|
Vẫn tồn tại lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Tại Sơn La, 16 năm nay, gần 40 hộ dân tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu, tỉnh Sơn La phải sống chung với ô nhiễm môi trường do khói đốt từ 9 lò gạch thủ công trên địa bàn gây ra.
Ông Phạm Thành Đồng, Bí thư chi bộ Tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu cho biết: Các lò gạch thủ công được xây dựng từ những năm 2000, trên diện tích đất 5% của xã. Chủ lò chủ yếu là người dân địa phương, đã giúp giải quyết việc làm cho gần 50 lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, cả một khu vực lúc nào cũng như bị “hun” trong khói lò. Sức khỏe bị ảnh hưởng, hàng chục ha cây cối, hoa màu không cho thu hoạch. Rau trồng đem bán không ai mua, trồng xoài thì cây òi cọc, không lớn được. Người dân chúng tôi rất bức xúc, nhưng chúng tôi đã được huyện thông báo lộ trình xóa bỏ các lò gạch này tới hết tháng 12/2016 nên phải tạm chấp nhận sống chung với lũ.
Ông Trần Khắc Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Sơn La cho biết: Qua theo dõi, tổng hợp số liệu rà soát các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng lò gạch đất sét nung, lò vôi thủ công trên địa bàn tỉnh, hiện tổng số lò gạch thủ công còn lại là 26 lò gạch, công suất 11,47 triệu viên/năm. Số lò vôi thủ công còn 1 lò với tổng công suất 10 tấn/ngày, tại huyện Mộc Châu.
Đến nay, tỉnh Tuyên Quang vẫn có trên 150 lò gạch thủ công đang hoạt động. Trong đó nhiều nhất là huyện Hàm Yên hiện còn 101 lò gạch đất sét nung thủ công, trong đó riêng xã Thái Sơn có tới 72 lò. Ngoài ra còn xã Đội Bình (Yên Sơn) 21 lò; An Khang (TP Tuyên Quang) 21 lò; Chi Thiết, Hồng Lạc (Sơn Dương) 38 lò... Trong đó, có 55 lò cách khu dân cư, khu canh tác 100m; 46 lò có khoảng cách lớn hơn 100m với tổng số lao động hơn 1.050 người.
Hoạt động của các lò gạch này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân sống quanh khu vực có lò gạch. Điển hình như 72 lò tại xã Thái Sơn, những cột khói nghi ngút, đặc quánh gặp những cơn gió thì tràn vào nhà dân, trường học đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Những lò gạch thủ công không chỉ gây ô nhiễm không khí mà còn làm ảnh hưởng sự phát triển của hoa màu, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Mỗi khi đốt lò, ngoài phần củi để nhóm, mỗi lò gạch phải sử dụng từ 15 đến 16 tấn than cho một lần nung, thời gian nung kéo dài hai ngày đêm. Như vậy, có thể thấy lượng khói thải ra môi trường rất lớn. Mỗi tháng hàng chục lò gạch ở xã Thái Sơn sản xuất khoảng 50 – 150 vạn viên gạch, lượng khói độc hại thải ra môi trường là cực lớn. Bên cạnh đó, các lò gạch thủ công còn lấy đi một khối lượng đất sét rất lớn để làm gạch, để lại đường, sau đó là nhiều hồ nước lớn, sâu và mất an toàn mỗi khi có người và gia súc không may rơi xuống.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, thôn An Thạch 2, xã Thái Sơn cho biết, khói của lò gạch độc hại, người dân hít phải khói than, nhiều người ảnh hưởng đường hô hấp, suốt ngày ốm đau. Ngay bản thân ông Mạnh, mỗi năm phải vài lần đi khám ở bệnh viện. Ông Trần Văn Dũng (cùng thôn An Thạch 2), cho biết, các loại cây cối, hoa màu của bà con bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dù áp dụng tiến bộ khoa học mà khuyến nông hướng dẫn, chuyển giao, nhưng chẳng cây nào phát triển được vì khói bụi của lò gạch.
Tuy nhiên, nghề làm gạch lại là thu nhập chính của các hộ gia đình và người lao động địa phương. Vì vậy, dù Chính phủ, UBND tỉnh Tuyên Quang, đã có những quy định về lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, song mặc cho ô nhiễm môi trường các lò gạch vẫn hoạt động, thậm chí, còn được xây mới. Như tại xã Thái Sơn (Hàm Yên) năm 2013, có 38 lò gạch, nhưng đến nay xã đã có tới 72 lò và vẫn có những gia đình tiến hành xây lò gạch mới.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng, các lò gạch thủ công vận hành sẽ tạo ra các loại khí độc và cực độc như: Bụi, bụi siêu mịn… ảnh hưởng trực tiếp đến cả người lao động tại khu vực sản xuất và cộng đồng dân cư vùng lân cận.
Theo nhiều chuyên gia môi trường, các lò gạch thủ công nung sản phẩm phải mất từ 20 – 30 ngày mới cho ra một mẻ. Trong khi đó, lò thủ công không có ống khói hay hệ thống xử lý khói. Vì vậy, các loại khí độc thải tự do ra không khí. Toàn bộ lò gạch xây dựng theo công nghệ cũ, chủ yếu được làm bằng đất, nhiều lò đã cũ, xập xệ, nguy cơ tai nạn cho người lao động.
Nguy hiểm là thế nhưng xuất phát từ nhu cầu về vật liệu xây dựng, lợi nhuận kinh tế và thị trường lao động tại các vùng nông thôn nên hiện nay hầu hết các tỉnh thành vẫn tồn tại các lò gạch thủ công. Đơn cử, địa phương có mật độ dân cư đông như Đồng Nai, nhưng các huyện Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu, thành phố Biên Hòa… đang được coi là “thủ phủ” sản xuất gạch đất sét nung. Tại các địa phương này, có thời điểm hơn 20 lò gạch thủ công cùng hoạt động chỉ cách nhau có 10m… Tại Khánh Hòa, hiện toàn tỉnh còn 56 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, gồm: thị xã Ninh Hòa 54 cơ sở, huyện Diên Khánh 1 cơ sở, huyện Vạn Ninh 1 cơ sở. Tổng cộng có 108 lò, gồm 12 lò vòng, 95 lò đứng, 1 lò vòng cải tiến với công suất khoảng 86,2 triệu viên/năm.
Việc xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công còn gặp nhiều khó khăn. Bởi để chuyển sang sản xuất theo công nghệ lò tuynel hoặc lò công nghệ tiên tiến khác, đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong khi các chủ lò gạch nhỏ tiềm lực còn khiêm tốn, chính sách của nhiều địa phương về khuyến khích chuyển đổi mô hình và thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây không nung chưa cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa thực sự quyết liệt trong quá trình chỉ đạo, thực hiện việc xóa bỏ các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng lò nung thủ công trên địa bàn.
Theo chỉ đạo của Chính Phủ, trước 2018, các địa phương trong cả nước phải loại bỏ lò gạch thủ công. Bộ Xây dựng đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án, công trình, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng lò nung thủ công đang hoạt động trên địa bàn. Đồng thời khẩn trương xây dựng và ban hành lộ trình xóa bỏ các lò nung thủ công sản xuất vật liệu xây dựng và thực hiện nghiêm túc theo lộ trình đã ban hành (hiện tại có 53/63 địa phương đã ban hành).
Theo đó, đến năm 2016 phải loại bỏ ít nhất 50% số lò vôi thủ công gián đoạn, đến năm 2020 loại bỏ toàn bộ các lò vôi thủ công gián đoạn và lò vôi thủ công liên hoàn trên toàn quốc; các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến trước năm 2016, chấm dứt hoạt động các lò gạch kiểu lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trước năm 2018; đối với các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến chậm nhất hết năm 2017, chấm dứt hoạt động các lò gạch kiểu lò đứng liên tục chậm nhất vào năm 2020.