Đa dạng hóa các hình thức bảo vệ môi trường biển
10:59 - 05/04/2017
(MTNT) - Biển Việt Nam có diện tích hơn 1 triệu km2, gần 3.000 hòn đảo và tài nguyên sinh vật biển có trên 20 kiểu hệ sinh thái, với năng suất sinh học cao, tài nguyên lớn, là nơi cư trú của khoảng 11.000 loài, trong đó trên 2.000 loài cá, đặc biệt có mặt các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn.  
Chung tay bảo vệ môi trường biển góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững

Hiện tài nguyên sinh vật và các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo Việt Nam đã và đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường, khai thác hải sản hủy diệt, đô thị hóa, sử dụng thiếu quy hoạch bãi triều, nuôi trồng hải sản, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, a xít hóa đại dương, giao thông hàng hải. Bởi vậy, cần áp dụng nhiều cách tiếp cận để bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phục vụ phát triển kinh tế bền vững. 


Để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, phát triển bền vững đất nước, các nhà khoa học đã kiến nghị nhiều giải pháp. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Cư, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trước hết phải hoàn thiện khung thể chế quản lý biển. Theo đó, việc hoàn thiện pháp luật về biển cần được gắn kết với hệ thống quản lý môi trường biển mới, nhằm đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt, thúc đẩy công tác trao đổi thông tin và dữ liệu, đạt được hiệu quả cao trong công tác quy hoạch phát triển bền vững biển. 


Một trong những phương thức hiệu quả nhất bảo vệ môi trường sinh thái biển là xây dựng các khu bảo tồn biển theo quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cả nước, phấn đấu đến năm 2020 có thêm 41 khu bảo tồn biển. Nhưng để thiết lập và phát triển bền vững các khu bảo tồn là một bài toán nan giải. Chính vì thế, việc bảo vệ môi trường biển, bảo vệ đa dạng sinh học là vấn đề cấp bách cần được chú trọng hiện nay. 


Để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển có nguồn gốc từ biển và từ đất liền, phải ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng tại các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm và suy thoái nặng ở các lưu vực sông, các khu, cụm công nghiệp ven biển; đồng thời chú trọng công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với các hoạt động du lịch, hàng hải, khoan, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí, khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, thải đổ bùn nạo vét luồng giao thông thủy, công trình biển tại các tỉnh, thành phố có biển. 


Các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho rằng, phương thức quản lý nguồn lợi biển dựa trên cơ sở cộng đồng đã được áp dụng tại một số địa phương có biển như: Ninh Bình, Nam Định, Kiên Giang là phương thức hiệu quả, ít tốn kém để duy trì và quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học và đáp ứng các mục tiêu bảo tồn khác, cũng như nhu cầu sinh kế của con người. Thông qua mô hình này, cộng đồng địa phương ven biển được trao quyền cụ thể, có kiểm soát trong việc quản lý các nguồn lợi ven biển.


Bên cạnh việc xây dựng các công trình kỹ thuật, cơ sở hạ tầng như xây tường bảo vệ bờ biển, đê, kè sông, kè biển, xây dựng kênh mương kiểm soát lũ lụt để phòng tránh, giảm thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra, cần chú trọng các giải pháp sinh học, phi công trình như tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên ven biển nhằm tạo vùng đệm vững chắc, giúp giảm nhẹ thiệt hại, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho người dân ven biển. 


Để cộng đồng hiểu rõ và quan tâm hơn đến biển, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về chính sách, pháp luật liên quan đến khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển phải được chú ý đẩy mạnh. Mặt khác, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển, hợp tác quốc tế song phương và đa phương về biển, nhất là các lĩnh vực chủ yếu liên quan về khoa học kỹ thuật biển, điều tra biển, cứu nạn trên biển, phòng tránh thảm họa, đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực liên quan đến biển, cùng nhau hướng tới việc khai thác hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển bền vững trong khu vực và trên thế giới.


Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường biển được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, lực lượng và toàn dân, trên các nội dung chủ yếu như: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, địa phương, các thành phần kinh tế và toàn dân về quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên biển; chú trọng công tác phòng ngừa, ngăn chặn kết hợp với xử lý có hiệu quả ô nhiễm, cải thiện môi trường biển, vùng ven biển.
 

Tăng cường thực thi Luật Bảo vệ môi trường, nhất là đối với các hành vi hủy hoại môi trường biển. Tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý tổng hợp, thống nhất đối với biển và hải đảo, đảm bảo sự phát triển đa ngành, đa mục tiêu, đa lợi ích giữa Nhà nước, tư nhân, các bên liên quan và cộng đồng địa phương; hạn chế mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên - môi trường biển.


Chú trọng việc kiểm soát chặt chẽ môi trường biển, nhất là sử dụng các công cụ pháp lý liên quan trong kiểm soát, đánh giá tiêu chuẩn, tác động môi trường; quan trắc, cảnh báo xác định các “điểm nóng” môi trường hoặc ô nhiễm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Hồng Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn