|
Ảnh minh họa |
Theo các nhà khoa học, có 17 chất dinh dưỡng khoáng thiết yếu đối với sinh trưởng và phát triển của cây trồng là đạm, lân, kali, canxi, magiê, lưu huỳnh, kẽm, đồng, sắt, bo, molipđen, mangan, clo, coban, vanadi, natri và silic. Ngoài ra, cây trồng còn cần đến các nguyên tố cácbon (C), hyđrô (H) và oxy (O), song các nguyên tố này rất sẵn trong không khí và nước nên các nhà khoa học không xếp chúng vào nhóm các chất dinh dưỡng thiết yếu.
Các chất dinh dưỡng cây trồng hấp thụ được đều có giá trị như nhau và quan trọng như nhau. Căn cứ vào số lượng chất dinh dưỡng cây trồng sử dụng, người ta có thể chia các nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu thành 3 nhóm chính là: nguyên tố dinh dưỡng đa lượng (đạm, lân, kali), trung lượng (canxi, magiê, lưu huỳnh), vi lượng (sắt, kẽm, đồng, bo, molipđen…).
Hàng vụ, hàng năm, ngoài lượng dinh dưỡng cây lấy đi thì chất dinh dưỡng còn bị mất đi theo nhiều con đường khác. Trong đó, một phần lớn là bị rửa trôi do nước và do gió, phần khác do trực di vì thành phần cơ giới và hàm lượng mùn trong đất suy giảm. Để giữ cho độ phì nhiêu của đất được ổn định thì ngoài việc sử dụng chế độ canh tác đúng, bổ sung chất dinh dưỡng, chất khoáng hàng năm cho đất theo nguyên tắc cây lấy đi bao nhiêu, ta bổ sung lại một lượng chất tương đương. Không thể bón nhiều một hai chất mà bỏ quên các chất khác hoặc bón quá nhiều chất này hay chất kia, điều đó sẽ làm cho hiệu suất sử dụng của chúng suy giảm, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả kinh tế cây trồng.
Viện Lúa quốc tế (IRRI), Tổ chức Nông lương quốc tế (FAO) và Ban lúa gạo quốc tế (IRC) tổng kết nếu bón phân đồng bộ, cân đối, hợp lý thì phân bón cho tăng năng suất cây trồng bình quân từ 35-40% (tư liệu FAO năm 1970). Trong khi khoa học lai tạo giống mới cây trồng tối đa cũng chỉ đạt trên 10%.
Tuy nhiên hiện nay ở nước ta tình trạng người nông dân sử dụng phân bón một cách lạm dụng, không tuân thủ quy trình kỹ thuật đã gây mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm đất, nước vùng nông thôn. Thống kê từ năm 1985 đến nay cho thấy, diện tích gieo trồng ở nước ta chỉ tăng khoảng 60% nhưng lượng phân bón tiêu thụ tăng tới 500%.
Việt Nam hiện sử dụng khoảng 10 triệu tấn phân bón các loại mỗi năm. Trong đó, phân đạm urê chiếm khoảng 19%, lân 18%, kali 9%, NPK 37%, DAP 9%, SA 8%. Ước tính dựa trên diện tích gieo trồng các cây trồng và liều lượng bón trung bình cho các cây trồng khác nhau thì lượng phân bón sử dụng cho cây lúa chiếm tới 68%, ngô 8,7%, cây công nghiệp 13,3%, rau quả 1,7%, cây trồng khác 7,6%. Tính trên đơn vị diện tích thì lượng phân bón sử dụng trung bình mỗi năm là 1000 kg/ha đất sản xuất nông nghiệp, 750 kg/ha diện tích gieo trồng.
