Về xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định) vào buổi tối sẽ thấy những con đường không còn cảnh bị bao phủ bởi màn đêm đen kịt như trước, mà thay vào đó là hệ thống chiếu sáng từ các cột đèn được dựng lên bởi tinh thần tự nguyện, tự giác của bà con ở các thôn, xóm.
|
Người dân xã Cát Khánh góp tiền lắp đặt đèn đường |
Đó là kết quả của công tác dân vận ở địa phương và công sức của người dân chung tay xây dựng quê hương, với mong muốn làm cho quê hương “thay da đổi thịt”. Trong khí thế toàn dân chung sức xây dựng NTM, lãnh đạo địa phương đã phát động phong trào “Thắp sáng đường quê” đến từng thôn, khu dân cư trong toàn xã. Từ đó, cán bộ thôn đã tổ chức họp, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào.
Ông Nguyễn Lợi, Trưởng thôn Thắng Kiên phấn khởi chia sẻ: “Thực hiện chủ trương của xã về xây dựng công trình thắp sáng đường quê, tôi đã tổ chức họp vận động dân, mỗi hộ tùy hoàn cảnh đóng góp từ 100.000 - 200.000 đồng để mua dây, bóng đèn tiết kiệm điện và đến nay, các tuyến đường chính đã được thắp sáng. Từ khi có đường điện thắp sáng tình hình an ninh trật tự đã giảm đáng kể”.
Nhờ công tác dân vận khéo mà đến nay, xã Cát Khánh đã có 8/8 thôn bắt điện thắp sáng trên các tuyến đường liên thôn, liên xóm, với trên 10 công tơ, 200 bóng đèn chiếu sáng; tổng chiều dài trên 5km.
Ông Đinh Phước Trung, người dân ở thôn Ngãi An vui vẻ tâm sự: “Thực hiện chủ trương thắp sáng đường quê, tôi hưởng ứng rất mạnh mẽ vì đường điện thắp sáng, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại (đặc biệt các em học sinh đi học vào ban đêm) về, có điện sáng rất thuận lợi” . Đây là một trong những nét đẹp văn hóa ở thôn xóm, đồng thời đảm bảo tình hình an ninh trật tự nông thôn.
Để duy trì đường điện ánh sáng được bền vững, trong các đợt họp mặt, chính quyền địa phương vận động người dân ủng hộ, những hộ ở mặt đường đóng góp bình quân 130 - 200 ngàn đồng, nhà phía trong xóm ủng hộ theo khả năng của từng gia đình.
Theo chương trình bắt điện thắp sáng, quy định từ 18h ngày hôm trước đến 5h30 sáng ngày hôm sau, tiền điện nộp hàng tháng bình quân từ 10 - 22 ngàn đồng/gia đình bao gồm cả tiền điện thắp sáng và tiền sửa chữa khi có bóng đèn, đường dây hư hỏng.
Để tiện quản lý, sau khi hoàn thành, các thôn thành lập tổ tự quản và tổ tự quản phân nhiệm vụ thực hiện việc thu đóng góp, bảo dưỡng, sữa chữa đảm bảo đường điện chiếu sáng được an toàn, sử dụng lâu dài.
Nhờ cách làm đúng đắn, thiết thực của chính quyền địa phương nên được nhân dân hưởng ứng tích cực và triển khai thực hiện nhanh. Đèn điện thắp sáng đường nông thôn là nét đẹp văn minh trong quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông thôn hiện nay.
Từ khi phong trào “Thắp sáng đường quê” được phát động đến nay, 100% thôn ở xã Cát Khánh đã có điện đường thắp sáng với tổng chiều dài hơn 12,6km với hơn 154 bóng đèn tiết kiệm điện, tổng kinh phí xây dựng hơn 500 triệu đồng.
Có điện, có đường, cuộc sống của người dân Cát Khánh thực sự đổi mới. Ban đêm tất cả các trục đường chính trong từng thôn được thắp sáng, người dân thuận tiện hơn trong sinh hoạt, nhất là đi lại, giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự trong từng thôn, xóm.
Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh cho biết: Đến cuối năm 2018, xã Cát khánh đạt 17/19 tiêu chí NTM. Có được kết quả như vậy phải kể đến nguồn lực huy động trong dân rất lớn về công sức và tiền của. Thời gian tới, xã tiếp tục tập trung chỉnh trang bộ mặt nông thôn, trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động người dân duy trì, phát huy có hiệu quả phong trào “Thắp sáng đường quê”.
Có thể nói, phong trào “Thắp sáng đường quê” ở xã Cát Khánh không chỉ đảm bảo an ninh trật tự, tiện ích cho nhân dân đi lại vào ban đêm mà còn tạo nên vẻ đẹp ở một vùng quê ven biển. Cát Khánh phấn đấu sẽ về đích NTM vào cuối năm 2019. |