|
Quá trình khai thác, chế biến khoáng sản, các đơn vị khai thác cơ bản đã tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường |
Hiện toàn tỉnh Ninh Bình có 75 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực với tổng diện tích là 987,59 ha, trong đó có 39 mỏ đá vôi và đá vôi đôlômít với tổng diện tích 308,02 ha; 10 mỏ đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch với tổng diện tích 96,77 ha; 1 mỏ than mỡ với tổng diện tích 50,45 ha; 13 mỏ đất, đá làm vật liệu san lấp với tổng diện tích 146,33 ha; 7 mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng với tổng diện tích 278,7 ha; 3 mỏ đất sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng với tổng diện tích 101,32 ha, 1 mỏ đôlômít với diện tích 6 ha và 1 mỏ nước khoáng.
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình thì trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản, các đơn vị khai thác cơ bản đã tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, về an toàn lao động, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho chỉ huy nổ mìn, người sử dụng vật liệu nổ; thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường. Việc ký quỹ phục hồi môi trường cũng được thực hiện theo cam kết trong các phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt. Công tác phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ trong hoạt động khoáng sản được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Công tác quan trắc môi trường được tiến hành theo kế hoạch định kỳ nhằm đánh giá hiện trạng môi trường tại các cơ sở hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kết quả giám sát hàng năm tại các mỏ khai thác, cơ sở chế biến khoáng sản cơ bản đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật môi trường Việt Nam.
Về công tác chấp hành ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường: Đối với các mỏ khai thác giấy phép còn hiệu lực: Hầu hết các mỏ đã thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trước khi tiến hành khai thác theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn số ít đơn vị ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường chưa đầy đủ theo đúng cam kết trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, hàng năm UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kết quả là từ năm 2007 đến nay đã tổ chức 9 cuộc thanh tra. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra cho thấy các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản cơ bản đã chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, trồng cây xanh xung quanh mỏ để chắn bụi, giảm tiếng ồn, lăp đặt hệ thống phun nước tự chảy, xây dựng máng nước rửa lốp xe trước khi ra khỏi mỏ, hệ thống thoát nước các mỏ được xây dựng đảm bảo thu gom, lắng lọc, xử lý trước khi thải ra môi trường…
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số đơn vị chưa lập hồ sơ đề nghị xác nhận việc hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đi vào vận hành chính thức; chưa thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo quy định. Một số đơn vị khai thác mỏ chưa lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại theo định kỳ; không báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại quá thời hạn xử lý, tiêu hủy trong trường hợp chưa tìm được đơn vị xử lý, tiêu hủy phù hợp. Một số mỏ chưa thực hiện chương trình tự giám sát chất lượng môi trường định kỳ hoặc có giám sát nhưng không đảm bảo tần suất đã cam kết, thiếu hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành các công trình, biện pháp vảo vệ môi trường theo quy định.