Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện có chiều cao từ 05 m trở lên, hồ chứa thủy điện có dung tích toàn bộ từ 50.000 m3 trở lên.
|
Ảnh minh họa |
Đối với bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, dự thảo nêu rõ, chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm xây dựng phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Phương án sau khi được phê duyệt phải gửi đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã nơi xây dựng đập, hồ chứa thủy điện và các tổ chức, cơ quan có liên quan đến việc bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện quy định trong phương án trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày phương án được phê duyệt.
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp tiếp nhận, thẩm định hồ sơ trình Bộ Công Thương phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương; trong quá trình thẩm định, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có thể tổ chức kiểm tra hiện trường đập.
Định kỳ không quá 05 năm một lần, kể từ ngày phương án được phê duyệt, chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy điện phải tổ chức rà soát phương án bảo vệ đập và xử lý theo quy định sau: Nếu phương án còn phù hợp, không cần hiệu chỉnh thì báo cáo kết quả với cơ quan phê duyệt.
Nếu phương án có nội dung không còn phù hợp thì báo cáo kết quả rà soát đồng thời hiệu chỉnh phương án, lập hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt lại phương án trình cơ quan có thẩm quyền hoặc tự phê duyệt theo quy định.
Kiểm định an toàn đập
Dự thảo nêu rõ, chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm: Tổ chức kiểm định lần đầu, định kỳ, đột xuất đập, hồ chứa thủy điện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5 Điều 18 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP và quy định của pháp luật về xây dựng.
Báo cáo kết quả kiểm định về Sở Công Thương nơi xây dựng đập đối với kiểm định lần đầu, định kỳ, đột xuất theo quy định tại điểm a và b khoản 3 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP; về Sở Công Thương và cơ quan có thẩm quyền quyết định kiểm định đột xuất đối với kiểm định đột xuất quy định tại điểm c khoản 3 Điều 18 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả kiểm định của tổ chức kiểm định.
Hàng năm, Sở Công Thương có trách nhiệm tổng hợp thực hiện công tác kiểm định đập trên địa bàn báo cáo Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trường hợp tổ chức kiểm định đập, hồ chứa thủy điện kết luận đập, hồ chứa thủy điện có yếu tố không bảo đảm an toàn thì chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm triển khai thực hiện ngay các kiến nghị, đề xuất của tổ chức kiểm định đồng thời báo cáo Sở Công Thương; Sở Công Thương có trách nhiệm chỉ đạo chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy điện triển khai thực hiện biện pháp phù hợp để bảo đảm an toàn cho đập, hồ chứa và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công Thương để phối hợp chỉ đạo, xử lý.
Trường hợp không thể thực hiện các kiến nghị, đề xuất của tổ chức kiểm định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả kiểm định, chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy điện có trách nhiệm báo cáo, giải trình với Sở Công Thương đối với đập, hồ chứa thủy điện được xây dựng trên địa bàn một tỉnh; báo cáo, giải trình với Bộ Công Thương đối với đập, hồ chứa thủy điện được xây dựng trên địa bàn hai tỉnh.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.