Lũ tháng 8 ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có xu hướng tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp và gần như không ảnh hưởng tới lúa vụ hè thu và thu đông.
|
Lũ tháng 8 vẫn ở mức thấp nên hầu như không ảnh hưởng tới sản xuất lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Sơn Trang. |
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, số liệu của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế, cho hay, tại trạm Kratie, mực nước bình quân tháng 7 đạt 9,26 m, thấp hơn khoảng 5,16 m so với trung bình nhiều năm (TBNN) là 14,42 m. Đến ngày 31/7: mực nước tại Kratie đạt 9,23 m, thấp hơn 7,41 m so với TBNN (16,64 m); thấp hơn 2,24 m so với 2019 (11,47 m), và thấp hơn nhiều so với 2000, 2018 cùng kỳ.
Diễn biến mực nước Biển Hồ trong tháng 7 ở mức thấp và ít biến đổi. Đến ngày 31/7/2020 mực nước đạt 1,31 m, thấp hơn 3,19 m so với TBNN (4,5 m), thấp hơn 0,29 m so với năm 2019 (1,60 m), thấp hơn 1,08 m so với năm 2015 (2,39 m), thấp hơn nhiều so với năm 2000, và 2011.
Dung tích Biển Hồ trong tháng 7 ở mức thấp và ít biến đổi. Đến ngày 31/7/2020, dung tích đạt 0,8 tỷ m3, chỉ bằng 5% so với dung tích TBNN (1961-2019) cùng kỳ, bằng 56% so với năm 2019 (1,42 tỷ m3), bằng 19% so với năm 2015 (4,2 tỷ m3 ), thấp hơn nhiều so với năm 2000, và 2011.
Trong tháng 7, mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc ở mức thấp và biến động mạnh theo triều. Mực nước lớn nhất ngày 30/7 tại Tân Châu đạt 1,25 m, thấp hơn 1,16 m so với TBNN (2,41m), cao hơn 0,18 m so với năm 2019 (1,07 m), thấp hơn 0,26 m so với năm 2016 (1,51 m), thấp hơn 0,40 m so với năm 2015 (1,65 m).
Mực nước lớn nhất ngày 30/7 tại Châu Đốc đạt 1,37 m thấp hơn 0,63 m so với TBNN (2,00 m), cao hơn 0,26 m so với năm 2019 (1,11 m), thấp hơn 0,14 m so với năm 2016 (1,51 m), thấp hơn 0,22 m so với năm 2015 (1,59 m).
Kết quả giải đoán ảnh vệ tinh MODIS ngày 19/7/2020, cho thấy, chưa xảy ra ngập trên khu vực hạ lưu sông Mê Công. Một số khu vực thuộc các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang xuất hiện các điểm ngập nước là do nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven biển.
Theo kết quả dự báo của Trung tâm Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), chuẩn sai mưa dự báo trên lưu vực hạ lưu sông Mê Công trong tháng 8 hầu hết xấp xỉ và cao hơn TBNN. Mưa lớn hơn TBNN rõ rệt nhất ở khu vực Thượng Lào và một phần Trung Lào với chuẩn sai dương từ 0,5–1 mm/ngày, các khu vực khác xấp xỉ TBNN.
Triều tháng 8 được dự báo ở mức xấp xỉ TBNN, thấp hơn đỉnh triều tháng 8 của các năm 2018, 2019. Đỉnh triều cao nhất tại trạm Trần Đề đạt 1,80 m vào ngày 20/8.
Với diễn biến nguồn nước sông Mê Công, dự báo mưa, triều trong tháng 8, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam nhận định lũ tại Tân Châu, và Châu Đốc trong tháng 8 có xu thế tăng với cường suất trung bình từ 3–5 cm/ngày. Lũ tăng mạnh hơn vào nửa cuối tháng 8. Đến 31/8 mực nước lớn nhất dự báo đạt 2,6 m tại Tân Châu, và 2,1 m tại Châu Đốc.
Về lũ nội đồng, ở vùng Thượng ĐBSCL, mực nước lũ dự báo biến đổi từ 0,56–2,77 mm. Các huyện đầu nguồn phía trên như huyện An Phú, thị xã Tân Châu và huyện Phú Tân của tỉnh An Giang, huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự và huyện Tân Hồng của tỉnh Đồng Tháp, mực nước lớn nhất từ 1,5–2,77 m. Các khu vực ở phía dưới mực nước ở mức thấp dưới 1,5 m.
Ở vùng Giữa ĐBSCL, mực nước lũ ở mức thấp, và chịu tác động mạnh bởi thủy triều. Dự báo cuối tháng 8, mực nước lớn nhất biến đổi từ 0,52–1,80 m, mực nước cao biến đổi từ 1,0–1,8 m tập trung ở khu vực ven sông chính và giáp vùng Thượng, các khu vực phía dưới và xa sông chính mực nước phổ biến dưới mức 1,0 m.
Vùng Ven biển ĐBSCL, mực nước lũ ở mức thấp, và chịu tác động mạnh bởi thủy triều. Dự báo cuối tháng 8, mực nước lớn nhất biến đổi từ 0,47–1,80 m, mực nước cao biến đổi từ 0,8–1,8 m tập trung ở khu vực cửa sông chính và ven biển Đông, các khu vực ven biển Tây và sâu trong nội đồng mực nước thấp dưới 0,8 m.
Với mức lũ cuối tháng 8 ở mức thấp như nhận định ở trên thì hầu như không ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất lúa hè thu và thu đông.