Tìm giải pháp phát triển bền vững mô hình nuôi tôm trong ruộng lúa
14:00 - 28/07/2020
(MTNT) – Trước thực trạng hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã liên kết với các nhà khoa học để nghiên cứu, đầu tư thử nghiệm một số mô hình sản xuất thông minh để thích ứng với tình hình và mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long đã mạnh dạn đầu tư thử nghiệm phát triển một số mô hình sản xuất thông minh giúp mang lại hiệu quả thiết thực

 
Theo đó, tại các tỉnh ven biển ĐBSCL hiện đã tập trung phát triển mạnh mô hình sản xuất kết hợp tôm – lúa; đây là vụ lúa được sản xuất luân canh trên nền đất nuôi tôm, thời vụ diễn ra khoảng từ tháng 8- 12 hàng năm. Từ những hiệu quả đạt được cho thấy, ngoài nguồn thu nhập chính là tôm - lúa, hiện bà con nông dân đã sáng tạo và dần nâng tầm mô hình tôm - lúa trở thành mô hình đa cây - đa con, giúp tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích.

 
Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản- Tổng cục Thủy sản đánh giá, những năm gần đây, hình thức nuôi tôm - lúa đang phát triển mạnh ở hầu hết các tỉnh, thành thuộc khu vực ĐBSCL. Qua thống kê cho thấy, toàn vùng hiện có khoảng 162.000 ha diện tích canh tác tôm – lúa, tạo ra sản phẩm tôm và lúa an toàn, có giá bán và lợi nhuận cao.

 
Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang với diện tích đạt hơn 83.400 ha; Cà Mau trên 80.000 ha; Bạc Liêu 40.000 ha; Sóc Trăng 7.500 ha... Bình quân năng suất tại các diện tích kết hợp nuôi tôm - lúa đạt khoảng 300- 500kg/ha tôm và 4- 7 tấn lúa; như vậy, đồng nghĩa với việc bà con nông dân đang có mức thu lãi trung bình từ 35- 50 triệu đồng/ha/năm (tính cả trên con tôm và cây lúa).

 
Thời điểm mùa khô năm 2019- 2020, tình trạng xâm nhập mặn ăn sâu vào đất liền với mức độ tàn phá nặng nề. Hiện tượng bất lợi này đang khiến cho tình hình sản xuất và sinh hoạt của bà con nông dân ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhiều nông dân đã tìm được cách thích ứng. Nhiều mô hình luân canh lúa và thủy sản đang được các địa phương tập trung đầu tư, triển khai mang lại hiệu quả.

 
Bạc Liêu là một trong những tỉnh trọng điểm ở khu vực ĐBSCL hiện đang phát triển khá mạnh mô hình xen canh lúa - tôm. Nhiều địa phương trong tỉnh cũng bắt đầu chuyển dịch việc tái cơ cấu sản xuất trên diện rộng theo hướng phát triển các mô hình nuôi thủy sản. Cụ thể, ngoài những mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, hiện trong tỉnh còn có các mô hình kết hợp nuôi tôm - lúa khác như: Tôm càng xanh xen lúa; luân canh tôm sú - lúa; mô hình tôm - rừng; nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến; nuôi kết hợp tôm - cua - cá…

 
Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 ha diện tích đang được áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh - lúa, tập trung chủ yếu ở vùng Bắc quốc lộ 1A gồm các huyện: Hồng Dân, Phước Long, thị xã Giá Rai… Bên cạnh đó, mô hình tôm sú - lúa có diện tích đạt khoảng 31.328 ha, đang cho năng suất tôm trung bình đạt 260 kg/ha và lúa từ 4- 4,5 tấn/ha. Các loại giống lúa được sử dụng chủ yếu như: OM 2517, OM 6677, OM 4900, AS 996, Một bụi đỏ... Lợi nhuận bình quân của các mô hình đạt khoảng 30- 45 triệu đồng/ha/vụ.

 
Tiêu biểu như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đông ở thị trấn Phước Long- huyện Phước Long, nhờ áp dụng mô hình kết hợp tôm- lúa trong nhiều năm qua đã giúp mang lại lợi nhuận cao. Hiện, trên diện tích 1 ha đất luân canh sản xuất kết hợp tôm- lúa, ông luôn đảm bảo tuân thủ đúng các điều kiện kỹ thuật của mô hình đặt ra như: Vụ tôm sú không tiến hành cấy lúa; đến vụ lúa sẽ kết hợp thả nuôi thêm tôm càng xanh. Nhờ đó, bình quân mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông khoảng 300 triệu đồng/năm.

 
Toàn huyện Thạnh Phú- tỉnh Bến Tre đang có hơn 7.000 ha diện tích đầu tư sản xuất theo mô hình xen canh tôm - lúa... mang lại giá trị và hiệu quả kinh tế cao. Người nông dân tham gia trồng lúa sạch, theo phương thức hữu cơ để bán được giá cao hơn; đồng thời, tận dụng toàn bộ nguồn rơm rạ sau thu hoạch để nuôi thủy sản. Trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp với tình trạng hạn mặn diễn biến gay gắt, đây là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả theo hướng bền vững.

 
Hợp tác xã lúa - tôm Thạnh Phú ra đời và hoạt động mang lại nhiều kết quả thiết thực khi tập trung hướng dẫn bà con nông dân đầu tư sản xuất lúa sạch đạt tiêu chuẩn Viet GAP trên diện tích 95 ha. Toàn bộ sản phẩm đầu ra đều đảm bảo tiêu chuẩn và đã được các cấp chính quyền cấp giấy chứng nhận cho nhãn hiệu “Lúa sạch Thạnh Phú”. Hiện bình quân mỗi năm bà con nông dân chỉ làm một vụ lúa còn sau đó thả nuôi một vụ tôm, tất cả đều nhằm đạt các tiêu chí bảo đảm sản phẩm làm ra sạch và hướng đến phát triển bền vững.

