|
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc Hội nghị |
Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN Phạm Tiến Nam; các Phó Chủ tịch: Đinh Khắc Đính, Bùi Thị Thơm, Nguyễn Xuân Định, Cao Xuân Thu Vân. Cùng dự có đại diện các ban Đảng Trung ương, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành, Chủ tịch Hội ND các tỉnh, thành phố trong cả nước; các đồng chí Trưởng, Phó các Ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội.
Trong hai ngày (12 và 13/8) diễn ra Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN tập trung thảo luận và quyết định một số nội dung quan trọng gồm: (1) Sơ kết công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; (2) Giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 14, nhiệm kỳ 2026-2031; (3) Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN khóa VII trình Đại hội VIII; (4) Dự thảo Điều lệ Hội NDVN (sửa đổi, bổ sung); (5) Dự thảo Đề án Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN khóa VIII, nhiệm kỳ 2023- 2028; (6) Dự thảo Đề án Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN khóa VIII, nhiệm kỳ 2023- 2028 và một số nội dung khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn đánh giá: Sáu tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh bị ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, dư âm hậu quả đại dịch Covid-19... Cùng với đó, những vấn đề về giá cả vật tư nông nghiệp không ổn định, duy trì ở mức cao; tiêu thụ một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn đã có những tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của hội viên, nông dân, gây nhiều khó khăn trong hoạt động của Hội ND các cấp. Trong bối cảnh đó, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN, các cấp Hội và cán bộ, hội viên, nông dân trong cả nước đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đáng chú ý, các cấp Hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành Đại hội Hội ND cấp cơ sở và cấp huyện; đến nay, có 9/63 Hội ND cấp tỉnh tổ chức thành công Đại hội...
“Kết quả công tác Hội và phong trào nông dân đã trực tiếp góp phần vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và đất nước, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người nông dân”- Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Người đứng đầu Hội NDVN Lương Quốc Đoàn cho biết: Công tác xây dựng tổ chức Hội được chú trọng, củng cố; chất lượng hội viên, chất lượng sinh hoạt chi, tổ Hội được nâng lên theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn với các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Các phong trào thi đua do Hội phát động, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao về chất lượng, có sức lan tỏa, lôi cuốn hội viên, nông dân tham gia. Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đóng vai trò hạt nhân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cũng thẳng thắn nhìn nhận, đề cập đến những thách thức, khó khăn mà các cấp Hội hiện đang phải đối mặt như: Giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi không ổn định, tăng cao; trong khi đó, giá một số nông sản, nhất là thịt lợn hơi, gia cầm thấp, tiêu thụ khó khăn đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sinh kế, việc làm, thu nhập của người nông dân; thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nông dân.
Bên cạnh đó, một bộ phận lao động nông thôn đi làm công nhân ở thành phố, đô thị bị mất việc làm quay trở về quê. Từ đó dẫn đến nhiều khó khăn, phức tạp về việc làm, đời sống, an sinh xã hội ở địa bàn nông thôn.
Hoạt động tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ cho nông dân ở một số nơi còn thụ động, chưa chủ động, tích cực, còn trông chờ vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Việc tổ chức các hoạt động dịch vụ, khai thác cơ sở vật chất của Trung tâm Hỗ trợ nông dân ở một số tỉnh, thành Hội hiệu quả còn thấp, chưa phát huy hết công năng của công trình.
|
Các đại biểu dự họp Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 11 khoá VII (nhiệm kỳ 2018-2023) để bàn và quyết định nhiều nội dung quan trọng |
Vì vậy, Hội nghị cần tập trung thảo luận sâu, đánh giá khách quan, phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; những khó khăn, bất cập trong tổ chức, triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội và phong trào nông dân năm 2023. Thảo luận, thống nhất nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm; nhất là công tác tổ chức Đại hội Hội ND cấp tỉnh và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII nhiệm kỳ 2023- 2028.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Lương Quốc Đoàn đã gợi mở một số nội dung trọng tâm để các đại biểu chia thành 5 tổ thảo luận cùng tham gia nghiên cứu, phát huy trí tuệ, đóng góp những ý kiến thật tâm huyết, xác đáng. Cụ thể gồm:
Một là, đối với dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN khóa VII trình Đại hội VIII, cần tham gia đóng góp ý kiến vào 3 vấn đề:
Thứ nhất, về tiêu đề báo cáo chính trị.
Thứ hai, về chỉ tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ 2023 – 2028.
Thứ ba, về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá.
Hai là, về dự thảo Điều lệ Hội NDVN (sửa đổi, bổ sung), đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào 4 nội dung: Khái niệm Hội NDVN trong phần "Những vấn đề cơ bản về Hội Nông dân Việt Nam"; về đối tượng và điều kiện trở thành hội viên (Điều 3, chương II); chi Hội, tổ Hội (điều 13, điều 15 chương IV); Ủy ban Kiểm tra của Hội (Điều 18).
Ba là, về dự thảo Đề án Ban Chấp hành; Đề án Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN khóa VIII, nhiệm kỳ 2023- 2028, đại biểu cho ý kiến về tiêu chuẩn và về số lượng, cơ cấu.
Bốn là, về kết quả công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
“Kỳ họp lần này sẽ thảo luận và quyết định những nội dung quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với công tác Hội và phong trào nông dân trong 5 năm tới; đặc biệt chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo các văn kiện, quy trình nhân sự để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VIII nhiệm kỳ 2023- 2028. Vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí phát huy tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp ý kiến sâu sắc để Hội nghị đạt kết quả cao”- Chủ tịch Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành đã bỏ phiếu, thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIV, nhiệm kỳ 2026-2031 theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Theo dự kiến, Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN khóa VIII sẽ có 113 đồng chí. Trong đó: Có 33 đồng chí ở cơ quan Trung ương Hội; 63 đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cùng các Ủy viên thuộc khối Bộ, ngành, đoàn thể, nhà khoa học và doanh nghiệp. Ban Chấp hành sẽ cơ cấu theo 3 độ tuổi (dưới 45; từ 45- 55; trên 55).
Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN khóa VIII dự kiến sẽ có 21 đồng chí; cơ cấu theo 3 độ tuổi để đảm bảo tính liên tục và kế thừa. |
Một số hình ảnh tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 11 khoá VII (nhiệm kỳ 2018-2023):
|
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NDVN Phạm Tiến Nam chủ trì phiên thảo luận của các đại biểu ở Tổ thảo luận số 1 |
|
Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Đinh Khắc Đính chủ trì thảo luận tại Tổ thảo luận số 2 |
|
Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm chủ trì thảo luận tại Tổ thảo luận số 3 |
|
Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Nguyễn Xuân Định chủ trì thảo luận tại Tổ thảo luận số 4 |
|
Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Cao Xuân Thu Vân chủ trì phiên thảo luận tại Tổ thảo luận số 5 |