Nghị quyết số 23-NQ/TW đặt ra mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành 5 tuyến cao tốc vùng Tây Nguyên: Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.
|
Một đoạn đường Hồ Chí Minh qua Đắk Nông. (Ảnh: Báo Đầu tư) |
Địa chất phức tạp, giá thành làm cao tốc sẽ rất cao
Sau cuộc thị sát, kiểm tra khu vực sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có ý kiến chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương ưu tiên triển khai sớm các tuyến cao tốc ở khu vực này nhằm phá thế độc đạo hiện hữu, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho Lâm Đồng và cả khu vực Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và triển khai các dự án phải đặc biệt lưu ý tính toán bảo đảm yêu cầu tiêu thoát nước, phòng chống sạt lở, thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Ngày 6/8, trao đổi với VietNamNet về chủ trương làm đường cao tốc vùng Tây Nguyên, PGS.TS. Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho biết, theo quy hoạch tuyến đường Hồ Chí Minh là nhánh thứ hai của đường bộ xuyên Việt, trải dài từ Bắc - Nam. “Trong đó, đoạn nào cao tốc, đoạn nào không cao tốc đã nằm trong quy hoạch rồi”, ông Tâm nói.
Theo ông Tâm, Tây Nguyên có địa hình, địa chất phức tạp, các hoạt động kiến tạo đứt gẫy nhiều. Bản thân vùng Đắk Nông xảy ra trượt, sạt, sự cố như vừa rồi còn nằm trên vùng chịu tác động của núi lửa.
“Đất bazan là tro của núi lửa, kém ổn định, cho nên tuyến nào làm được, tuyến nào không làm được cao tốc cũng cần có nghiên cứu đánh giá.
Về nguyên tắc cũng có thể khắc phục điều trên nhưng giá thành làm đường sẽ rất cao. Bằng chứng như ở Đồng bằng sông Cửu Long, nền đất yếu nhưng chúng ta cũng làm được đường cao tốc.
Vùng Tây Nguyên có địa chất đặc biệt, chúng ta cũng có thể làm nhưng giá thành là bao nhiêu và kết cấu như thế nào thì cần cân nhắc”, ông Tâm nhấn mạnh.PGS.TS. Doãn Minh Tâm cho biết, bất cứ công trình, dự án đầu tư nào cũng phải đảm bảo 2 yếu tố là kinh tế và kỹ thuật. Nếu làm một con đường quá đắt, hiệu quả kinh tế không cao, thu hồi vốn quá lâu,... sẽ ảnh hưởng đến bài toán đầu tư vốn cho các dự án khác.
“Tư vấn sẽ phải lập các báo cáo, các dự án xem tính khả thi đến đâu. Vì thế, theo tôi, cụ thể làm như thế nào thì các cơ quan chức năng phải chuẩn bị dự án và báo cáo với Phó Thủ tướng để tiếp tục có sự chỉ đạo thêm”, ông Tâm nêu quan điểm.
Ông Tâm phân tích, phá thế độc đạo không có nghĩa là chỉ làm đường cao tốc, có thể làm thêm những tuyến đường khác. Thế nhưng tuyến đường khác này có cấp, hạng bao nhiêu cũng phải căn cứ vào tư vấn đề xuất trên cơ sở chủ trương của cấp trên.
Đồng tình với quan điểm của PGS. TS Doãn Minh Tâm về xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây qua khu vực Tây Nguyên, một chuyên gia giao thông khác thông tin, hiện nay Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có mạng lưới cao tốc vùng này.
Với những tuyến cao tốc đã được đưa vào Nghị quyết, Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương cần thúc đẩy triển khai đúng tiến độ, đồng thời trình cấp có thẩm quyền khẩn trương tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện.
Các dự án cao tốc vùng Tây Nguyên
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành một số hạ tầng giao thông quan trọng.
Cụ thể, đến năm 2030 hoàn thành 5 tuyến cao tốc, gồm: Quy Nhơn - Pleiku, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương.
Đồng thời, nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Ngọc Hồi - Pleiku, Pleiku - Buôn Ma Thuột, Buôn Ma Thuột - Gia Nghĩa).
Hiện thực hóa Nghị quyết số 23, thời gian qua tỉnh Lâm Đồng quyết tâm đẩy nhanh hoàn tất các thủ tục để sớm khởi công dự án tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, trong đó đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương dự kiến khởi công vào tháng 9 tới.
Với dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 117,5km, tổng mức đầu tư gần 21.000 tỷ đồng. Dự án chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Trong đó, Dự án thành phần 1 có chiều dài 31,5km, do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản, khởi công tháng 6 vừa qua.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Dự án thành phần 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn, dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026, đưa vào khai thác toàn bộ dự án vào năm 2027.
Đối với cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, đã trình phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 6.
Trong khi đó, với tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, tại buổi làm việc với tỉnh Bình Định ngày 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bình Định cùng các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị, lập và triển khai dự án.