Ông hoàng trên xứ rừng Chò Công
09:11 - 23/10/2017
Từ hiệu quả cao trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, ông Hoàng Văn Ninh (bản Thành Tiến, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) đã được đồng bào địa phương tôn vinh với cách đặt biệt danh là ông hoàng của xứ rừng Chò Công.

Gia đình ông Hoàng Văn Ninh sống ở bản Thành Tiến nhưng để vào rừng của ông ở bản Tân Thành thì lại phải đi qua cầu treo, cách nhà hơn km đường.

Với quy mô lớn thì rừng lại mang đến sự đột phá trong phát triển kinh tế cho người dân

Ông Ninh kể, ngay cả bây giờ, người địa phương nói về xứ rừng Chò Công với thái độ dè dặt, né tránh. Đó là vùng rừng thiêng, nước độc. Vậy mà những năm trước, được giao gần 3ha đất, giáp với đền Cô ở xứ rừng này, vợ chồng ông Ninh ngày đêm mò mẫm quai đất, đắp bờ, đào ao, bạt núi, trồng cây. Lúc đó, người dân chỉ biết tra ngô, mố sắn để kiểm lương thực chống đói. Vợ chồng ông hám việc, quên cả ngày đêm sớm tối, trồng được nhiều ngô, nhiều sắn nên tăng gia nuôi được cả lợn, gà. Ao cá có nguồn nước khe chảy về quanh năm, cá lớn rất nhanh, cho sản lượng hàng tấn mỗi năm.

Ông Ninh bàn với vợ, muốn làm giàu bằng phát triển kinh tế nông lâm nghiệp thì phải có nhiều tư liệu đất đai, đồi bãi hơn nữa. Vậy là, cả năm tích lũy, cứ mỗi lần giáp Tết, hai vợ chồng lại mang ít tiền dành dụm được để đi mua đất rừng của những hộ kế bên. Năm ít mua được vài sào, năm nhiều mua được vài ha. Đến nay, tổng diện tích đất đồi rừng của gia đình ông đã lên đến 18ha.

Năm 2010, được sự hướng dân tận tình của kiểm lâm viên địa bàn Nguyễn Ngọc Phú, lại được hỗ trợ cây keo giống để trồng rừng, cả gia đình ông Ninh với 4 khẩu (2 vợ chồng ông và 2 người con trai) bắt tay vào trồng rừng trên diện tích 13ha. 5ha còn lại, ông cấy lúa, trồng chè, mở rộng diện tích ao nuôi cá và xây trang trại.

Ngồi giữa sân nhà rộng rãi của trang trại "ông hoàng" trên xứ rừng Chò Công, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Võ Nhai Vũ Thế Cường tâm đắc, cơ ngơi thế này thì “hữu khách tầm” quá đi chứ. Ông Ninh khiêm tốn triết lý, mấy chục năm vật lộn rồi, mình không phụ rừng nên rừng trả nghĩa mình đó cán bộ ạ!

Đầu năm 2017 vừa qua, rừng đến chu kỳ khai thác, ông bán dạm 3ha với giá trị 550 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập đó, ông đầu tư xây dựng một căn nhà rộng rãi, khang trang và giao cơ ngơi đó cho vợ chồng người con trai cả là anh Hoàng Ngọc Vũ. Giữa bát ngát bốn bề là màu xanh của cây rừng Chò Công, ngôi nhà nằm ở trung tâm như một điểm nhấn tạc vào không gian, khẳng định sức mạnh, sự bền bỉ và nỗ lực vươn lên của con người.

Ba cha con ông Ninh có vóc dáng cao to lừng lững không thể lẫn vào đâu được ở vùng rừng núi này. Anh Hoàng Văn Min (con trai thứ 2 của ông Ninh) tiết lộ, ông Ninh nặng 97kg, anh Vũ nặng hơn 110kg còn Min nặng 114kg. Ông Ninh với giọng nói sang sảng, tay cầm dao quắm, chân bước phăm phăm dẫn lối đưa chúng tôi thăm cơ ngơi của trang trại. Ông đưa tay hái trái bưởi Diễn trong vườn bưởi hàng trăm gốc sai trĩu quả.

Ông đưa 2 ngón tay cái chọc mạnh vài quả bưởi mà bóc luôn từng thớ vỏ. Ông gọt bưởi bằng những ngón tay không trong chưa đầy 1 phút rồi lần lượt đưa những múi đã tách sẵn mời chúng tôi. Qua ao cá, ông vào kho, một tay nâng nhẹ bì cám cá, tay kia bốc từng nắm thức ăn vãi xuống ao.

Đến rừng, ông khoát tay, vị trí rừng đã khai thác như một vết tróc khổng lồ của bức tranh sơn thủy. Nơi ấy, ông đang thuê khoảng 10 người tiếp tục trồng rừng. Chị Nguyễn Thanh Huyền (một người trồng rừng cho gia đình ông Ninh) cho biết, chị được ông thuê làm thường xuyên. Hết trồng lại đến chăm sóc, tỉa cành. Rồi chăm cá, làm cỏ, hái chè... làm quanh năm không hết việc. Ông Ninh cho biết, trang trại của ông thuê 5 lao động thường xuyên với mức lương 5 triệu/người/tháng. Thời điểm thu hoạch rộ thì nhân công thời vụ có thể lên đến 20 – 25 người với công nhật từ 250 - 300 ngàn đồng/người/ngày.

Vùng rừng rộng chục ha chuẩn bị bước vào khai thác đã được ông Ninh tính sẵn. Hiện tại, ông đang thuê phương tiện xe, máy tiếp tục san gạt mặt bằng để mở rộng chăn nuôi. Dự kiến, quy mô trang trại mới của gia đình ông sẽ nuôi được 2 vạn con gà. Ông cũng ấp ủ mong muốn sẽ thay được chiếc xe tải Hoa Mai cũ bằng một chiếc khác mới hơn, chất lượng hơn và phù hợp với địa hình vận chuyển ở đây.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (Chủ tịch UBND xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai) cho biết, chính rừng đã mang lại sự đột phá cho phát triển kinh tế hộ của gia đình ông Ninh. Rừng tích tụ giá trị thu nhập cho người dân. Phát triển kinh tế VACR của gia đình ông Hoàng Văn Ninh được chính quyền cũng như đồng bào địa phương đánh giá cao về hiệu quả cũng như tính lan tỏa của mô hình.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn