“Vừa qua, tỉnh đã có chủ trương qui hoạch lại đất rừng, mạnh dạn chuyển đổi gần 200.000ha đất lâm nghiệp sang thành đất sản xuất. Đó là một quyết định quan trọng có bước đột phá trong bảo vệ và phát triển vốn rừng ở Sơn La”
Đó là ý kiến của ông Lương Ngọc Hoan - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La.
Giảm thiểu vi phạm
Tại các xã Háng Đồng, Hang Chú, Tà Xùa (Bắc Yên), Suối Tọ, Mường Thải, Mường Bang (Phù Yên); Tân Xuân, Xuân Nha, lóng Luông (Vân Hồ)… hàng ngàn hộ dân đang sinh sống và sản xuất ngay trên diện tích đất lâm nghiệp. Nói cách khác, những hộ dân này đang vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
|
Nông dân bản Chai, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, Sơn La hăng hái đầu tư cây ăn quả trên diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch lại thành đất sản xuất. Ảnh: Kiều Thiện |
Ông Đào Mạnh Phong - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu, tâm sự: "Không chỉ riêng Sơn La mà các tỉnh có rừng đều vướng phải một thực tế là dân cư sinh sống và sản xuất ngay trên chính đất lâm nghiệp. Điều này nhìn về mặt luật pháp thì không ổn, nhưng nhìn về mặt lịch sử thì hiện tượng này luôn tồn tại bởi nó gắn với tập tục du canh, du cư đã có từ lâu đời. Bên cạnh đó là nhu cầu sản xuất của người dân ngày càng tăng trong khi đất sản xuất thì không biết sinh nở…"
Mộc Châu là một trong những huyện tiên phong ở Sơn La trong việc “đòi lại” hàng ngàn ha đất rừng bị nông dân xâm lấn làm đất nương và đã khá thành công. “Trong 5 năm vừa qua, ngoài việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân trả lại diện tích đất lâm nghiệp đã xâm lấn làm nương, để việc trả lại đất rừng của nông dân diễn ra bền vững, tránh “bắt cóc bỏ đĩa”, Mộc Châu cũng đã mạnh dạn chấp nhận cho bà con được sản xuất trên chính diện tích đất lâm nghiệp mà họ đã tự giác trả lại rừng. Nghĩa là những diện tích ấy được trồng các loại cây lâm nghiệp mà người dân chính là chủ hưởng lợi khi cây ấy đến tuổi khai thác. Vì thế, bà con hăng hái trồng hàng ngàn ha xoan, ban đan xen cây ăn quả...
Ông Lương Ngọc Hoan - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La cho biết: Với quy hoạch trước đây, Sơn La có hơn 900.000ha đất lâm nghiệp. Nhưng trên thực tế thì hàng trăm ngàn ha đã bị người dân xâm lấn từ lâu để làm đất ở, đất sản xuất như tại các bản: Cột Mốc, Dân Quân trong rừng đặc dụng Xuân Nha; bản Năm Nhà, Làng Sáng trong rừng đặc dụng Tà Xùa… Sơn La cũng đã từng họp rất nhiều lần, triển khai nhiều đợt vận động di chuyển dân ra khỏi rừng nhưng rồi đâu lại hoàn đó bởi chính người dân ấy quá khó khăn thì mới vào nơi rừng sâu núi thẳm mà sinh sống. Vì thế, chủ trương quy hoạch lại đất rừng hiện nay của tỉnh Sơn La rất được người dân đồng thuận mà kiểm lâm chúng tôi cũng rất vui!
Rừng vẫn xanh, dân vẫn ấm no
Ông Vì Văn Thiết ở bản Tát Ngoẵng, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, thật thà cho hay: Bao năm nay các hộ lấn đất rừng vừa làm nương, vừa lo ngay ngáy bị phạt, bị thu lại đất. Bây giờ tỉnh có chủ trương quy hoạch lại đất lâm nghiệp, chuyển những diện tích đất rừng mà người dân đang ở, đang sản xuất sang cho người dân sử dụng hợp pháp, chúng tôi rất mừng. Có thêm đất sản xuất, chúng tôi no ấm hơn và sẽ bảo vệ rừng tốt hơn...
Trên chân đèo Chiềng Đông thuộc xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, nơi đây 17 năm trước Sơn La đã thực hiện cắm mốc chỉ giới rừng – nương rẫy. Nhưng có một thực tế là suốt 17 năm qua, mốc chỉ giới này luôn bị vi phạm. Ông Lò Văn Dịch - dân bản Chai, xã Chiềng Đông, tâm sự: "Vì là đất sản xuất vi phạm nên người dân chỉ dám trồng ngô, sắn chứ chẳng ai dám yên tâm đầu tư cây trồng dài ngày, vì thế tình trạng đất bị xói mòn, lở loét càng diễn ra mạnh hơn. Nay Nhà nước cho phép dân được sản xuất trên chính mảnh đất đó làm chúng tôi rất yên tâm. Hàng trăm hộ dân ở quanh đây đã mạnh dạn chuyển đất trồng cây ngắn ngày sang trồng những giống cây ăn quả lâu năm như: Xoài, nhãn, mận, bưởi, cam, chanh… Như thế là rừng vẫn xanh mà dân thì no ấm".
Việc quy hoạch lại đất lâm nghiệp cho phép người dân Sơn La có thêm hàng trăm ngàn ha đất sản xuất hợp pháp. Nhưng trên diện tích ấy, chúng tôi vẫn định hướng người dân sản xuất theo hướng nâng cao độ che phủ của rừng. Dân có thể trồng cây lấy gỗ với mật độ thưa, còn lại thì sản xuất cây lương thực phẩm... Mục đích cuối cùng là dân ấm no, rừng xanh trở lại”, ông Phạm Ngọc Cừ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La
|