Trà Cầu Đất trăm năm vẫn giữ được hương vị nhờ cách làm độc đáo này
09:58 - 20/06/2018
Thổ nhưỡng, khí hậu ưu đãi, tuân thủ quy trình trồng sạch, cách chế biến tỉ mỉ, khiến hương vị trà Cầu Đất vẹn nguyên sau hơn trăm năm.
Ảnh minh họa


Vùng trà trăm tuổi cao trên 1.650 m

Một trong những yếu tố tác động đến chất lượng trà là thổ nhưỡng, khí hậu vùng trồng. Cầu Đất là một trong những vùng cao nhất của cao nguyên Lâm Viên-Di Linh.

Với độ cao trên 1.650 m so với mực nước biển, nhiệt độ hàng năm cao không quá 33 độ C, thấp không dưới 5 độ C. Ngày Cầu Đất nắng nhẹ, đêm sương buông sớm. Đồi chè quanh năm mát mẻ. Cây chè tắm sương đêm, hầu như không cần tưới, trừ những tháng hạn nặng.
 

Những bụi chè mọc trên đất dốc, có nơi tới 45 độ. Sự khắc nghiệt và nghèo nàn của đất đai lại trở thành một trong những lợi thế để cây sinh trưởng chậm, tích lũy hương, vị, cho vị trà đậm đà, thơm đậm.

Năm 1915, khi bác sĩ Yersin khám phá ra Hòn Bà (nay là Cầu Đất), vùng đất này được người Pháp lựa chọn để trồng chè thực nghiệm vì lợi thế về khí hậu. Sau đó, vùng chè Cầu Đất nhanh chóng mở rộng lên 500 ha. Năm 1927, sở trà Cầu Đất thành lập, nhà máy chè đầu tiên tại Lâm Đồng được xây dựng, chế biến chè đen đưa về Pháp và xuất khẩu sang các nước châu Âu. Đến nay, trải qua hơn trăm năm, nơi này trở thành một trong những vùng chè nổi tiếng của Việt Nam.
 

Quy trình chăm sóc chè theo tiêu chuẩn.

Hàng năm, đồi chè được chăm sóc, bón phân, đốn cành theo định kỳ, đúng thời điểm, đúng lượng, cho chất lượng chè ổn định.

Cụ thể, năm một lần xuống phân hữu cơ. Mùa đông đốn chè. Ba tháng sau, sang xuân, búp lên xanh mướt. Hoa và quả nở rộ. 

Bên cạnh đó, độ cao và chênh lệch nhiệt độ ngày đêm giúp chè ít sâu bệnh nên  hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật.
 

Chè mùa nắng là ngon nhất trong năm. Vào thời điểm thu hái, công nhân hái từ 7h sáng đến 1h chiều cho kịp chế biến trong ngày. Người trồng có thể hái một tôm một lá, một tôm hai hoặc ba lá tùy theo nhu cầu về độ chát của từng loại trà. Sau khi công nhân hái, chè được tập kết ở nơi thu gom, và được nhân viên kiểm soát chất lượng kiếm tra để lọc lại các lá không đạt yêu cầu trước khi cân. Cứ 50 ngày một đợt hái. Gối nhau 4-5 đợt hái thì kết thúc.
 

12 công đoạn chế biến trà

Sau khi thu hái, trong vòng một giờ, chè được đưa về nơi sơ chế.

Trong 40 giờ tiếp theo, chè trải qua 12 công đoạn chế biến trong nhà máy để tạo ra sản phẩm cuối cùng: phơi héo, quay thơm, lên men, sao chè (cố định hương thơm), tạo hình, sấy khô, bán thành phẩm, nhặt cọng, sấy lại, phân loại, đóng gói, thành phẩm.

Phơi héo là công đoạn đầu tiên. Chè được phơi héo đến khi cảm thấy mềm tay, có mùi thơm bốc lên. Nếu phơi héo quá, chè lên men kém, không tạo được mùi thơm. Ngược lại, nếu phơi còn nhiều nước, quá trình lên men kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng.
 

Phơi chè còn phụ thuộc vào trời nắng, người trồng phải kéo lưới đen lại để giảm nắng nếu nắng quá, đến khi ít nắng thì kéo lưới ra. Các công đoạn còn lại thực hiện trong nhà xưởng theo quy trình nghiêm ngặt. Nhà xưởng được kiểm tra các tiêu chuẩn về vệ sinh, chất lượng chè theo quy định vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm định kỳ.

Tổng thời gian từ khi hái tới khi ra sản phẩm hút chân không, đóng gói hoàn tất chưa đầy 48 giờ. Chè không chất bảo quản, đến tay người dùng không quá 2 tháng kể từ ngày sản xuất.
 

Hương vị trà

Ba loại chè đặc trưng của Cầu Đất là ô long, trà xanh và trà đen, trong đó chủ lực là ô long và trà xanh theo khẩu vị Việt. Trà ô long có mùi hoa tươi, vị thơm bền, nước xanh hoặc vàng. Trong khi trà xanh lại đậm đà hơn, vị chát sâu, nước xanh, được cho là có chứa nhiều chất chống oxy hóa và tốt cho sức khỏe.

Nguồn: Danviet.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn