Cùng với kỹ thuật chăm sóc không đúng cùng với biến đổi khí hậu đã khiến cho nền nông nghiệp Tây Nguyên thiếu bền vững nhất là cà phê và hồ tiêu.
Vậy giải pháp nào cho vấn đề này trong thời gian tới để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp nói chung, trong đó sản xuất cà phê, hồ tiêu nói riêng thực sự bền vững?
Về mặt quy hoạch
Trước hết, để quy hoạch mang tính thực tiễn và phục vụ cho sản xuất bền vững ngành hàng cà phê, hồ tiêu thì phải thay đổi quan điểm thực hiện. Quy hoạch vùng sản xuất phải gắn với quy hoạch thị trường và thực hiện theo phương thức có sự tham gia của người dân. Tư duy quy hoạch thị trường đi trước hoặc song hành với quy hoạch sản xuất ngành hàng. Cần phải quan tâm đến công tác quản lý quy hoạch để đạt được hiệu quả thực sự; gắn quy hoạch với vùng sản xuất nguyên liệu có truy nguyên nguồn gốc; mã số vùng trồng và thị trường. Kiên quyết chuyển một số diện tích đất trồng cà phê, hồ tiêu ở các vùng có điều kiện khí hậu bất thuận, sản xuất không hiệu quả sang trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn, nhu cầu nước ít hơn và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu như sắn, khoai lang, khoai môn…
Lồng ghép chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp. Nâng cao chất lượng dự báo về biến đổi khí hậu và tác động đối với phát triển cây công nghiệp. Quy hoạch phát triển các cây công nghiệp chủ lực nói chung của từng địa phương phải dựa vào kịch bản dự báo biến đổi khí hậu, vùng sinh thái gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các cơ sở chế biến. Đổi mới cách tiếp cận xây dựng chiến lược, quy hoạch dựa trên kết quả đầu ra, hiệu quả của ngành sản xuất.
Bảo vệ, phát triển rừng, siết chặt công tác quản lý rừng, đầu tư trồng rừng cũng như các dự án trồng cây xanh là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm trong thời gian tới góp phần quan trọng trong việc tái tạo nguồn nước, điều hòa khí hậu vùng Tây Nguyên.
Giải pháp khoa học công nghệ
Trong thời gian qua đã có nhiều kết quả nghiên cứu phục vụ cho sản xuất cà phê, hồ tiêu bền vững như nghiên cứu về giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại, công nghệ sau thu hoạch… Tuy nhiên các kết quả nghiên cứu trên mới chỉ được nông dân áp dụng mang tính đơn lẻ, thiếu đồng bộ nên hiệu quả mang lại chưa thật sự cao.
Do vậy, cần tái cấu trúc lại ngành sản xuất cà phê, hồ tiêu theo hướng sản xuất gắn với thị trường và nâng cao giá trị gia tăng. Quy hoạch thị trường ở đây cần nghiên cứu xác định rõ thị trường nào? Quy mô sản phẩm? Các yêu cầu về kỹ thuật, về chất lượng…? Từ đó xác định lại quy mô sản xuất, vùng trồng và các yêu cầu về kỹ thuật, về an toàn vệ sinh thực phẩm, về truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Về khoa học công nghệ, cần quan tâm đến giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp theo hướng ứng dụng công nghệ 4.0 trong quá trình sản xuất cà phê, hồ tiêu để đảm bảo sản xuất bền vững, đó là:
Sử dụng bộ giống cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt và chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đối với cà phê nên thiết kế mật độ khoảng cách trồng để có thể ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch. Nếu trồng các giống ghép (TR4, TR5, TR6, TR7, TR9…), cần thiết kế trồng theo giống để thuận lợi cho công tác thu hái và chế biến sản phẩm sau này. Các vùng thiếu nước có thể bố trí trồng các giống cà phê chín muộn (TR14, TR15).
Đối với giống hồ tiêu cần lưu ý trồng giống Vĩnh Linh, song cây giống phải sạch bệnh, sinh trưởng khỏe.
Áp dụng công nghệ bón phân dựa vào độ phì đất góp phần tiết kiệm được chi phí đầu tư phân bón từ 10 - 30%; vườn cà phê, hồ tiêu sinh trưởng và phát triển khá tốt, năng suất cao hơn so đối chứng 5 – 20%; lợi nhuận tăng (bao gồm cả tiền tiết kiệm phân bón) từ 10 – 20%. Vấn đề không kém phần quan trọng là nông dân sử dụng tiến bộ kỹ thuật này đã giảm được lượng phân hóa học bón vào đất, do vậy góp phần bảo vệ được môi trường sinh thái và giảm được khí phát thải nhà kính. Ngoài ra, áp dụng gói kỹ thuật trên cũng góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng nước khoảng 6 – 10%. Để sản xuất 1 tấn cà phê nhân chỉ cần lượng nước là 375 m3 so với đối chứng là 494 m3; đối với hồ tiêu để sản xuất 1 tấn cần 315 m3 so với đối chứng là 430 m3.
Trên quan điểm đất khỏe, cây khỏe và người khỏe thì giải pháp cho vấn đề quản lý dinh dưỡng để phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững trong thời gian tới cần ưu tiên sử dụng các loại phân bón chức, bón phân theo từng thời kỳ sinh trưởng cần được khuyến cáo áp dụng. Việc bón phân cho cây cà phê, hồ tiêu từng bước tiến dần đến việc áp dụng công nghệ 4.0 để quản lý chính xác nhu cầu dinh dưỡng của cây trong từng giai đoạn, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón.
Sử dụng các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao; các chế phẩm sinh học; các sản phẩm phân bón cải tạo đất cần phải được ưu tiên trong bối cảnh đất đai ngày càng bị suy thoái để từng bước góp phần cải thiện tính chất lý, hóa học, đặc biệt là cải thiện độ tơi xốp, độ chua đất từ đó cải thiện được chất lượng đất; tái lập hệ cân bằng vi sinh vật trong đất sẽ là chìa khóa cho việc mở ra con đường hướng tới sản xuất cà phê, hồ tiêu bền vững trong thời gian tới.
Đa dạng hóa sản phẩm trong vườn cà phê, hồ tiêu bằng cách trồng xen các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế đã làm tăng thêm thu nhập cho nông dân từ 40 - 80%; tăng hiệu quả sử dụng nước từ 17,7 – 25,3%.
Thiết lập hệ thống các trạm thời tiết thông minh chuyên dụng ở các vùng sản xuất cà phê, hồ tiêu bao gồm hệ thống trạm quan trắc, cảnh báo thời tiết, môi trường, sâu bệnh; ứng dụng công nghệ truyền thông đa phương tiện, chuyển tải các thông tin thời tiết nông vụ, khuyến nông, kỹ thuật chăm sóc cà phê, khuyến cáo tưới nước tiết kiệm giúp nông dân chủ động ứng phó với các điều kiện bất lợi của BĐKH là cơ cở xây dựng nền nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH và bền vững. Để tái thiết kế và vận hành nền sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với thị trường cùng với giá trị gia tăng cao và thích ứng với BĐKH cần phải có quyết tâm, ý chí và nguồn lực để thực hiện. Vấn đề ở đây là chúng ta phải xác định cho được điểm khởi đầu và điểm đích cần đến cho mỗi loại đối tượng ngành hàng để tập trung tạo bước đột phá nhằm từng bước hòa nhập sâu rộng với nền nông nghiệp hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới trong thời gian tới.
Tưới tiết kiệm, giải pháp kỹ thuật ưu tiên hàng đầu
Ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê, hồ tiêu sẽ giảm được lượng nước từ 20 – 50%, từ đó góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Khi áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm thể kết hợp bón phân qua hệ thống tưới sẽ giúp giảm được lượng phân bón từ 30 – 50%; từ đó góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, đồng thời cũng góp phần bảo vệ môi trường. Tại các vùng sinh thái có lượng mưa thấp, số ngày nắng nóng nhiều, tưới nước tiết kiệm kết hợp với bón phân qua hệ thống tưới là giải pháp kỹ thuật cần được ưu tiên hàng đầu.
TS TRƯƠNG HỒNG (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên)