Phát động người dân tiết kiệm năng lượng để bảo vệ môi trường
18:22 - 03/04/2017
(MTNT) - Tài nguyên thiên nhiên để tạo ra năng lượng không phải là một thứ tài sản vô hạn. Do đó, nếu con người không có ý thức và biết cách tiết kiệm tài nguyên sẽ chẳng có gì còn lại mãi mãi. Những năm qua, mặc dù Việt Nam được ưu ái hơn so với nhiều nước trên thế giới về nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá (đất, nước, khoáng sản…), song chúng ta cũng cần phải hết sức tiết kiệm vì các nguồn tài nguyên đó rất có thể sẽ sớm cạn kiệt trong nay mai.
Mỗi người cần có ý thức tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên để bảo vệ môi trường


 
Trước thực trạng môi trường có quá nhiều biến động như hiện nay đang đặt ra những nguy cơ bắt buộc loài người phải đối diện và khắc phục. Trong đó, tình trạng biến đổi khí hậu, sự thay đổi khôn lường của các hiện tượng thời tiết cực đoan đã và đang cướp đi của loài người nhiều thứ tốt đẹp.


 
Những năm gần đây, Việt Nam đã bị xếp vào 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong khi cả nhân loại đang lo lắng với sự biến đổi khí hậu một cách mạnh mẽ, khốc liệt gây ra thiên tai khắp nơi thì nước ta cũng đã nhiều lần phải đau xót vì tình trạng bão lũ liên tiếp xảy đến tại các tỉnh khu vực miền Trung, hay bất bình vì sự cố cá chết hàng loạt do môi trường bị hủy hoại ở nhiều vùng biển, sông, hồ trong cả nước…


 
Mặc dù chúng ta đã có nhiều chuyển biến trong việc tiết kiệm năng lượng, đồng thời cũng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, song những điều làm được vẫn còn quá ít. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều năm trở lại đây, vấn đề tiết kiệm năng lượng luôn được các cấp, các ngành quan tâm và đẩy mạnh bằng việc tuyên truyền, phủ sóng khắp mọi miền tổ quốc. Và cũng đã đến lúc, hành động tiết kiệm năng lượng cần phải trở thành một thói quen đối với mỗi người chúng ta. Điều đó đồng nghĩa với việc ở mọi lúc, mọi nơi, tất cả mọi người đều cần phải có ý thức trong việc tiết kiệm năng lượng.


 
Tiết kiệm năng lượng thực ra rất đơn giản, nó được thể hiện thông qua những hành động nhỏ như: Tắt tivi khi không sử dụng; tắt bớt một bóng điện trong trường hợp không cần thiết; đạp xe đi làm thay vì di chuyển bằng xe máy, ô tô để giảm bớt khí thải ra môi trường… Đối với nước ta, điểm nhấn hàng năm về việc tuyên truyền tiết kiệm năng lượng thường rơi vào đầu năm, khi chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam được khởi động bằng một chuỗi các sự kiện kéo dài trong khoảng 3 tháng.

 
Trong suốt 9 năm qua, cùng với các hoạt động chung của thế giới, cả nước ta đã tích cực hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất. Việc tiết kiệm năng lượng cũng chính là con đường ngắn nhất trong mọi thời điểm bởi nó giúp cho con người giảm bớt được ô nhiễm môi trường trong các quá trình sản xuất và sinh hoạt gây ra.

 
Đây là một sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). Đến nay, đã có tổng số 172 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 7.000 thành phố đã tham gia hưởng ứng chiến dịch. Có thể thấy, đây là một sự kiện xã hội lớn đối với từng quốc gia vì nó mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc: Góp phần nâng cao ý thức của mỗi người dân, của cộng đồng và toàn xã hội trong việc tiết kiệm năng lượng để bảo vệ môi trường.



Vừa qua, đồng loạt tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã cùng lúc tham gia hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất bằng hành động biểu trưng tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện trong vòng 1 giờ đồng hồ, tính từ thời điểm 20h30’ đến 21h30’ tối ngày 25/3/2017. Lễ tắt đèn chiếu sáng đã được tổ chức một cách quy mô, sôi động. Địa điểm chính diễn ra sự kiện tổ chức tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, phía trước Nhà hát lớn Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam và tiến hành đồng thời tại nhiều thành phố lớn khác trên cả nước. Đây là một trong nhiều hoạt động ý nghĩa của chiến dịch Giờ Trái đất năm 2017 với thông điệp "Tắt đèn - Bật tương lai".


