Giá keo, bạch đàn luôn ổn định ở mức cao, nên phong trào trồng rừng sản xuất tại Bình Định phát triển mạnh.
Theo đó, đất được sử dụng cho mục đích lâm nghiệp đã được trồng kín, người dân chuyển sang trồng rừng sản xuất trên đất nông nghiệp.
|
Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở huyện Vân Canh đã được người dân trồng keo |
Huyện miền núi Vân Canh dẫn đầu tỉnh Bình Định trong phong trào trồng rừng sản xuất với khoảng 7.000 ha keo, bạch đàn. Những năm gần đây, người trồng rừng sản xuất ở địa phương này làm ăn khấm khá nhờ giá keo, bạch đàn luôn ổn định từ 1 – 1,35 triệu đồng/tấn.
Chuyện những hộ trồng rừng ở Vân Canh mua ô tô đã có, thậm chí có nhiều hộ mua xe bạc tỷ. Chưa kể những năm trước đây thì riêng năm 2016 thu nhập từ rừng trồng đã “sắm” cho người dân cả chục chiếc ô tô hạng sang.
Trồng rừng mang lại lợi ích cao là vậy, nên ngoài trồng trên đất lâm nghiệp được quy hoạch, rất nhiều người dân còn lấn sang trồng trên đất nông nghiệp vốn được quy hoạch để trồng cây màu hàng năm. Thậm chí, rừng trồng trên cả đất lúa.
Ban đầu, chỉ một số ít người làm, sau không thấy ai nói gì, vậy là người người làm theo. Nhiều cánh đồng, vùng đất trước đây trồng lúa, mì, đậu... nay đã thành rừng keo. Việc làm tự phát này không những sai mục đích sử dụng đất, vi phạm Luật Đất đai mà còn có nguy cơ phá vỡ quy hoạch sử dụng đất.
Ông Mai Văn Đạt, cán bộ địa chính - nông nghiệp - môi trường xã Canh Hiển, lý giải: Những năm gần đây, cây mì, cây mía bị "thất sủng" do giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định, nhiều khi thu hoạch lên không ai mua.
Trong khi cây nguyên liệu giấy như keo, bạch đàn thì đắt như tôm tươi. Lúc xuống thấp nhất cũng hơn 1 triệu đồng/tấn, khi cao lên đến 1,35 – 1,4 triệu. Do đó, nhiều hộ gia đình đổ xô trồng keo trên đất nông nghiệp. Chính quyền xã nhiều lần vận động, nhắc nhở, nhưng vì lợi ích trước mắt mà người dân bỏ ngoài tai khuyến cáo của địa phương.
“Cây keo trồng 2 - 3 năm sẽ cao lớn, khép tán, che phủ ánh nắng mặt trời, làm những loại cây ở phía dưới không thể quang hợp nên không phát triển được. Lá keo chứa chất dầu, khi rụng xuống phân hủy trong đất sẽ khiến các loại cây, cỏ bị chết sạch. Rễ keo hút kiệt chất dinh dưỡng trong đất, làm đất bạc màu, khô cằn, phá hủy kết cấu đất nên sau này rất khó để trồng lúa và cây màu”, ông Đạt phân tích.
Theo quan sát, việc trồng keo trên đất nông nghiệp hiện đang diễn ra tràn lan trên khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vân Canh với diện tích lớn. Ông Đoàn Văn Mức, Chủ tịch UBND xã Canh Hòa, cho biết hơn một nửa trong tổng số 540 hộ trong xã đều trồng keo trên đất nông nghiệp.
Còn tại xã Canh Hiển, chính quyền đang kiểm tra, lập danh sách các trường hợp tự ý trồng keo trên đất nông nghiệp, ấy vậy nhưng tiến độ công việc không được thông suốt. Ông Huỳnh Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Canh Hiển, bộc bạch: “Thú thật, địa phương đang khá lúng túng, chưa biết giải quyết thế nào”.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Trưởng phòng TN-MT huyện Vân Canh nhận định, người dân trồng keo như vậy là sai mục đích sử dụng đất, nhưng thực hiện chế tài xử phạt sẽ gặp không ít khó khăn.
Còn theo ông Trần Văn Khổ, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện, trước mắt chỉ biết rà soát, thống kê, báo cáo thực trạng cho UBND huyện, sau đó tổng hợp ý kiến các ngành chức năng để đề ra hướng xử lý.
|