Ngay sau khi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung gặp gỡ, đối thoại với người dân vùng ảnh hưởng của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn), đến nay công tác chi trả tiền hỗ trợ ảnh hưởng môi trường đã hoàn tất.
Ngoài ra, thành phố còn tổ chức khám bệnh định kỳ, đầu tư hệ thống cấp nước sạch, trạm quan trắc không khí... nhằm từng bước cải thiện đời sống của người dân.
Đối thoại lắng nghe ý kiến người dân
Ông Nguyễn Ngọc Oanh - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Sơn cho biết, bãi rác Nam Sơn chính thức đi vào hoạt động từ năm 1999 theo công suất thiết kế xử lý rác ban đầu khoảng 1.000 tấn rác/ngày đêm. Song dân số ngày càng tăng, rác thải sinh hoạt ngày càng lớn, đến nay trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 tấn rác được vận chuyển về đây. Có những đợt cao điểm lên tới 6.000 tấn/ngày đêm khiến lượng rác tồn đọng khá lớn.
|
Người dân ba xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ chịu ảnh hưởng từ Khu xử lý chất thải Nam Sơn sẽ được cấp thẻ bảo hiểm và khám chữa bệnh thường xuyên. ảnh: T.L |
Rác thải quá lớn, nhà máy không kịp xử lý đã gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm, không khí, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ xung quanh khu vực bãi rác này. Để lắng nghe và giải đáp các tâm tư nguyện vọng của người dân chịu ảnh hưởng từ bãi rác này, tháng 5 vừa qua Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gặp gỡ đối thoại với người dân về các vấn đề môi trường, chăm lo đời sống, sức khỏe người dân khu vực ảnh hưởng từ khu xử lý chất thải.
Theo đó, các ý kiến đã tập trung vào các vấn đề như: Chế độ bảo hiểm, khám, chữa bệnh, mức hỗ trợ từ ảnh hưởng môi trường, chính sách di dời tái định cư, mở rộng vùng ảnh hưởng của bãi rác... Trong đó, người dân đặc biệt nhấn mạnh và kiến nghị nâng mức tiền hỗ trợ về ảnh hưởng môi trường, xây dựng trạm quan trắc theo dõi ô nhiễm không khí, nguồn nước, để nhằm hạn chế những tác động ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.
Tiếp thu các ý kiến của người dân, ngay sau cuộc đối thoại ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các dự án, cấp thẻ bảo hiểm, xây dựng đường ống nước sạch, đường giao thông, trường học, trạm y tế… cho người dân.
Triển khai 6 dự án phục vụ an sinh
Từ nay đến quý I-2017, sẽ triển khai lắp đặt thiết bị, đáp ứng nhu cầu nước cho khoảng 2.000 hộ dân trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, là những xã nằm trong phạm vi vùng ảnh hưởng về môi trường từ khu xử lý rác thải Nam Sơn”.
Ông Nguyễn Trí Khoa – Chủ tịch HĐQT Công ty Nước sạch Hà Nội
|
Theo ông Oanh, hiện trên địa bàn các xã chịu ảnh hưởng của khu xử lý chất thải đang triển khai 6 dự án như: Dự án cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường trục chính thôn Liên Xuân; xây dựng hệ thống kênh dẫn hồ Tân Bình, hồ Non Nước; xây dựng hệ thống thu gom nước thải hai bên tuyến đường nối từ Tỉnh lộ 35 đến cổng phía Nam bãi rác Nam Sơn... Trước đó, dự án nước sạch đã được triển khai, hiện đang hoàn thành đưa vào sử dụng.
Chỉ tay vào con đường trước mặt, bà Nguyễn Thị Thuận, ở xã Nam Sơn phấn khởi cho biết, nếu như trước đây con đường này thường chịu bụi bặm, vương mùi hôi thối do xe rác chạy rầm rập, thì nay giảm hẳn. Hàng ngày công ty đã cho xe hút rửa làm sạch, đồng thời tránh những khung giờ trẻ đi học về. “Những tháng gần đây, người dân ở các xã quanh khu xử lý rác thải đã được khám sức khỏe, ngoài ra huyện cũng đã tiến hành xây các trạm quan trắc theo dõi ô nhiễm không khí, nguồn nước, nhờ đó đời sống người dân đã dần được cải thiện” – bà Thuận nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Tuấn Đức – Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Chi nhánh Nam Sơn) cho biết, hiện nước rác tại các hồ chứa đều được kiểm tra giám sát chặt chẽ. Hồ sinh học của giai đoạn 1 đã được cải tạo, gia cố, cứng hóa quanh hồ, bảo đảm tuyệt đối an toàn. “Ngoài ra hàng tháng chúng tôi còn phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng Sóc Sơn cùng các đoàn thể tổ chức tổng vệ sinh, dọn rác, phun thuốc, rắc vôi bột, diệt côn trùng có hại tại 7 thôn của 3 xã bị ảnh hưởng…”.
Được biết, hiện thành phố đã chi 7,6 tỷ đồng hỗ trợ người dân 3 xã chịu ảnh hưởng môi trường từ khu xử lý chất thải. Mặc dù thành phố đã có những quan tâm nhất định và phải khẳng định rằng, đời sống của người dân quanh khu bãi rác đã được cải thiện đáng kể, song vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Ông Oanh lo lắng: “Mặc dù người dân đã được đền bù và di dời ra khỏi phạm vi ảnh hưởng, song người dân xung quanh bãi rác vẫn là người chịu nhiều thiệt thòi. Do đó, tôi mong huyện, thành phố trong thời tới tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đời sống của người dân, ngoài việc đảm bảo về môi trường sinh hoạt, cần hỗ trợ chuyển đồi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân”.