Theo kết quả điều tra của FAO, hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45-50%. Kết quả điều tra của chuyên gia IRRI trong khuôn khổ hợp tác với Việt Nam cũng chỉ ra: trong sản xuất lúa gạo nông dân Việt Nam tiêu tốn phân bón và thuốc BVTV trên một đơn vị diện tích cao nhất thế giới. Số tiền bị lãng phí do mất đi mà nguyên nhân là do sử dụng phân bón không đúng và không cân đối hàng năm ước tính 1,5-1,7 tỷ USD.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón cho người nông dân, trước hết nước ta nên đầu tư nghiên cứu thử nghiệm các loại phân bón mới, phân bón chức năng được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới. Tiến sỹ Charlotte Hebebrand, Chủ tịch Hiệp hội phân bón thế giới đã nêu ra 4 nhóm phân bón phải ưu tiên phát triển thời gian tới là: phân bón phân giải chậm và điều khiển được; phân bón có chức năng ổn định; phân bón bổ sung vi lượng; phân bón lỏng, hòa tan phù hợp cho tưới và phân bón lá. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chiến lược mà Trung tâm nghiên cứu phát triển phân bón thế giới (IFDC) đã khởi động vào năm 2010 là phát triển "Phân bón thế hệ mới".
Hai là, ứng dụng công nghệ Nano, công nghệ đưa các chất điều tiết, chuyển hóa dinh dưỡng khi bón phân vào đất, như Agrotain, NEP 26… sản xuất đạm xanh, đạm vàng, NPK bọc agrotain, Nep… Với lân ứng dụng Avail nhằm điều tiết hiệu lực cao trên các loại đất, phân bón nhả chậm, urê viên to (2-3 g/viên) dùng cho bón dúi gốc.
Ba là, nghiên cứu gói kỹ thuật sử dụng phân bón phù hợp với đất, cây, mùa vụ và điều kiện thời tiết… Nhập khẩu thiết bị, công nghệ mới cho sản xuất phân bón. Lựa chọn nguồn nhập khẩu phân bón công nghệ cao, phân bón chức năng và phẩm cấp cao. Nghiên cứu chế tạo dụng cụ bón phân hợp lý, bón phân kết hợp chăm sóc, dúi phân sâu…
Bốn là, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khuyến cáo sử dụng phân bón. Hiện công nghệ thông tin đang được ứng dụng ngày một rộng rãi trong khuyến cáo sử dụng phân bón trên thế giới. Các phần mềm như Nutrient Manager, Crop Manager… trong đó chứa đựng các thông tin cơ bản về đất, yếu tố khí hậu, thời tiết, mùa vụ và các công cụ để nông dân đưa ra yêu cầu thông qua internet trên điện thoại, ipad, máy tính để lựa chọn công thức, chủng loại, liều lượng và tỉ lệ bón phù hợp cho mỗi thời kỳ sinh trưởng, trên từng loại đất và loại cây trồng để đạt năng suất, mục tiêu đã đề ra.
Năm là, khai thác tối đa và hiệu quả nguồn hữu cơ làm phân bón. Hiện nay, do áp lực thâm canh, thiếu hụt lao động nên nông dân đã quá lạm dụng phân vô cơ mà quên lãng phân hữu cơ. Một hệ canh tác chỉ bền vững, độ phì nhiêu đất được ổn định và cải thiện khi có sự hài hòa giữa hữu cơ và vô cơ.
Danh mục phân bón Việt Nam hiện có khoảng 5.000 loại, trong đó nhóm phân hữu cơ chế biến có 1.611 loại, gồm phân hữu cơ (61 loại), phân hữu cơ khoáng (600 loại), phân hữu cơ sinh học (400 loại), phân hữu cơ vi sinh (400 loại), phân vi sinh vật (150 loại), chưa kể các loại phân bón lá có nguồn gốc hữu cơ. Cả nước hiện có gần 500 cơ sở sản xuất phân hữu cơ với trình độ công nghệ khác nhau, quy mô từ vài ngàn tấn cho đến hàng trăm ngàn tấn/năm. Nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân hữu cơ rất phong phú, ngoài than bùn là nguồn nguyên liệu tập trung thì các loại nguyên liệu hữu cơ khác như phụ phế phẩm của ngành trồng trọt, ngành công nghiệp chế biến, rác thải đô thị… đều được khai thác tận dụng.
Sáu là, đối với nông dân và cán bộ cấp cơ sở, cần trang bị cho họ kiến thức tối thiểu để họ lựa chọn đúng loại phân bón, biết phân biệt phân bón giả, nhái nhãn mác cũng như biết sử dụng chúng hợp lý. Hệ thống khuyến nông cần thường xuyên cung cấp thông tin chính thống cho nông dân thông qua các phương tiện truyền thông.