 
Qua tính toán từ các mùa vụ cụ thể, toàn bộ xã viên tham gia Hợp tác xã bình quân thu hoạch lúa đều đạt năng suất 5 tấn/ha, với giá bán từ 7.000 - 7.500 đồng/kg, lợi nhuận bình quân thu về khoảng 30 triệu đồng/ha; lợi nhuận do mô hình lúa - tôm đem lại ước đạt từ 70- 100 triệu đồng/ha. 

 
Điển hình như tấm gương nông dân sản xuất giỏi là hộ gia đình ông Đỗ Văn Phương ở xã Mỹ An- huyện Thạnh Phú. Sau khi thu hoạch xong 3 ha diện tích trồng lúa, ông tiến hành thả nuôi gối vụ ngay 35.000 con giống tôm càng xanh. Nhờ biết cách tận dụng và phát huy tối đa quá trình hỗ trợ cho nhau cùng phát triển của con tôm và cây lúa, nhiều năm qua, bình quân mô hình của gia đình ông đều mang lại nguồn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm.

 
Tại tỉnh Sóc Trăng, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên đất nuôi tôm những năm gần đây cũng đang phát triển khá mạnh, nhất là ở địa bàn ấp An Hòa, xã Gia Hòa 2- huyện Mỹ Xuyên. Đáng chú ý, từ hiệu quả đạt được của mô hình, 24 hộ nông dân trong ấp còn nâng cao về nhận thức, thay đổi cách làm theo hướng cùng nhau liên kết lại thành Tổ hợp tác Đoàn Kết để tổ chức sản xuất trên diện tích 14 ha, giúp các hộ gia tăng thu nhập.

 
Theo đó, khi áp dụng sản xuất theo mô hình, bà con nông dân được hưởng nhiều lợi ích rõ rệt, nhất là nhờ quá trình cải tạo môi trường đất đã giúp các nuôi vụ tôm đạt hiệu quả cao hơn. Mặt khác, bà con còn được một doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ 100% giống lúa ST24, bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra với mức giá ổn định, luôn đảm bảo cao hơn bên ngoài từ 1.500- 2.500 đồng/kg. Ngoài ra, còn được chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hỗ trợ 30% phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học…

 
Qua đánh giá cho thấy, mô hình giúp đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét khi năng suất lúa giữ ổn định ở mức 6 tấn/ha; lợi nhuận bình quân thu được gần 3 triệu đồng/ha khi đảm bảo đúng kỹ thuật và yêu cầu của việc canh tác lúa theo hướng hữu cơ, cao hơn so với mặt bằng chung tại các thửa ruộng không tham gia mô hình.

 
Tiêu biểu như hộ gia đình ông Phạm Thanh Quang- Tổ trưởng Tổ hợp tác Đoàn Kết, đồng thời cũng là 1 trong số các hộ dân tham gia thực hiện mô hình kết hợp xen canh lúa - tôm. Với diện tích canh tác khoảng 1 ha, ông đã tiến hành việc thả nuôi tôm thẻ vào thời điểm trước khi vụ gieo cấy lúa được canh tác. Nhờ chăm sóc tốt, đảm bảo đúng kỹ thuật được hướng dẫn, sau khoảng hơn 2 tháng nuôi, ông thu hoạch 600 kg tôm thẻ, mang về nguồn lợi nhuận hơn 56 triệu đồng. Từ mô hình tôm thẻ - trồng lúa hữu cơ, tổng nguồn thu nhập của gia đình ông Quang đạt gần 90 triệu đồng/năm.

 
Mô hình xen canh phát triển tôm - lúa mang lại hiệu quả, ít gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường. Nhờ vụ lúa đã giúp cải tạo đất, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho vụ tôm tiếp theo nên tôm nuôi sẽ mau lớn, ít gặp rủi ro về dịch bệnh. Ngoài ra, nhờ biết cách tận dụng tối đa nguồn thức ăn tự nhiên nên bà con nông dân đã tiết kiệm được chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận kinh tế. Bên cạnh đó, với hình thức thu tỉa thả bù, người nông dân còn hạn chế được rủi ro so với việc độc canh tôm.

 
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, mô hình tôm - lúa còn được bà con nông dân tích cực áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học - kỹ thuật, sản xuất từ 1 - 2 loại giống lúa chất lượng cao. Nông dân được đầu tư đầu vào, được bao tiêu sản phẩm đầu ra. Do đó, giá thành sản xuất giảm và giá lúa được bao tiêu luôn cao hơn giá bán tự do trên thị trường. Ngoài ra, các mô hình ruộng lúa bờ hoa, cánh đồng sinh thái kết hợp với mô hình tôm - lúa cũng đạt hiệu quả cao; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm lúa sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

 
Để phát triển bền vững mô hình xen canh tôm - lúa ở vùng ĐBSCL, các địa phương cần chủ động phát huy tốt các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội; đồng thời, cần phải phù hợp với quy hoạch phát triển tôm nước lợ vùng ĐBSCL trong năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

 
Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh việc tổ chức mô hình các Tổ hợp tác, Hợp tác xã vùng tôm – lúa. Qua đó, giúp hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; đồng thời thúc đẩy bà con nông dân mạnh dạn đầu tư áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới theo hướng VietGAP nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm nông sản.


 
http://danviet.vn/nha-nong/tha-tom-trong-ruong-lua-khong-so-han-man-loi-nhuan-gap-doi-1068925.html
http://www.baobaclieu.vn/nong-nghiep-nong-dan-nong-thon/phat-trien-mo-hinh-tom-sach-lua-an-toan-61891.html

Biên Cương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn