|
Nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó hạn hán (Ảnh: Báo Thanh tra) |
Các giải pháp trước mắt bao gồm: Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến El nio, tình hình khí tượng thủy văn, dự báo sớm diễn biến dòng chảy, nguồn nước, cung cấp thông tin kịp thời để phục vụ chỉ đạo công tác chống hạn, xâm nhập mặn của các địa phương; đánh giá tác động của các dự án, đề xuất giải pháp ứng phó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc vận hành của 64 hồ chứa lớn, quan trọng theo Quy trình liên hồ, bảo đảm cấp đủ lượng nước tối thiểu theo yêu cầu ở dưới hạ du các hồ cho đến cuối mùa cạn. Chỉ đạo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thúc đẩy Ủy hội sông Mê Công quốc tế thống nhất các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và đảm bảo dòng chảy về hạ du; có thư đề nghị Trung Quốc tăng cường xả nước từ các công trình thủy điện ở Vân Nam. Thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp không tuân thủ quy định theo các quy trình vận hành liên hồ chứa; Đồng thời, rà soát việc bảo đảm yêu cầu về phòng chống, lũ, lụt, hạn hán nhân tạo theo quy định của pháp luật về Luật tài nguyên nước trong quá trình quản lý, vận hành các hồ thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ. Đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh rà soát, điều chỉnh các quy trình vận hành đơn hồ, bổ sung nhiệm vụ tham gia giảm lũ và cấp nước cho hạ du.
Các giải pháp lâu dài bao gồm: phối hợp với các địa phương liên quan rà soát kết quả điều tra, xây dựng Đề án điều tra, đánh giá và tìm kiếm nước dưới đất gắn với tạo nguồn hỗ trợ cấp nước sinh hoạt; xây dựng mô hình thí điểm khai thác nước ngầm tưới tiết kiệm cho một số cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; đánh giá hiện trạng khai thác nước mặt, nước dưới đất trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Lập quy hoạch tài nguyên nước, trước hết là các nội dung về phân bổ, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, gồm cả nước mặt, nước dưới đất, trong đó có xem xét đến việc thích ứng với BĐKH và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn;
Xây dựng hạ tầng quan trắc, giám sát vận hành các hồ chứa lớn, quan trọng; xây dựng hệ thống thông tin, tự động trực tuyến phục vụ điều hành, tối ưu hóa việc vận hành hệ thống liên hồ; xây dựng và vận hành mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước; hệ thống chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung, bao gồm các thông tin, số liệu tổng hợp về khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, đất đai... để chia sẻ thông tin, dữ liệu thống nhất giữa trung ương và địa phương, các ngành;
Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo hạn 10 ngày, tháng, mùa; Rà soát, điều chỉnh một số quy trình vận hành liên hồ chứa;
Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, kết hợp xây dựng các công trình khai thác nước ngầm để cấp nước sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu để sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết;
Tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nhất là trong tưới tiêu, chống lãng phí nguồn nước. Tăng cường giám sát, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn để thông tin kịp thời cho các cơ quan, địa phương và nhân dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn;
Thành lập các Ủy ban lưu vực sông để tăng cường công tác điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra nhằm giải quyết hài hòa, có hiệu quả, bền vững các vấn đề về tài nguyên nước giữa các bên liên quan, giữa thượng lưu, hạ lưu và giữa khai thác với bảo vệ; đồng thời củng cố và tăng cường năng lực quản lý TNN ở các cấp, nhất là cấp Sở và Phòng TN&MT cấp huyện;
Tiếp tục kiên trì hợp tác, đấu tranh bằng các hình thức, phù hợp, trên nhiều diễn đàn nhằm mục đích: bảo đảm khai thác sử dụng công bằng hợp lý nguồn nước chung trên lưu vực sông Mê Công theo Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế; vận hành công trình thủy điện trên dòng chính đảm bảo nhu cầu nước tối thiểu ở hạ du;
Các địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ trong quản lý tài nguyên nước. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình giữ nước ngọt: thiết lập hệ thống cống đầu kênh, nạo vét sông, kênh rạch, xây dựng hồ chứa, tận dụng nước mưa, xây dựng đập ngầm,…Điều chỉnh quy hoạch tổng thể, lựa chọn cây trồng, vật nuôi thích nghi với điều kiện khô hạn và môi trường nước mặn, lợ;
Áp dụng kết hợp giữa các biện pháp công trình (đê, kè, cống điều tiết…) và phi công trình (trồng cây chắn sóng, tạo bãi bồi, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai…) nhằm nâng cao tính bền vững cho công tác chống sạt lở, xâm nhập mặn. Xây dựng cơ chế khai thác kết hợp bảo vệ công trình ven biển nhằm tạo sinh kế bền vững và huy động được nguồn lực xã hội hóa./.