Tái sử dụng nước thải - Giải pháp hiệu quả trong xử lý môi trường tại các vùng nông thôn mới
17:01 - 04/04/2017
(MTNT) - Cùng với những tiêu chí về đời sống, kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng...thì môi trường cũng là một trong những tiêu chí rất quan trọng, cần đạt được trong quá trình thực hiện nông thôn mới (NTM). Tại các vùng NTM, sản xuất cây nông nghiệp chuyên canh, cây trồng có giá trị kinh tế cao, đang được ưu tiên phát triển.
Xử lý nước thải cần thực hiện đủ 3 bước: Xử lý sơ bộ, xử lý thứ cấp và xử lý hoàn thiện

Bên cạnh những lợi ích to lớn từ quá trình phát triển kinh tế, xã hội như đời sống người dân ngày một nâng cao thì vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đã, đang nảy sinh và tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và sức khỏe của người dân. Thực hiện chủ chương xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước, một số vùng nông thôn Việt Nam đang triển khai rất tốt công tác này, đem lại những thay đổi tích cực về các mặt kinh tế, xã hội và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, theo tổng kết chương trình thí điểm xây dựng NTM, ở các địa phương còn nhiều tiêu chí chưa đạt hoặc rất khó thực hiện, trong đó có tiêu chí môi trường.


Hầu hết nước thải tại các vùng nông thôn thường không có hệ thống thu gom riêng biệt, nước thải được tập trung trong một hệ thống thu gom (kênh đất, kênh xây hoặc hệ thống cống, rãnh…) và thải trực tiếp vào môi trường.


Các nguồn nước thải bao gồm: Nước thải sinh hoạt phát sinh chủ yếu từ các hộ gia đình, các khu văn phòng, trường học và các nguồn tương tự khác; nước thải từ các hoạt động sản xuất, chăn nuôi tại các hộ gia đình, khu vực sản xuất làng nghề; nước chảy tràn bề mặt từ nước mưa, nước ao hồ… vào hệ thống thu gom chung.


Nước thải khu vực nông thôn chủ yếu là bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ, chứa nhiều dinh dưỡng. Từ khía cạnh sản xuất nông nghiệp, tưới nước thải hiện nay nếu được nhận thức đúng sẽ là cơ hội sử dụng nguồn dinh dưỡng “miễn phí” góp phần đạt được các mục tiêu tương ứng trong sản xuất, thu dưỡng nguồn dinh dưỡng, cải thiện và tái sử dụng nước thải. Tất cả các mô hình xử lý nước thải do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện đều được gắn với vấn đề tái sử dụng nước thải sau xử lý để tưới, nuôi trồng thủy sản…


Ngoài ra, các khu dân cư thường liền kề với các khu canh tác lúa, hoa màu hoặc các vùng chuyên canh nông sản… Nếu nước thải được tái sử dụng cho mục đích tưới sẽ đem lại những lợi ích rất lớn về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Tại Ninh Thuận bắt đầu triển khai theo mô hình này như: Hệ thống thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.

 
Theo đó, xử lý nước thải cần thực hiện đủ 3 bước: Xử lý sơ bộ, xử lý thứ cấp và xử lý hoàn thiện. Giai đoạn xử lý nước thải sơ bộ trong bể tĩnh: Trong giai đoạn xử lý này bằng phương pháp vật lý, các chất rắn, nặng sẽ lắng xuống đáy, rác rưởi, xác hữu cơ được giữ lại các thanh chắn kim loại, dầu mỡ được nổi lên trên được tách ra. Trong nước chỉ còn những… thực vật, chất hữu cơ dạng hạt nhỏ… chúng được chuyển sang giai đoạn xử lý thứ 2 là xử lý thứ cấp.


Giai đoạn xử lý thứ cấp là giai đoạn xử lý nước thải bằng phương pháp hóa học nghĩa là dùng hóa chất để tách các chất hữu cơ ra khỏi các phức chất làm thay đổi các hoạt chất không có lợi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hóa chất để tách các chất ô nhiễm vô cơ bằng các phản ứng kết tủa hoặc keo tụ... Ngoài ra, sử dụng các vi sinh vật yếm khí hoặc hiếu khí sống trong nước để phân giải các phức chất hữu cơ thành các chất hữu cơ đơn giản hoặc các chất vô cơ làm nước trong sạch.


Giai đoạn xử lý hoàn thiện: Nước thải được xử lý trong các giai đoạn trước được khử trùng bằng các chất hóa học hay vật lý làm cho nước không còn bị ô nhiễm và nguồn nước này có thể tái sử dụng trong sinh hoạt hoặc tưới cho cây trồng.


Có thể nói, vấn đề ô nhiễm môi trường nước thải nông thôn là một vấn đề nóng bỏng cần có sự vào cuộc của nhiều tầng lớp nhân dân, các nhà khoa học và các doanh nghiệp để có một giải pháp hiệu quả nhất trong vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước thải nông thôn hiện nay.
Mai Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn