Cần kiểm soát ô nhiễm, biến nước thải thành nguồn tài nguyên
18:03 - 31/07/2017
(MTNT) – Trong cuộc sống, nước đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi con người. Con người không thể duy trì sự sống mà thiếu nước. Do đó, việc bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước hiện nay đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng không chỉ của riêng bất cứ một địa phương hay quốc gia nào mà nó đã trở thành vấn đề lớn, bức thiết trên toàn cầu.
|
Người dân Tây Nguyên phải chắt chiu từng giọt nước quý để có đủ nước cho sinh hoạt và đời sống |
Trên thế giới, hiện có tới hơn 80% lượng nước thải phát sinh từ các hoạt động trong đời sống xã hội đang được xả trực tiếp ra môi trường mà không hề qua xử lý và không được tái sử dụng. Bên cạnh đó, có đến 1,8 tỷ người đang hàng ngày phải sử dụng nguồn nước uống bị ô nhiễm, chứa các vi khuẩn có hại. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm đối với con người như: Tả, lị, thương hàn, bại liệt…
Cũng chính do nguồn nước không an toàn, kém vệ sinh như vậy mà mỗi năm đã và đang gây ra cái chết cho khoảng 842.000 người trên khắp thế giới; còn có 663 triệu người khác hiện vẫn phải chịu sự thiếu thốn về các nguồn nước uống an toàn. Dự báo tới năm 2050, gần 70% dân số thế giới sẽ chuyển dịch tới sinh sống ở các thành phố (tỷ lệ này hiện đang là 50%). Điều này sẽ càng trở thành gánh nặng đối với các thành phố ở những quốc gia đang phát triển bởi hầu hết đều không có cơ sở hạ tầng đầy đủ cũng như nguồn lực để giải quyết vấn đề quản lý nước thải một cách hiệu quả và bền vững.
Do vậy, vấn đề tái sử dụng nước thải, đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm nguồn nước và môi trường đối với con người đang trở thành thách thức cần sớm được giải quyết. Nhất là trong tiến trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội diễn ra ở khắp nơi như hiện nay.
Tại Việt Nam, nước ta hiện có 108 lưu vực sông với khoảng 3.450 con sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng từ 830 tỷ - 840 tỷ m3; trong đó, có hơn 60% lượng nước được bắt nguồn từ nước ngoài, chỉ có khoảng từ 310 tỷ - 320 tỷ m3 được sản sinh ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Hầu hết các dòng sông chính ở nước ta đều đã và đang bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau. Trong đó, ô nhiễm chủ yếu nằm ở các vùng trung và hạ lưu; đặc biệt, mức độ ô nhiễm càng tăng cao vào mùa khô, khi lượng nước chảy vào các con sông giảm xuống.
Ngoài việc bị ô nhiễm nguồn nước mặt, nguồn nước dưới đất cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như: Nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các chất có hại khác... Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, nước biển Việt Nam cũng có dấu hiệu ô nhiễm do sự ô nhiễm từ các lưu vực sông hoặc do các hoạt động phát triển kinh tế vùng cửa sông, ven biển… gây ra.
Theo Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, nước ta đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn của vấn đề xử lý nước thải như: Nhiều khu, cụm công nghiệp, làng nghề và nhà máy, xí nghiệp chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước; vấn đề ô nhiễm nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản không được kiểm soát chặt chẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân ở các vùng nông thôn; nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý đã và đang làm gia tăng tình trạng ô nhiễm của nguồn nước tiếp nhận.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng dân số và các nhu cầu ngày càng nhiều của cuộc sống thì lượng nước thải sinh hoạt xả ra môi trường vẫn liên tục tăng cao mỗi ngày. Trong khi đó, việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, chỉ có ở một số thành phố lớn mới được lắp đặt hệ thống công trình thu gom, xử lý tập trung nhưng cũng chỉ thu gom được một phần rất nhỏ lượng nước thải của các hộ dân trong thành phố. Số còn lại thì hầu hết đều đang được xả trực tiếp vào hệ thống cống, rãnh, sông, ngòi…
Hiện cả nước có trên 200 khu công nghiệp, nhưng phần lớn đều chưa có các giải pháp xử lý nước thải một cách bền vững. Thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, hàng ngày có hơn 1 triệu m3 nước thải được xả ra từ các khu công nghiệp tuy nhiên, có khoảng 75% trong số này chưa hề qua xử lý đã xả thẳng ra ngoài môi trường gây nguy hại cho con người và sinh vật.
Cả nước cũng đang có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề, song số làng nghề được quy hoạch trong các khu, cụm công nghiệp vẫn còn rất ít (chỉ chiếm khoảng 1%), số còn lại đa phần xả thải trực tiếp ra môi trường. Ngoài ra, cùng với sự gia tăng dân số, chất lượng nước còn bị suy giảm do lượng nước thải sinh hoạt tăng mạnh với khoảng 600.000 m3/ngày-đêm, xả thẳng ra các ao hồ.
Nhiều nhà máy đơn lẻ và các cơ sở sản xuất, bệnh viện cũng thải ra ao hồ khoảng 7.000 m3/ngày, trong đó chỉ có khoảng 30% được xử lý. Đặc biệt, cả nước có hơn 34.000 điểm giết mổ gia súc, gia cầm, phần lớn lại nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thú y. Hầu hết các cơ sở này đều có quy mô nhỏ lẻ nên chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Nước thải từ tất cả các hoạt động của con người không được xử lý, xả thẳng ra các nguồn ngày càng lớn đang dẫn đến nguy cơ cạn kiệt về tài nguyên nước mặt và nước ngầm. Đồng thời, vấn nạn này còn dẫn đến nguy cơ mất an ninh nước quốc gia và gây nên nhiều vấn đề ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường: Trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước ô nhiễm; có trên 200.000 trường hợp được phát hiện ung thư. Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do người dân phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Ô nhiễm nước thải đang là thách thức rất lớn ở nước ta hiện nay, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và đô thị trong bối cảnh của nhu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế và xu hướng đô thị hóa. Do đó, cần có những biện pháp, giải pháp cụ thể để góp phần nâng cao công tác quản lý và xử lý nước thải nhằm kiểm soát dần tình trạng ô nhiễm tài nguyên nước. Vấn đề xử lý nước thải hiện được xem là giải pháp hiệu quả nhất để tái sử dụng lại nguồn nước thải; phải làm sao để biến nước thải trở thành nguồn tài nguyên.
Những năm gần đây, mặc dù đã có các chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên nước liên tục được đổi mới, hoàn thiện; tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế về nguồn lực thực hiện (nhất là nguồn nhân lực và tài chính) thì vấn đề nhận thức và ý thức chấp hành của cộng đồng chưa cao chính là cản trở lớn nhất trong bảo vệ nguồn nước. Thực trạng cho thấy, vẫn còn tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật về tài nguyên nước và môi trường đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt song tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm vẫn không ngừng gia tăng cả về mức độ lẫn quy mô.
Để khắc phục dần những hạn chế, tiến tới ngăn chặn, giảm thiểu ô nhiễm và khai thác nguồn tài nguyên nước hợp lý, ông Hoàng Văn Bảy- Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước- Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về tăng cường các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Đồng thời, một giải pháp đặc biệt quan trọng khác là phải thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước như Luật tài nguyên nước đã quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xem xét, ban hành thông tư quy định cụ thể về việc này. Theo đó, sẽ xã hội hóa việc quan trắc lưu lượng, chất lượng nước thải, nghĩa là các cơ sở xả nước thải, các cơ sở khai thác nước sẽ phải tự đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động, phân tích chất lượng nước thải... và kết nối tự động trực tuyến hoặc nhập số liệu quan trắc định kỳ vào hệ thống giám sát chung do nhà nước đầu tư (bao gồm phần cứng, phần mềm và đường truyền) để tạo thành một hệ thống thống nhất giữa Trung ương, địa phương, thậm chí trên từng lưu vực sông.
Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý ở cả Trung ương và địa phương, với các phần mềm phân tích, xử lý số liệu trực tuyến sẽ theo dõi thường xuyên, phát hiện và cảnh báo, xử lý kịp thời các trường hợp không tuân thủ quy định của pháp luật. Nếu chúng ta sớm đưa cơ chế giám sát này vào thực thi sẽ có tác dụng ngăn ngừa, hạn chế mạnh tình trạng không tuân thủ trong việc xả nước thải và việc vận hành bảo đảm dòng chảy tối thiểu, gây ô nhiễm, cạn kiệt các dòng sông như hiện nay.
Hà Bình