 
Có thể thấy, Lễ Tắt đèn là sự kiện chính để kết nối thông điệp xuyên suốt về Giờ trái đất của năm nay. Thông qua những việc làm đó để tuyên truyền sâu rộng đến hơn 90 triệu dân trong cả nước về chiến dịch đầy ý nghĩa này. Trong suốt gần 1 tháng qua, đã có rất nhiều hoạt động sôi nổi được phát động và tổ chức trên cả nước như: Cam kết sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp, các hộ gia đình; giao lưu với các khối trường học; tổ chức đạp xe hưởng ứng chương trình với những chiếc áo, băng-rôn, khẩu hiệu mang thông điệp về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng...


 
Cũng cần phải hiểu rõ về Giờ Trái Đất không phải là một hoạt động để đo lường số năng lượng tiết kiệm được trong một giờ hàng năm. Đây là hoạt động mang ý nghĩa lớn vì đã tạo cảm hứng và góp phần giúp nâng cao nhận thức cho người dân về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, sự phát triển bền vững và chú ý vào những vấn đề đáng lo ngại mà trái đất của chúng ta đang phải đối mặt.

 
Số giờ tắt đèn sẽ không chỉ trong một giờ mà còn có thể nhiều hơn. Do đó, biểu tượng logo của Giờ Trái Đất là 60+ cũng mang ý nghĩa là khuyến khích mọi người có thể tắt đèn hưởng ứng sự kiện này nhiều hơn một giờ.


 
Được đánh giá là một trong những quốc gia hưởng ứng rất tích cực chiến dịch này, đồng thời chúng ta cũng đã ghi nhận số điện năng tiết kiệm được trên phạm vi cả nước cứ tăng dần lên qua từng năm. Việt Nam tham gia chiến dịch Giờ Trái đất lần đầu tiên vào năm 2009, phát động ở một số tỉnh, thành phố lớn và đã giúp tiết kiệm được khoảng 140.000 kWh. Đến năm 2013, chiến dịch này đã thu hút sự tham gia của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố, giúp tiết kiệm được 401.000 kWh; năm 2015 tiết kiệm được 520.000 kWh.

 
Cho đến năm 2016, lượng điện tiết kiệm được trong Giờ Trái đất đã cao hơn gấp 3 lần so với lần đầu tiên tham gia, tiết kiệm được 451.000 kWh. Và năm 2017 này, chỉ sau một giờ kêu gọi hưởng ứng tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết, hệ thống điện quốc gia cho biết đã tiết kiệm được 471.000 kWh, tương đương với giá trị khoảng 764 triệu đồng.

 
Mỗi hành động nhỏ sẽ mang đến ý nghĩa lớn để góp phần thay đổi nhận thức của cả cộng đồng về vấn đề bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu… Qua đó còn góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên tự nhiên của đất nước, không chỉ cho chúng ta hôm nay mà còn cho các thế hệ tương lai mãi sau này.
 

Mỗi 1 kWh điện tiết kiệm được sẽ giúp giảm bớt áp lực đầu tư về nguồn điện. Từ đó, ngành chức năng có thể dành năng lượng để tập trung cho các đầu tư trong tương lai hoặc những vùng chưa có điện trên đất nước ta.
 


Bảo vệ môi trường chính là kết quả của hành động tiết kiệm năng lượng. Đây là hành động không chỉ thể hiện nét đẹp văn hoá của con người mà cao hơn, đó là trách nhiệm trước cộng đồng xã hội, vì một môi trường sống thân thiện. Trách nhiệm của các nhà quản lý là ban hành chính sách để bảo vệ môi trường; trách nhiệm của doanh nghiệp là cam kết sản xuất không gây ảnh hưởng đến môi trường... Còn đối với đại đa số người dân, trách nhiệm chính là tiết kiệm bằng cả ý thức để bảo tồn năng lượng, gìn giữ môi trường xanh – sạch – đẹp cho mai sau.
 

 

Quý Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn