lợi thế của tỉnh, tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào; thể hiện rõ hơn vai trò của tổ chức Hội trong hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, nòng cốt là các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Các cấp Hội cần có trách nhiệm trong việc hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi duy trì, phát huy, phát triển mạnh hơn nữa thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ.
Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi phải là phong trào mũi nhọn, hàng đầu, cần thường xuyên tổ chức cho hội viên nông dân thăm quan học tập, trau dồi kinh nghiệm cách làm ăn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tổ chức Hội Nông dân các cấp phải trở thành cầu nối, tạo dựng niềm tin giữa những người nông dân, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với doanh nghiệp, với hợp tác xã, với nhà khoa học để tạo nên một mối liên kết bền vững trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh công tác truyền thông để nhân rộng và lan toả các điển hình tiên tiến. Các cấp Hội Nông dân cần phải tập hợp những hộ sản xuất kinh doanh giỏi làm nòng cốt, tập trung đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng để họ trở thành hạt nhân dẫn dắt thực hiện mục tiêu tri thức hoá nông dân, trở thành hạt nhân nòng cốt trong tham gia phát triển kinh tế nông thôn, tham gia phát triển kinh tế tập thể, trở thành các Chủ tịch Hội đồng quản trị, giám đốc hợp tác xã, hơn nữa là trở thành các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Thứ 4:
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần chủ động tăng cường và đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh.
Đó là tư vấn và trợ giúp pháp lý; hỗ trợ về vốn; hỗ trợ dạy nghề, bồi dưỡng nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật; chuyển đổi số trong nông nghiệp; tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học để làm chủ một số loại giống cây, con chủ lực; về kết nối, hỗ trợ vật tư đầu vào; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ kết nối, xây dựng mối liên kết bền vững, hiệu quả giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp góp phần xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; sản xuất theo tín hiệu thị trường, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, xây dựng, phát triển và gìn giữ thương hiệu sản phẩm, thị trường tiêu thụ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới; củng cố liên minh công nhân, nông dân, trí thức thông qua các hoạt động liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh.
Xây dựng được nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân để phát triển vùng nguyên liệu, tăng chế biến tinh, tạo ra những vùng nguyên liệu lớn, sản phẩm chủ lực có chất lượng cao phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.
Chú trọng đào tạo nghề, bồi dưỡng nghề cho hội viên, nông dân theo hướng đào tạo những nghề thiết thực, phù hợp với thị trường lao động và thực tiễn địa phương; đào tạo theo thực tế sản xuất, theo hình thức "cầm tay chỉ việc", theo mô hình "nông dân dạy nông dân"; cần nâng cao năng lực, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân trong hoạt động hỗ trợ nông dân.
Thứ 5:
Các cấp Hội trong tỉnh cần tích cực, chủ động thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, làm cầu nối quan trọng giữa Đảng, nhà nước với nông dân. Trong đó, tập trung giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi các cấp Hội trong tỉnh phải nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông thôn; đời sống, tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị chính đáng của nông dân, phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với nông dân, hiểu nông dân và vì nông dân; những vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách ở địa phương để có cơ sở và chủ động trong tham mưu, đề xuất xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách; các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thực hiện tốt Luật dân chủ ở cơ sở, tích cực phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành chức năng để tham gia hoà giải, giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện của nông dân ngay từ cơ sở, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nông dân. Đại diện cho nông dân để xử lý những vấn đề phát sinh khi quyền lợi ích hợp pháp của nông dân bị xâm phạm.
Thứ 6:
Hội Nông dân tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành phần kinh tế; tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền.
Đề cao sự đóng góp của cá nhân, các Ủy viên Ban Chấp hành, nhất là các ủy viên là đại diện các sở, ban, ngành, các doanh nhân, HTX trong việc lãnh đạo công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ tới.
Ban Chấp hành khóa mới mà Đại hội đã bầu phải không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất, trí tuệ, hoạt động hăng hái hơn, chủ động hơn và sáng tạo hơn để khẳng định rõ hơn vai trò của Hội Nông dân tỉnh trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Để Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình khóa mới thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn đề nghị các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các huyện, thành phố tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa để công tác Hội và phong trào nông dân Hoà Bình phát triển mạnh mẽ, đóng góp chung vào kết quả công tác Hội và phong trào nông dân cả nước...
Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cùng với Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh "phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và Miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước".
|