Trồng rong nho rủi ro ít, lợi nhuận cao
15:35 - 11/08/2020
 Nghề trồng rong nho đang được phường Ninh Hải, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) khuyến khích phát triển vì độ rủi ro ít, lợi nhuận cao.

Tuy nhiên để phát triển rong nho bền vững, địa phương này kiến nghị lên các cấp quan tâm hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết để có đầu ra ổn định hơn.
 

Theo UBND phường Ninh Hải, nghề trồng rong nho được địa phương này phát triển đầu tiên trên địa bàn tỉnh vào năm 2004. Những người tiên phong trồng rong nho ở đây phải kể đến hai anh em ông Lê Bền và Lê Nhứt, ở tổ dân phố Đông Hà. 
 

Từ 200 gram rong nho giống được đối tác Nhật mang sang, anh em ông này đã bắt đầu trồng thử nghiệm trên ao nuôi tôm bỏ hoang. Không ngờ, rong nho sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp điều kiện với môi trường tại địa phương. Nếu như năm 2004 diện tích rong nho chỉ vài ha, đến nay toàn phường đã trồng khoảng 20 ha.
 

Ông Trần Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hải đánh giá, thời gian qua mô hình nuôi trồng rong nho đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân so với đối tượng nuôi trồng thủy sản khác.
 

Chi phí đầu tư trồng rong nho ở mức thấp, trung bình mỗi ha trồng từ 5-10 tấn rong giống và mỗi tấn giống giá từ 3,5-4 triệu đồng. Song rủi ro ít, giá rong nguyên liệu thu mua ở mức trung bình từ 35-40 ngàn đ/kg, người dân lợi nhuận tương đối cao. Đặc biệt nghề này đã góp phần giải quyết nhiều công lao động.
 

“Từ khi thả giống đến khi thu hoạch mất từ 1-2 tháng. Trung bình 1 sào trồng rong nho cho lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng”, ông Tùng chia sẻ và cho biết thêm, mỗi lứa thu hoạch cách nhau khoảng 15-30 ngày và mỗi năm thu hoạch khoảng 10 lứa vì còn thời gian nghỉ và vệ sinh ao nuôi.

Anh Y Hiệp đang thu hoạch rong nho. Ảnh: KS

Chúng tôi đến tham quan cơ sở nuôi trồng rong nho với diện tích lên đến 4 ha ở tổ dân phố Đông Hà của gia đình anh Đặng Ngọc Thoại. Nhờ mô hình này mỗi năm anh Thoại kiếm khoảng 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho gần 30 lao động. Theo anh Thoại, nếu nuôi trồng rong nho với diện tích nhỏ, chú trọng đầu tư chăm sóc, mỗi sào người trồng có thể lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
 

Về điều kiện phù hợp giúp rong nho sống và phát triển, theo người trồng là ở các vùng biển ấm, nhiệt độ dao động từ 25 - 28 độ C và độ mặn từ 30/1000 đến 35/1000. Do đó, mỗi ao nuôi rong nho đều được dùng lưới lan để che nắng. Nguồn nước biển nuôi rong nho được kiểm tra và thay nước thường xuyên. Hiện nay phương pháp trồng rong dưới đáy nước được nhiều người dân áp dụng để cây rong mọc tự nhiên, không gò ép.
 

Anh Y Hiệp, một lao động làm nghề thu hoạch rong nho, cho biết, anh làm nghề này đã hơn năm nay, mỗi kg rong nho thu hoạch được chủ trả công 10.000 đồng. Mỗi ngày anh thu hoạch khoảng 4-5 tiếng kiếm 250.000 - 300.000 đồng. Vào thời điểm thu hoạch rộ, rong hút hàng mỗi lao động có thể kiếm được 400.000 - 500.000 đồng.
 

“Để thu hoạch rong nho, người lao động phải biết bơi, lặn ngụp và chiu được lạnh vì nhiều khi thu hoạch sáng sớm nước rất lạnh. Đối với tiêu chuẩn hái phải chọn rong kích thước từ 6-8 cm trở lên”, anh Y Hiệp chia sẻ.
 

Sau công đoạn thu hoạch, rong sẽ được đưa về xưởng chế biến làm sạch cơ học. Tại đây, các công nhân kiểm tra loại bỏ các tạp chất, cọng rong không đạt yêu cầu và cắt rong đúng quy cách.
 

Anh Thoại cho biết thêm, những cọng rong không đạt yêu cầu dưới 6 cm sẽ được giữ lại làm giống. Còn cọng rong đạt tiêu chuẩn sẽ tiếp tục nuôi trong bể từ 2 - 4 ngày để làm lành vết thương và đào thải ra các tạp chất bên trong (nếu có). Công đoạn cuối cùng là ly tâm ráo nước và đóng gói sản phẩm.
 

“Hiện gia đình tôi tung ra thị trường có 2 loại sản phẩm gồm rong tách nước và rong tươi. Ngoài đáp ứng thị trường trong nước, gia đình còn xuất rong sang thị trường Nhật và Mỹ”, anh Thoại chia sẻ.

Tiêu chuẩn rong nho xuất khẩu

Ông Lê Bền, Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín, cho biết, gia đình ông trồng 5ha rong nho và đầu tư hệ thống nhà xưởng rộng 350m2 để sơ chế và bảo quản rong nho. Hiện 80% sản phẩm rong nho của công ty ông được xuất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...

Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu công ty tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng cho đến thu hoạch, chế biến và đóng gói. Một sản phẩm hoàn thành khâu cuối cùng phải tuân thủ được 9 quy phạm về kỹ thuật (gọi tắt là GMP) và 9 quy phạm về ATTP (SSOP).

Bên cạnh đó, kích cỡ sợi rong, màu sắc (màu đặc trưng của rong), độ tươi, không gãy, không héo úa cũng được phải đáp ứng được tiêu chuẩn mà khách hàng đưa ra. Đặc biệt, sản phẩm phải được qua kiểm tra, phân tích đảm bảo không nhiễm các loại vi sinh gây hại cho cơ thể, không nhiễm kim loại độc hại…


Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn