Nuôi ong “du mục” để "nhả" ra thứ mật ngọt ngào, nữ nông dân Thủ đô thu tiền tỷ
Dựa vào đặc điểm khí hậu 4 mùa trong năm của các vùng mà di chuyển đàn ong đến để ăn phấn hoa, giúp ong “nhả” ra thứ mật ngọt, đậm chất thiên nhiên nhất. Đó là cách làm độc đáo nhưng cũng đầy gian nan của chị Chu Thị Vinh - chủ cơ sở ong mật Vinh Hoa (xã Đồng Thái, Ba Vì, Hà Nội).
"Sự kết hợp tuyệt vời từ thiên nhiên"
Trò chuyện với PV Báo NTNN, chị Chu Thị Vinh cho biết, gia đình chị đã có 20 năm trong nghề nuôi ong lấy mật. Chị thấy vùng đất Ba Vì có nhiều lợi thế, không khí trong lành, hoa trái 4 mùa và có hệ thống thực vật phong phú, rất thích hợp để nuôi ong.
|
Theo chị Vinh “nếu thời tiết thuận lợi, sản lượng khai thác mật ong ổn định, cơ sở có doanh thu khoảng 3 tỷ đồng”. Ảnh: M.N |
"Gửi đàn ong đến nơi mới thì phải tìm những địa điểm nhiều cây ăn trái và cây không được phun thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mật ong"- Chị Chu Thị Vinh
|
Chị Vinh tiết lộ, chồng chị cũng đang công tác Trung tâm Nghiên cứu ong (thuộc Viện Chăn nuôi). Từ những tiềm năng sẵn có của Ba Vì, vợ chồng chị đã quyết định đầu tư nuôi ong.
"Trong suốt gần 20 năm, cơ sở nuôi ong của chúng tôi đã phát triển đàn ong trên diện rộng. Hiện nay, cơ sở đang duy trì từ 600 đến 800 thùng ong, trong đó có trên 100 đàn ong nội còn lại chủ yếu là ong ngoại" - chị Vinh chia sẻ.
Sau nhiều năm nuôi ong, cũng như "học lỏm" được kinh nghiệm và kiến thức nuôi ong từ người chồng. Đến nay, chị Vinh đã có thể tự mình nắm rõ đặc tính và những biểu hiện bệnh của đàn ong, biết chúng cần gì trong từng mùa để nuôi ong đạt hiệu quả cao.
Năm 2014, với kỳ vọng mang đến những sản phẩm sạch, chất lượng từ mật ong trên thị trường, chị Vinh đã đăng ký sản xuất mật ong thiên nhiên theo tiêu chuẩn VietGAP đối với cơ sở ong mật Vinh Hoa.
Theo đó, để mật đạt chất lượng sạch, thơm, hàng năm, gia đình chị Vinh đã thực hiện nuôi ong theo từng mùa hoa. Vào mùa nhãn, vải, ong được nuôi ở khu vực huyện Ba Vì, Sơn Tây để ong có thể ăn hoa nhãn, vải ở khu vực này. Sau khi hết mùa nhãn, vải, đàn ong lại đưa sang tỉnh Phú Thọ để ăn mật keo. Đến mùa thu và mùa đông, đàn ong lại được di chuyển lên khu vực Mộc Châu (tỉnh Sơn La), nơi có nhiều vườn mơ, mận; nương ngô, cải...
Với cách nuôi ong công phu, hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, các sản phẩm từ mật ong thiên nhiên của gia đình chị Vinh được người tiêu dùng đánh giá cao. Chị Vinh cho biết, mỗi năm, cơ sở ong mật của chị xuất ra thị trường khoảng 60 đến 70 tấn mật. Tuy nhiên, đối với những năm thời tiết không thuận lợi, sản lượng mật giảm tương đối mạnh, chỉ khai thác được khoảng 10 tấn. "Đối với nghề nuôi ong mật, yếu tố thời tiết là rất quan trọng. Có năm, khí hậu ưu đãi, sản lượng khai thác mật lớn, doanh thu có thể lên tới 3 tỷ đồng" - chị Vinh cho hay.
Nâng tầm ong mật Vinh Hoa
Hiện nay, cơ sở ong mật Vinh Hoa đang sản xuất nhiều sản phẩm mật ong có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, với 11 loại như: Mật ong bánh tổ, mật ong thiên nhiên, mật ong hoa rừng, mật ong hoa nhãn, mật ong hoa vải, mật ong hoa bạc hà, mật ong sữa chúa, sữa ong chúa đông khô, sữa ong chúa tươi, phấn hoa, sáp ong...
Bên cạnh việc cung cấp sản phẩm cho một số đơn vị để làm dược phẩm, thuốc, cơ sở của gia đình chị Vinh còn cung cấp cho các công ty của Hàn Quốc và Nhật Bản để làm bánh gạo mật ong.
Theo chị Vinh, mỗi sản phẩm mật ong đều mang lại tác dụng riêng biệt. Đơn cử như mật ong sữa chúa có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, tăng hoạt động trí não, có tác dụng tốt đối với một số bệnh đường tiêu hóa, hô hấp, tiết niệu, sinh dục, thấp khớp...
Đối với mật ong bánh tổ lại có tác dụng dùng để chế biến thực phẩm, làm bánh kẹo, bánh dẻo, bánh nướng, mứt, kem, sữa chua, làm dăm bông... Loại mật này còn dùng trong mỹ phẩm, đắp mặt nạ, giữ cho da tươi tắn, mịn màng, đỡ nám..
Năm 2019, cơ sở ong mật của gia đình chị Vinh đã được TP.Hà Nội đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
"Tham gia Chương trình OCOP là cơ hội để cơ sở của chúng tôi tiếp cận, tìm được nhiều thị trường lớn, tiềm năng để hợp tác, tiêu thụ sản phẩm" - chị Vinh nói.